Hiện nay Việt Nam và Hàn Quốc đã ký Hiệp định Thương mại tự do song phương (VKFTA) nhưng Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng xuất khẩu sang thị trường này. Xuất khẩu của Việt Nam tuy có tăng mạnh trong những năm gần đây nhưng còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nhập khẩu của Hàn Quốc, chỉ khoảng 3,9%…
“Hàn Quốc không chỉ là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam mà còn là đối tác thương mại hết sức quan trọng. Đây là thị trường có nhu cầu nhập khẩu lớn, còn nhiều tiềm năng, dư địa cho xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam nói chung và hàng thủy hải sản, nông sản nói riêng”, ông Nguyễn Duy Kiên, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi thuộc Bộ Công Thương nhận xét như thế với VnEconomy.
HÀNG VIỆT NAM NHIỀU LỢI THẾ ĐỂ TĂNG THỊ PHẦN TẠI HÀN QUỐC
Dệt may, thủy sản, các sản phẩm từ gỗ, giày dép, ô dù, mũ, rau quả… là những sản phẩm Việt Nam có thế mạnh và Hàn Quốc cũng có nhu cầu nhập khẩu lớn. Riêng với sản phẩm dệt may, năm 2019 Hàn Quốc nhập khẩu từ Việt Nam 8 tỷ USD, chiếm 32% thị phần, chỉ sau Trung Quốc 35%.
Các mặt hàng Hàn Quốc ưa chuộng như áo khoác nhẹ nam nữ, áo phông, thể thao dệt kim… Giày dép, mũ, ô dù Việt Nam chiếm 20% thị phần tại Hàn Quốc, trong khi dung lượng thị trường này khoảng 3 tỷ USD/năm.
Với nhóm đồ gỗ, nhu cầu thị trường Hàn Quốc lên tới 4,1 tỷ USD mỗi năm, hàng Việt Nam chiếm 19% tổng nhu cầu.
Ông Kiên cũng đặc biệt nhấn mạnh tới nhóm hàng nông sản Việt Nam tại thị trường này. Hàn Quốc dành 10% tổng giá trị nhập khẩu đối với hàng nông thủy sản, tương đương 37 tỷ USD/năm. Trong các quốc gia xuất khẩu nông thủy sản hàng đầu vào Hàn Quốc, Việt Nam chiếm 4% trong xuất khẩu nhóm hàng này. Các mặt hàng thủy sản như tôm, mực, bạch tuộc, cá phi lê đông lạnh của Việt Nam cũng chỉ chiếm thị phần tương đối khiêm tốn, khoảng 20% tại Hàn Quốc.
Thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), đại diện Bộ Công thương nhấn mạnh rằng hàng Việt Nam có nhiều lợi thế tăng thị phần tại Hàn Quốc. Qua đó các sản phẩm Việt Nam có thể tự tin cạnh tranh với các sản phẩm của các đối thủ trong ASEAN, châu Âu, Ấn Độ…
Song để vào được thị trường này, sản phẩm cần đáp ứng các quy định kỹ thuật mà thị trường này đưa ra. Với sản phẩm dệt may, da giày cần đáp ứng tiêu chuẩn KC của Hàn Quốc (chứng nhận chất lượng sản phẩm dệt may, da giày), chứng nhận an toàn với sản phẩm nhập khẩu mới được bán tại đây.
Với nhóm hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn GAP, HACCP khi nhập khẩu. Với các sản phẩm trái cây, hoa quả nhập khẩu vào Hàn Quốc, doanh nghiệp cần hết sức lưu ý, phải tìm hiểu tuân thủ quy định hệ thống danh mục thuốc bảo vệ thực vật mới của Hàn Quốc (viết tắt PLS), áp dụng từ năm 2019. Hệ thống này quy định các chất bảo vệ thực vật được phép sử dụng và hàm lượng tồn dư tối đa trên rau quả, trái cây nhập khẩu.
“Đây là thị trường rất ổn định, ít có sự thay đổi về các quy chuẩn kỹ thuật, kiểm dịch về an toàn thực phẩm, chất lượng… Tuy nhiên, các quy chuẩn này được Hàn Quốc yêu cầu rất cao đòi hỏi sự nghiêm ngặt, minh bạch”, ông Kiên lưu ý.
Vài năm gần đây, tình trạng rau quả, trái cây Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc bị phát hiện vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm rất nhiều, như: sản phẩm có hàm lượng gây hại vượt quá mức cho phép, vi phạm tiêu chuẩn sử dụng chất bảo quản, sản phẩm có biến đổi gen chưa được cho phép, không đảm bảo quy định vệ sinh thực phẩm tại nơi chế biến… Do đó, doanh nghiệp Việt Nam phải tự thay đổi phương thức sản xuất hàng hóa từ đầu vào đến đầu ra, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, cũng như quy định nhập khẩu từ Hàn Quốc.
Ông Kiên cũng lưu ý hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại Hàn Quốc chiếm 60%, tại chợ truyền thống 20%, còn lại qua bán lẻ trực tuyến. Vì thế, để xuất khẩu bền vững nhất, có giá trị tốt nhất, doanh nghiệp cần tìm cách đưa hàng qua các hệ thống phân phối, siêu thị bán lẻ, cửa hàng tiện ích.
Bên cạnh các sản phẩm công nghiệp, các mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất vào thị trường Hàn Quốc còn khá khiêm tốn. Bà Vũ Việt Nga, Phó Trưởng phòng Đông Bắc Á và Nam Thái Bình Dương, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi nhận định: sau khi Hiệp định VKFTA có hiệu lực (tháng 12/2015), xuất khẩu của Việt Nam vào Hàn Quốc đã tăng trưởng nhanh.
Năm 2019, sản lượng xuất khẩu nông sản từ Việt Nam vào Hàn Quốc tăng 32% so với 2015. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như chuối, xoài, hoa quả sấy khô tăng hơn 300% so với 2015. Mặc dù vậy, theo bà Nga, tỷ lệ nông sản của Việt Nam có mặt tại Hàn Quốc vẫn chiếm thị phần thấp. Điển hình, thị phần chuối, xoài của Việt Nam tại Hàn Quốc năm 2019 chỉ chiếm lần lượt 1,3% và 4,1%.
QUẢ CỦA VIỆT NAM CẠNH TRANH YẾU
Theo Bộ Công Thương, Hàn Quốc hiện mới chấp nhận cho 5 loại trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này, gồm: chuối, dừa, dứa, xoài và thanh long ruột trắng. Nhu cầu với 5 loại quả trên của Hàn Quốc khá lớn, nhưng hầu hết các loại quả này của Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc còn quá nhỏ bé, chưa vượt quá 6%.
Phân tích từng loại quả trên, bà Nga cho rằng chuối là sản phẩm được người Hàn Quốc ưa chuộng nhiều nhất nhưng sản lượng chuối Việt Nam tăng trưởng thấp tại thị trường này. Năm 2019, tổng sản lượng nhập khẩu chuối của Hàn Quốc là hơn 370 nghìn tấn, trong đó thị phần của Việt Nam chỉ xấp xỉ 2%. Việt Nam có ưu thế thuế quan nhập khẩu thấp do được hưởng lợi từ VKFTA, nhưng chuối Việt Nam phải cạnh tranh khá vất vả với chuối Philippines. Chuối của Philippines chiếm 80% sản lượng nhập khẩu chuối của Hàn Quốc.
Đối với sản phẩm dừa, năm 2019 Hàn Quốc nhập khẩu 3.400 tấn dừa, dừa Việt Nam chiếm 2,6%. Đối thủ cạnh tranh của dừa Việt Nam tại Hàn Quốc là Philippines và Indonesia. Dừa Việt Nam bị lép vế do cơ sở sản xuất dừa tương đối lẻ tẻ ở từng hộ nông dân. Vấn đề chất lượng sản phẩm cũng không đa dạng như các đối thủ cạnh tranh. Sản phẩm dừa thiếu đa dạng, bao bì không hấp dẫn.
Nhu cầu dứa nhập khẩu vào Hàn Quốc khoảng 70 ngàn tấn mỗi năm, nhưng dứa Việt Nam chỉ chiếm 0,62%, trong khi dứa Philippines chiếm 93% thị phần. Không những đa dạng về cách chế biến mà chất lượng dứa của Philippines cũng được đánh giá hơn hẳn Việt Nam.
Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất được cấp phép xuất khẩu thanh long ruột trắng vào Hàn Quốc. Tuy nhiên, khẩu vị của người Hàn Quốc chưa quen với thanh long nên sức tiêu thụ sản phẩm này còn hạn chế.
Bên cạnh đó, đây là sản phẩm mới của thị trường này. Nhà nhập khẩu nhập về bán tại Hàn Quốc chủ yếu mục đích đa dạng hóa các mặt hàng hoa quả trên kệ. Điểm yếu của thanh long Việt Nam là chất lượng chưa tốt, sản phẩm chưa đa dạng, chưa có sản phẩm chế biến thanh long phù hợp với yêu cầu thị trường.
Để nâng cao thị phần tại Hàn Quốc, theo bà Nga, các sản phẩm trái cây tươi cần có chiến lược đúng đắn, phù hợp hơn với từng loại sản phẩm riêng biệt. Đơn cử, như với chuối tuy có lợi thế ngắn hạn về giá cả nhưng về lâu dài cần duy trì sản phẩm chất lượng cao, cần có hệ thống quản lý sản xuất quy mô lớn để nâng cao khả năng cạnh tranh về giá, chất lượng sản phẩm.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần duy trì sản lượng ổn định khi cung cấp hàng vào các siêu thị là vấn đề cấp thiết hiện nay. Ngoài ra, Chính phủ cần có chính sách thu hút các công ty toàn cầu đầu tư quy mô lớn, chuyên môn hóa, tổ chức nông trại để sản xuất sản lượng lớn.
Việc mở rộng thị trường tiêu thụ dừa trực tiếp còn khó khăn do thiếu hấp dẫn. Ngoài ra khó phân biệt được sản phẩm dừa của từng quốc gia. Vì thế, bà Nga cho rằng dừa Việt Nam cần có chiến lược giá rẻ, chất lượng phù hợp, đa dạng hình thức chế biến hơn, cải thiện sự tiện lợi trong sử dụng dừa tươi… khi đó mới tăng được thị phần vào Hàn Quốc.
Quả xoài Việt Nam có thể “nhắm” vào thị trường ngách với chiến lược giá rẻ ngắn hạn nhưng hạn chế trong khả năng mở rộng thị trường. Vì vậy, về dài hạn cần nỗ lực cải thiện độ an toàn của sản phẩm, bảo quản nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt cần đưa ra tiêu chuẩn VietGap, tổ chức hóa nông trại nhằm đồng đều hóa kích thước, chất lượng sản phẩm.