Là một trong những xã đi đầu thực hiện mô hình chăn nuôi gia súc tập trung của huyện Nam Sách (Hải Dương), xã Nam Hưng hiện có khoảng trên 600 con trâu, bò, ngựa, tập trung chủ yếu tại thôn Trần Xá. Với ưu điểm như dễ nuôi, sức đề kháng cao, khả năng thu hồi vốn nhanh, đầu ra ổn định, nghề nuôi ngựa bạch đang ngày càng được nhiều hộ nuôi trong xã lựa chọn và trở thành “điểm sáng” trong công tác phát triển kinh tế hộ gia đình tại địa phương.
Tiên phong, đi đầu trong phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi ngựa bạch phải kể đến gia đình anh Trần Văn Quân ở thôn Trần Xá. Từ năm 2017, qua tìm hiểu thị trường, anh Quân nhận thấy ngựa bạch là giống ngựa quý, thị trường tiêu thụ ổn định nên đã chọn đối tượng này để phát triển kinh tế gia đình. Trước tiên, anh Quân mày mò nghiên cứu các tài liệu kỹ thuật về chăn nuôi và phòng trị dịch bệnh trên đàn ngựa; những đặc tính của riêng ngựa bạch. Anh cũng tìm đến mô hình chăn nuôi ngựa bạch thành công ở Thái Nguyên để học hỏi kinh nghiệm. Khi đã có kiến thức về chăn nuôi ngựa bạch, anh tiến hành xây dựng chuồng trại. Bắt đầu từ 2 con ngựa giống, sau gần 4 năm chăn nuôi, cộng với việc nhập thêm giống, đàn ngựa bạch của gia đình anh có thời điểm đã phát triển lên tới 30 con.
Chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, anh Quân cho biết: Để nuôi ngựa đạt hiệu quả thì phải có sự chăm sóc tốt, khẩu phần ăn hằng ngày phải đủ số lượng thức ăn xanh và thức ăn tinh, biết cách tiêm phòng bệnh cho đàn ngựa. Ngoài ra, muốn ngựa nhanh lớn và cho năng suất thịt cao thì trước khi mua giống về cần tẩy giun sán, sau khoảng 4 – 5 tháng cần tẩy tiếp lần hai, đồng thời phải giữ vệ sinh chuồng trại luôn khô ráo, sạch sẽ. Bên cạnh đó, khâu chọn giống đóng một vai trò quan trọng; phải phân biệt được ngựa bạch với ngựa kim (ngựa trắng), nếu con ngựa có lông màu trắng nhưng da, môi và móng vẫn màu đen thì đó chỉ là ngựa kim, giá trị không cao. Một con ngựa bạch tốt và chuẩn phải có mắt thau đồng, môi trắng hồng, không có đốm đen, buổi tối soi trước bóng đèn thì thấy hai mắt ngựa đỏ rực như than lửa, bộ phận sinh dục, mũi, mõm có màu hồng đỏ, bốn chân có móng sừng, màu cước ánh bạc. Lợi thế lớn nhất khi nuôi ngựa bạch là tận dụng được thức ăn có sẵn tại địa phương nên không tốn nhiều chi phí để mua thức ăn. Để chủ động nguồn thức ăn thô xanh, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho đàn ngựa, gia đình anh Quân còn trồng thêm cỏ voi và chuối. anh cũng bổ sung dinh dưỡng cho đàn ngựa bằng thức ăn tinh như hạt ngô, cám gạo.
Hiện nay, thị trường tiêu thụ ngựa thịt khá “rộng cửa” khi có nhiều thương lái trên Thái Nguyên đến tận gia đình để tìm mua. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật và chủ động phòng bệnh nên đàn ngựa bạch của gia đình anh Quân phát triển khá nhanh.
Khi được hỏi về thu nhập, anh Quân cho biết: “Ngoài dùng xương để nấu cao, thịt ngựa bạch còn là thực phẩm có giá trị dược liệu trong phòng trị một số bệnh và có tác dụng bồi bổ sức khỏe nên giá bán thịt ngựa bạch cao, trung bình từ 300.000 – 350.000 đồng/kg. Cứ mỗi một năm rưỡi, một chú ngựa bạch cái lại cho ra đời một ngựa bạch con có giá trị rất cao. Giá ngựa bạch giống từ 4 – 5 tháng tuổi dao động trong khoảng khoảng 25 – 27 triệu đồng/con đực, từ 30 – 35 triệu đồng/con cái, ngựa thương phẩm từ 65 – 70 triệu đồng/con, so với giống ngựa bình thường thì ngựa bạch thương phẩm thường bán được giá cao gấp đôi. Trong một năm gia đình thường duy trì xuất chuồng từ 10 – 12 con ngựa bạch, sau khi trừ tiền giống, thuốc vắc-xin tiêm phòng và thức ăn (chủ yếu tiền mua cám gạo và bột ngô), thì còn lãi từ 250 – 270 triệu đồng mỗi năm”.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Quân còn giúp đỡ bà con xung quanh khu vực về kiến thức, kinh nghiệm nuôi ngựa cũng như sẵn sàng ứng trước con giống nếu hộ dân nào có nhu cầu phát triển đàn ngựa bạch. Thành công của gia đình anh Quân đang truyền cảm hứng cho các hộ dân xung quanh thực hiện mô hình nuôi ngựa bạch theo hướng gia trại, mở ra hướng đi đầy tiềm năng cho người dân trên địa bàn xã Nam Trung, huyện Nam Sách.
Theo Trung tâm Khuyến nông Hải Dương