Vài năm qua, tình trạng thương lái nước ngoài đến Bình Thuận thu mua trái thanh long đã khá phổ biến. Từ đây, giá loại trái cây xuất khẩu chủ lực này của địa phương trồi sụt bất thường, khiến người trồng khó khăn.
Là một trong những người Trung Quốc đầu tiên có mặt ở tỉnh Bình Thuận để tham gia xuất khẩu trái thanh long dưới hình thức núp bóng các cơ sở, doanh nghiệp địa phương, A.Đ được biết đến như người cầm trịch giá thu mua cũng như tổ chức vận chuyển xuất khẩu tiểu ngạch loại nông sản này cho nhiều cơ sở ở huyện Hàm Thuận Nam.
Vựa thanh long bị thâu tóm
Hơn 10 năm, Đ. xuất hiện với tư cách “con nuôi” của một chủ cơ sở thu mua thanh long ở xã Hàm Kiệm (huyện Hàm Thuận Nam), nhiều cơ sở, doanh nghiệp (DN) thu mua trái thanh long phải có mối quan hệ làm ăn với Đ. để thuận lợi trong giao dịch. Anh Thành, chủ một cơ sở thu mua thanh long xuất khẩu ở huyện Hàm Thuận Nam, cho biết trước đây anh vẫn đóng hàng xuất khẩu theo phương thức mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc qua các cặp cửa khẩu. Tuy nhiên, vài năm qua, hoạt động xuất khẩu rất khó khăn và phải liên hệ với thương lái Trung Quốc đang ở địa phương thì mới xuất hàng nhanh được.
Thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2017 – 2018, tỉnh Bình Thuận có khoảng 100 thương lái người Trung Quốc, trong đó có nhiều người Đài Loan, tham gia mua bán thanh long tại hơn 140 cơ sở, DN. Con số này đến nay có giảm nhưng theo Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, vẫn còn khoảng hơn 60 người. Những người này trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của các cơ sở, DN thu mua. Không chỉ tham gia điều hành, nhiều thương lái nước ngoài còn chèn ép, thâu tóm các cơ sở, DN địa phương, dưới danh nghĩa thuê nhà xưởng, các chủ cơ sở địa phương đứng tên pháp nhân.
Ông Võ Huy Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, cho rằng tình trạng thương lái nước ngoài núp bóng DN địa phương để thu mua, chế biến và xuất khẩu trực tiếp qua Trung Quốc đã tác động lớn về giá cả thanh long. Cũng như hàng hóa khác, giá cả thanh long phải lên xuống theo cung cầu của thị trường. Tuy nhiên, việc thương lái nước ngoài trực tiếp thu mua nông sản sẽ khiến nông dân dễ rơi vào cảnh bị ép giá. “Các thương lái người nước ngoài liên kết với nhau tạo sức ép về giá thu mua thanh long” – ông Võ Huy Hoàng nhận định.
Việc phụ thuộc thị trường Trung Quốc càng rõ rệt khi nhiều cơ sở, DN thu mua thanh long của địa phương trở thành sân sau của thương lái nước ngoài. Khi đó, giá cả loại trái cây này thay vì theo thị trường thì lại chịu tác động từ một nhóm thương lái liên kết với nhau.