Ốc bươu vàng có tên khoa học Pomacea canaliculata, là loại ốc thuộc họ (Ampullariidae, lớp Chân bụng (Gastropoda), ngành Thân mềm (Mollusca), có nguồn gốc Trung và Nam Mĩ. Với tốc độ sinh trưởng chóng mặt, ốc bươu vàng từ lâu là kẻ thù của nông dân trồng lúa.
Đặc điểm của ốc bươu vàng
Đặc điểm cấu tạo
☑ Trứng có màu đỏ hồng đậm khi mới đẻ và màu hồng nhạt khi gần nở, bám thành chùm trên nhánh cây, vật cứng.
☑ Có dạng mập tròn, gồm đầu, thân và chân. Đầu có hai đôi xúc tu (một đôi dài và một đôi ngắn).
☑ Thân nằm trên chân, là một khối xoắn ẩn kín trong vỏ. Chân rộng, hình đĩa, màu trắng kem nằm ở phía bụng.
☑ Phần đầu và chân thường thò ra ngoài vỏ khi di chuyển. Toàn bộ cơ thể ốc nằm được bảo vệ bởi lớp vỏ.
☑ Con đực có vảy miệng hơi nhô gợn sóng, con cái có vảy miệng bằng phẳng hơi lõm xuống.
Đặc điểm sinh học
☑ Chúng đẻ trứng thành từng ổ, mỗi ổ khoảng 200 – 300 trứng trong khoảng 3 giờ. Nếu điều kiện thích hợp, số lượng trứng có thể lên tới 500 – 600 trứng/ổ.
☑ Sau 7 – 15 ngày, trứng sẽ nở thành ốc non. Giai đoạn ốc non phát triển từ 15 – 25 ngày, sau đó là giai đoạn ốc lớn (26 – 59 ngày).
☑ Vòng đời ốc trung bình là 60 ngày và ốc bươu vàng có thể sống đến 4 – 6 năm.
☑ Ốc bươu vàng có thể sống dưới nước hay trên cạn nhờ có khe mang và cơ quan giống phổi. Chúng có thể sống nhiều tháng trong điều kiện khô hạn bằng cách đóng nắp và vùi sâu trong đất.
v Đặc biệt, chúng có thể tồn tại trong môi trường ô nhiễm, thiếu oxy nhờ có ống thở.
☑ Ốc bươu vàng cũng có thể sống trong nước ở nhiệt độ từ 0 – 32oC và sống trong đất khô 6 tháng khi điều kiện tự nhiên thiếu nước.
Đặc điểm gây hại
Ốc bươu vàng thường cắn ngang cây lúa non hay chồi non từ ngay sau khi sạ cho đến khi cây lúa được 30 ngày tuổi, hoạt động chủ yếu vào sáng sớm, chập tối và ban đêm.
Trên ruộng lúa, các dấu hiệu nhận thấy ốc bươu vàng gây hại là: làm cho lá, thân cây lúa nổi trên mặt nước hoặc cây lúa đứt ngang thân.
Tốc độ gây hại: 1 con ốc bươu vàng (2 – 3 cm)/ m2 gây hại trong giai đoạn 3 – 20 ngày sau khi cấy sẽ làm giảm 15 – 20% năng suất lúa. Nếu mật độ 6 – 10 con ốc bươu vàng /m2 thì ruộng lúa sạ sẽ mất trắng chỉ sau 1 ngày đêm.
Biện pháp phòng trừ ốc bươu vàng
Biện pháp canh tác, thủ công
☑ Làm đất kỹ bằng phẳng, tránh để những khu vực trũng nước trên ruộng.
☑ Chọn giống tốt có tỷ lệ nẩy mầm cao.
☑ Bón phân lót Urea, NPK (60 – 70 kg) + Hợp Trí Super Humic (2 – 3 kg)/ ha khi được 21 ngày sau cấy, để giúp cây lúa non mọc khoẻ và giảm thấp số lượng ốc bươu vàng gây hại.
☑ Bắt ốc và trứng bằng tay, đặc biệt là vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.
☑ Đặt lưới mắt cáo bằng kim loại, bằng lưới nilon hay bằng tre nứa ở cống, bọng dẫn nước để ngăn chặn ốc lây lan, đồng thời cũng dễ thu gom. Nên đặt lưới sớm, ngay từ đầu vụ đến khi thu hoạch.
☑ Đánh rảnh thoát nước (25 x 5 cm) cách nhau 10 – 15m trên ruộng để ốc đến sống tập trung trong rảnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu gom bằng tay.
☑ Cắm cọc tre, sậy ở những chỗ ngập nước, mương kênh tưới trên ruộng để ốc lên đẻ rồi thu gom bằng tay.
☑ Làm bờ bằng tro hay vôi quanh chỗ bị hại. Khi ốc bươu vàng leo qua bờ sẽ bị chết do mất nước.
☑ Điều tiết chế độ nước bằng cách rút nước định kỳ, giữ mực nước thấp 2 – 3cm nhằm hạn chế ốc di chuyển, phá hại.
☑ Phun Hợp Trí CaSi 30 ml/ bình 16 lít ở giai đoạn 10 – 12 ngày sau sạ để cung cấp Silic giúp cây lúa cứng cáp hạn chế tác hại của ốc bươu vàng.
Biện pháp sinh học
☑ Dẫn dụ sinh học
✔️ Dùng lá sắn, lá đu đủ, lá chuối, xơ mít,… bó lại rồi thả xuống nước để dụ ốc bám xung quanh rồi thu bắt.
✔️ Chặt cây xương rồng bỏ xuống nước, nhựa cây độc làm ốc say, nổi lên mặt nước giúp thu nhặt ốc dễ dàng hơn.
✔️ Có thể thả vịt sau khi bừa lần cuối rồi dẫn nước vào ruộng hay thả vịt ngay sau khi thu hoạch, 1.000m2 chỉ cần thả 20 con vịt giúp giảm đáng kể ốc bươu vàng.
☑ Dùng bẫy
Bẫy thực vật: Cắt cỏ xanh đắp thành mô trên ruộng, với đặc tính ẩn nấp vào ban ngày chúng sẽ chui vào, đến chiều tối chỉ cần ra thu gom.
Bẫy sữa: Pha 4 lít nước +1 lít sữa và ngâm miếng vải thô vào. Đem miếng vải đặt vào nơi ốc bươu vàng phá nặng. Sáng hôm sau thu miếng vải có ốc bươu vàng bám dính đem hủy.
Bẫy bia: Dùng 2,5kg lúa và ngô ngâm cho nảy mầm, sau 3 ngày nảy mầm thêm nước và luộc chín rồi để nguội, trộn 0,5kg đường và ủ trong 3 ngày.
Đổ hỗn hợp trên vào lon rồi đem đặt ngoài ruộng sao cho miệng lon bằng mặt nước. Mùi thơm sẽ thu hút ốc bươu vàng tập trung quanh lon. Đặt bẫy vào chiều mát và thu vào sáng sớm.
☑ Dùng thảo mộc làm thuốc
Lấy lá cây trúc đào 30 – 40 kg lá/ha, hạt xoan ta 20 – 30 kg hạt/ ha hoặc rễ cây thuốc cá 30 – 40 kg rễ/ha. Tất cả đem phơi khô rồi nghiền nhỏ, rắc đều trên ruộng, nước giữ ở mức 3 – 5 cm. Sau khi ăn phải ốc sẽ chết.
Biện pháp hóa học
Sử dụng thuốc trừ ốc bươu vàng:
Viniclo 70WP
Thuốc dạng bột thấm nước, có tác dụng vào hệ hô hấp và hệ tiêu hóa.Thuốc di chuyển theo nước vào miệng ốc phá hủy hệ tiêu hóa và hệ hô hấp của ốc.
Sau khi nhiễm thuốc ốc sẽ bị sủi bọt mép ngừng hoạt động và chết trong vòng 24 giờ. Diệt cả ốc mẹ, ốc con lẫn trứng vừa mới nở.
Thành phần: Niclosamide 70%
Cách dùng: 250g/ha pha với 400 lít nước.Pha 5g thuốc/ bình 8 lít phun 5 bình cho 1000m2, phun trước hoặc ngay sau khi sạ.
Mossade 700WP
Thuốc đặc trị ốc bươu vàng, có tác dụng xông hơi và vị độc. Thuốc tác dụng rất nhanh và mạnh đến hệ hô hấp, nhanh chóng gây ức chế men hô hấp và tiêu hoá của ốc, làm ức chế sự trao đổi chất trong cơ thể ốc, làm ốc ngừng phá hại và chết.
Thành phần: Niclosamide
Cách dùng: pha gói 18g/bình 16 lít phun cho 1 sào 500 m2. Phun thuốc sau khi sạ lúa, lúc cho nước vào ruộng lần đầu tiên.
PISANA 700WP
Thuốc tác động lên hệ hô hấp và tiêu hóa của ốc làm ức chế men hô hấp và sự trao đổi chất nên tiêu diệt ốc nhanh ngay khi ốc dính thuốc.
PISANA 700WP lan tỏa nhanh trong môi trường nước, diệt triệt để ốc to, ốc nhỏ và cả trứng ốc chỉ sau 1 lần phun thuốc, giảm thiệt hại cho lúa ngay từ đầu.
Thành phần: Niclosamide 700 g/kg, Phụ gia vừa đủ 1 kg
Cách dùng:
Phun trước khi gieo sạ 1 – 2 ngày: Áp dụng vào vụ Đông Xuân, Thu Đông
Sau khi làm đất lần cuối xong, giữ mực nước trên ruộng xâm xấp từ 3 – 5 cm (để ốc không chui xuống đất), pha 35 g Pisana 700WP/bình 16 lít phun đều mặt ruộng (1 công khoảng 1 bình 16 lít).
Tiếp tục giữ nước thêm 1 – 2 ngày nữa để cho ốc chết hoàn toàn và sau đó rút nước ra gieo sạ bình thường.
Phun khi đưa nước lên bón phân lần thứ nhất (7 – 10 ngày sau sạ): Thường ở vụ Hè Thu
Liều lượng: pha 35 g/bình 16 lít hoặc bình 25 lít phun cho 1 công (1.000m2).
Lưu ý:
☑ Khi mực nước ruộng từ 3 – 4 cm, sử dụng liều lượng: 25 – 30 g/1000 m2
☑ Khi mực nước ruộng cao hơn 5 cm, sử dụng liều lượng: 35 g/1000 m2.
☑ Không trộn thuốc với giống sẽ làm ảnh hưởng đến mầm lúa.
☑ Không trộn với phân để rải vì làm giảm hiệu lực của thuốc.
Deadline Bullets
Cách dùng: mật độ thấp rải 1-2 kg/ha, cao 10 con/m2 rải 6-8 kg/ha. Rải thành cụm cách nhau 3m (5-10g/cụm) dọc theo bờ và những nơi ốc bươu vàng tập trung, rải lúc chiều mát.
MILAX 100GB
Thuốc có tác dụng tiếp xúc và vị độc mạnh nên ốc sau khi ăn bả sẽ nhanh tiết nhớt, tế bào nhầy bị phá hủy làm ốc mất nước rồi chết.
MILAX 100GB an toàn cho cây lúa và có thể sử dụng linh hoạt: trước khi gieo sạ, trộn với giống khi sạ và trộn với phân rải sau khi sạ, giúp tiết kiệm công rải thuốc.
Thành phần: Metaldehyde 100g/kg, Phụ giavừa đủ 1 kg
Liều lượng: 400 – 500 g/1.000 m2 hay 4 – 5 kg/ha. (Tùy theo mật độ ốc trên ruộng).
Cách dùng:
Trộn giống: Làm đất lần cuối xong giữ mực nước trong ruộng từ 3 – 10 cm và để lắng bùn 1 đêm. Giống ngay trước khi đem gieo trộn 5 kg MILAX 100GB với lượng giống vừa đủ sạ cho 1 ha (0,5 kg Milax/1.000 m2).
Rải trước khi gieo sạ: Sau khi làm đất lần cuối, giữ mực nước ruộng từ 3 – 10 cm và để qua 1 đêm cho bùn lắng hết, dùng 4 – 5 kg MILAX 100GB trộn với cát rải đều cho 1 ha (0,4 – 0,5 kg/1.000 m2).
Trộn với phân bón đợt 1: Sau khi sạ được 7 – 10 ngày đưa nước vô tiến hành bón phân đợt 1, sử dụng 4 – 5 kg MILAX 100GB trộn với lượng phân cần dùng rải cho 1 ha.
Trộn với cát rải chỗ trũng hoặc rãnh thoát nước: Sử dụng 1 – 2 kg MILAX 100GB trộn với 1 – 2 kg cát đem rải.
Lưu ý:
☑ Sau khi dùng thuốc tiếp tục giữ nước ruộng trong vòng 1 – 2 ngày để bảo đảm toàn bộ ốc đều trồi lên mặt đất và ăn được thuốc, sau đó rút nước cạn rồi tiến hành sạ lúa như bình thường.
☑ Không rải thuốc trước khi thu hoạch 10 ngày.
DIOTO 250EC – 830 WDG
Thuốc tác động rất nhanh đến chức năng hô hấp và tiêu hoá, ngăn cản hấp thu đường và quá trình biến dưỡng khiến ốc không hấp thu được oxy và dưỡng chất mà chết chỉ sau khi phun 15 – 30 phút.
Hoạt chất: Niclosamide, có hai dạng chế phẩm: Dạng ngũ dầu (EC), hàm lượng hoạt chất 250 gr/l và dạng cốm (WDG), hàm lượng hoạt chất 830gr/kg.
Cách dùng:
Dioto 250EC: liều lượng 1 lít/ha. Pha 100ml thuốc cho bình 16 lít để phun cho 1 công ruộng (1.000m2).
Dioto 830WDG: liều dùng 200gr/ha. Tùy ruộng có ốc nhiều hay ít, có thể pha từ 20 – 60gr/bình 16 lít để phun cho 1.000m2.
Phun nhử trước sạ : Trước sạ vài ngày, dẫn nước vào ruộng, nhử ốc trồi lên rồi phun thuốc, sau đó làm đất tiến hành sạ bình thường.
Phun sau sạ: Phun ngay khi lấy nước vào ruộng chuẩn bị rước phân đợt 1 (khoảng 7 – 10 ngày sau sạ).
Lưu ý khi dùng thuốc trừ ốc bươu vàng
☑ Nên phun thuốc lúc chiều mát hay sáng sớm. Tuy nhiên theo kinh nghiệm phun chiều mát tốt hơn, vì ốc thường nổi lên và cắn phá mầm lúa vào lúc chiều và tối.
☑ Phun sớm ngay khi thấy ốc xuất hiện trên ruộng.
☑ Trước khi phun phải đảm bảo có ốc trên ruộng.
☑ Không phun thuốc cho lúa sạ ngầm (do mực nước trong ruộng quá cao).
☑ Không phun thuốc cho những ruộng không có bờ bao, ruộng nuôi cá và hồ thủy sản.
☑ Khi phun, giữ mực nước khoảng 3 – 5cm là vừa. Sau phun tiếp tục giữ nước ít nhất 2 ngày để diệt hết ốc còn sót lại.