Giờ mờ cửa từ 7:00 đến 22:00 hàng ngày
My Cart
0
Blog

Tỏi Khánh Hòa ‘nghẽn’ đầu ra

Tỏi được mùa, nhưng vừa mất giá, khó tìm được đầu ra đang là nỗi trăn trở của hàng trăm hộ dân trồng tỏi trên địa bàn huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Hiện, hàng nghìn tấn tỏi tươi đã được thu hoạch nhưng gần như không có đơn vị thu mua.

Anh Ngô Văn Quang, ở thôn Ninh Tịnh, xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa cho biết, gia đình anh quê ở Lý Sơn, Quảng Ngãi đã chuyển vào Ninh Phước sinh sống và gắn bó với cây tỏi gần 20 năm. Nghề trồng tỏi đã cho gia đình anh thu nhập ổn định hàng chục năm nay.

“Nhà tôi trồng trên 1 ha, hàng năm giá bán ổn định, trừ chi phí mỗi vụ cũng thu được 200 triệu đồng. Năm nay tỏi đều, đẹp, năng suất cũng đạt từ 10 – 11 tấn tỏi tươi/ha, giá bán được khoảng 18.000 đồng/kg nhưng không có người mua, đây là năm đầu tiên tỏi đã rớt giá lại còn ế như vậy.

Hiện nhà tôi đang tồn 5 tấn, không bán được tỏi nên cũng đang còn nợ nhiều tiền công thuê thu hoạch. Bây giờ cứ phơi, đảo cho được 25 nắng, cất vào bao để bảo quản mấy tháng nữa, nhưng ngặt nỗi không có tiền xoay sở cho vụ mới”, anh Quang thở dài ngao ngán.

Cùng cảnh với anh Quang, vợ chồng chị Nguyễn Thị An và anh Bùi Lễ cũng đang phải gồng mình thu hoạch tỏi, vì giá bán thấp hơn năm ngoái gần 1/3. Gia đình anh thu hoạch muộn vì để cho tỏi già, chất lượng tốt hơn, nhưng vào cuối vụ giá thu mua vừa rẻ vừa không có tiểu thương nào đến hỏi mua.

Anh Lễ cho biết, năm nay 8 sào tỏi của gia đình anh đang có nguy cơ không bán được. Giá hiện nay là 18.000 đồng/kg không thấy ai mua, nếu bán “chạy” thì chỉ 15.000 – 16.000 đồng/kg, nhưng bán chủ yếu để trả đủ tiền công, chi phí.

Theo ông Nguyễn Trọng Hiếu, Chủ tịch Hội nông dân xã Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa), cây tỏi là cây trồng mang lại giá trị kinh tế ổn định cho người dân ở địa phương. Hiện xã còn khoảng diện tích 85 ha trồng tỏi, giảm so với trước 20 ha.

Ông Hiếu chia sẻ nguyên nhân tỏi bị chậm tiêu thụ là do tình hình dịch COVID-19, các nhà hàng ế ẩm, dẫn đến tỏi tiêu thụ chậm. Mặt khác thương lái ép giá nên một số người dân sau khi đã bán để trang trải được chi phí cũng có hướng bảo quản để chờ tăng giá. Nhưng phải chế biến đúng quy trình thì mới để được từ 6 – 8 tháng, còn không tỏi sẽ bị óp, thối, lên mầm.

Theo Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, niên vụ 2020-2021 thị xã có 239 ha diện tích trồng tỏi. Đến nay, đã thu hoạch khoảng 200 ha, năng suất bình quân đạt 11 tấn tươi/ha, sản lượng 2.200 tấn tươi/ha. Giá thu mua hiện nay khoảng 18.000 – 20.000 đồng/kg tươi giảm so với niên vụ trước khoảng 10 – 12 giá.

Đây cũng là thực trạng chung của người dân trồng tỏi huyện Vạn Ninh. Ông Lê Hồng Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, trên địa bàn huyện có trên 200 ha diện tích trồng tỏi ở các xã Vạn Hưng, Vạn Thạnh…; trong đó, xã Vạn Hưng đã được chứng nhận tỏi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng đầu ra cũng không có gì khác hơn những địa phương còn lại.

“Vừa rồi Hội nông dân huyện cũng đã đề xuất với Hội nông dân tỉnh để có kế hoạch hỗ trợ bà con tiêu thụ tỏi, nhưng phải nói là năm nay khó khăn, giải cứu nhiều loại nông sản quá. Nào là tôm, dưa hấu, cá bớp, giờ lại thêm tỏi nữa nên chúng tôi cũng phải cân nhắc thời điểm nào giải cứu cho phù hợp, nhưng có lẽ cần phải có phương án bền vững hơn, chứ không thể cứ giải cứu mãi được”, ông Phương thông tin.

Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa có khoảng 450 ha diện tích trồng tỏi, sản lượng đạt hàng nghìn tấn tỏi tươi. Thị trường chủ yếu là nội địa, bán ở trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Đầu ra của tỏi phụ thuộc vào ngành hàng thực phẩm, gia vị chế biến món ăn. Do vậy, khi dịch bệnh, các ngành dịch vụ, du lịch bị ảnh hưởng, kéo theo nhiều các ngành nghề, sản phẩm khác cũng giẫm chân tại chỗ, trong đó có cây tỏi và nhiều nông sản khác.

Ông Lê Hồng Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh đề xuất, nên chăng các đơn vị nghiên cứu khoa học sẽ đưa ra được những phương pháp chế biến các sản phẩm từ tỏi để bảo quản được lâu hơn, có giá trị kinh tế bền vững để người nông dân bớt khó khăn, có động lực để lao động, sản xuất.

Nói về việc xây dựng thương hiệu cho cây tỏi của Khánh Hòa, Phòng chế biến thương mại, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm-thủy sản Khánh Hòa cho biết, giai đoạn 2017-2018, Chi cục đã triển khai thực hiện mô hình chuỗi cung cấp tỏi an toàn theo VietGAP cho các hợp tác xã, tổ hợp tác tại xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh), các xã Ninh Vân, Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa).

Các sản phẩm được chứng nhận, hỗ trợ bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc điện tử mã QRcode. Sau đó, chi cục cũng đã tổ chức hội nghị quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm, giới thiệu các doanh nghiệp liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác để tiêu thụ sản phẩm cho người dân, song vẫn chưa được như mong muốn. Bởi, liên kết trong tiêu thụ giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác, người dân với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh còn hạn chế.

Hiện tại, chi cục đang tham mưu xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình chuỗi liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ nông phẩm thủy sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025; trong đó, có tỏi. Theo đó sẽ vận động các doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân; đồng thời, hỗ trợ cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp tham gia.

Ông Chu Đức Hùng, Trưởng phòng chế biến thương mại, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm-thủy sản Khánh Hòa hy vọng trong thời gian tới, khi đề án nhân rộng, phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ được phê duyệt, sẽ có các doanh nghiệp liên kết tham gia vào để bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.

Theo Báo tin tức/TTXVN