Giờ mờ cửa từ 7:00 đến 22:00 hàng ngày
My Cart
0
Blog

Trăn trở hạt đường Việt Nam

Hội nhập đã đem lại sự lựa chọn nhiều hơn cho người tiêu dùng Việt Nam đối với mặt hàng đường nhưng cũng là thách thức với doanh nghiệp đường trong nước.

Đặc biệt, kể từ khi Việt Nam hội nhập với các nền kinh tế khu vực và thế giới như WTO, ATIGA , CPTPP và gần đây nhất là EV FTA và RCEP… Tuy nhiên, điều cần quan tâm đó là mặt hàng đường của các nước thâm nhập vào thị trường nội địa có chất lượng cao hơn và giá thành rẻ hơn.

Từ 1/1/2020, khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực chính thức với mặt hàng đường thì thuế xuất nhập khẩu đường vào Việt Nam giảm bình quân từ 85% xuống 5%. Chính vì vậy trong niên vụ đường 2019-2020, số lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng gấp 3 lần so với niên vụ 2018-2019.

Ngành mía đường chịu nhiều áp lực

Tróng 6 tháng đầu năm 2020, đường xuất khẩu của Thái Lan vào Việt Nam chiếm 16% lượng xuất khẩu của đất nước này. Mặt khác, hàng năm còn có mặt hàng đường lỏng có nguồn gốc từ Hàn Quốc, Trung Quốc cũng xâm nhập vào thị trường Việt Nam với thuế suất 0% và không hạn ngạch, nên tạo thêm một sức ép khác cho thị trường nội địa của Việt Nam (giá bán đường lỏng thường thấp hơn 10-15% và độ ngọt cao hơn 1,2-1,5 lần so với đường mía).

Về mặt giá thành, đường sản xuất ở Thái Lan chỉ 8.400đ/kg. Chính phủ Thái Lan còn trợ giá cho một số mặt hàng đường từ 630.000đ – 650.000đ/tấn. Với nhiều lợi thế đó, Thái Lan có thể xuất khẩu ra các nước trong đó có Việt Nam chỉ 8.100đ/kg đường tinh luyện RE.

Nêu ra những lý do trên để thấy đường Việt Nam gặp vô vàn những khó khăn khi Việt Nam hội nhập với khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, quá trình trồng mía thu mua nguyên liệu và sản xuất đường tại Việt Nam còn nhiều tồn tại cần phải khắc phục để có thể hạ giá thành sản xuất, nâng cao cạnh tranh với đường nhập ngoại.

Trước hết nói về sản xuất mía với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, vùng sản xuất đa phần không gắn chặt chẽ với nhà máy trồng mía với năng suất thấp, đường vận chuyển nguyên liệu mía đến nhà máy còn nhiều trắc trở, chi phí cao… đã dẫn tới chi phí đầu vào của các nhà máy ngày càng cao lên. Tất cả những vấn đề trên cho thấy những yếu kém là do chủ quan tạo nên.

Đó là câu chuyện của cây mía và công nghệ sản xuất đường, còn hệ thống phân phối tiêu thụ thì sao? Rất nhiều năm nay, việc đưa mặt hàng đường ra thị trường bán lẻ và cung cấp cho sản xuất bánh kẹo đã được đề cập tới.

Đường xuất tại nhà máy chỉ bình quân từ 11.000đ – 13.000đ/kg đường RE, tồn kho có lúc lên đến 500.000 đến 600.000 tấn, thậm chí bị chảy nước hay hao hụt do bán chậm.

Nhưng ngược lại, tại các chợ và các siêu thị bình quân giá bán lẻ cho tiêu dùng thường từ 21.000đ – 23.000đ/kg, đôi khi lên đến 25.000đ – 27.000đ/kg. Theo tính toán đường từ Thanh Hóa ra Hà Nội cộng các chi phí, nếu cắt bớt khâu trung gian thương lái bán buôn cấp 1, cấp 2 thì giá bán chỉ từ 17.000đ – 18.000đ/kg là có lãi.

Điều này đã tồn tại hàng chục năm nay vẫn chưa giải quyết được. Chính vì giá cao nên lượng đường tiêu thụ bị hạn chế, trong khi tồn kho lại lớn, đây là một nghịch lý mà lâu nay chúng ta chưa gỡ bỏ ở thị trường đường Việt Nam.

Cũng cần nói thêm, ngoài khâu trung gian tăng chi phí, thì 1kg đường vào siêu thị phải chiết khấu đến 20%. Bởi vì những mặt hàng tiêu dùng khác tương tự khi đưa vào đại lý ký gửi tại các siêu thị có thế mạnh về doanh số đều phải chấp nhận điều kiện của họ.

Rõ ràng, khâu trung gian và khâu bán lẻ đã hưởng quá nhiều lợi nhuận so với người trồng mía và nhà máy sản xuất ra những hạt đường Việt Nam. Điều này đã kéo dài nhiều năm và không phải là hiện tượng cá biệt.

Trong thực tế, mỗi siêu thị cũng có quyền riêng để đặt ra mức chiết khấu khi giao dịch, nhưng theo chuyên gia Nguyễn Đình Cung – Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương đã nói về tình trạng này: “Rất cần sự trọng tài của Bộ Công Thương để đảm bảo công bằng trong giao dịch thương mại trên thị trường hiện nay”.

Về vai trò của hệ thống phân phối nội địa, cả nước hiện nay có 9.000 chợ, 1085 siêu thị và 200 trung tâm thương mại. Nhưng ở kênh bán hàng truyền thống là ở các chợ, mặt hàng đường bán số lượng rất ít. Điều này có nguyên nhân của nó, vì bán lẻ Việt Nam đã có lúc bỏ quên chợ truyền thống, trong khi chính kênh này lại tiêu thụ từ 80% – 85% các mặt hàng thiết yếu tiêu dùng xã hội, nhất là cho đối tượng thu nhập thấp.

Chúng ta chăm chút cho kênh bán hàng hiện đại phát triển, nhưng đồng thời cũng phải chú trọng hơn nữa đến kênh truyền thống để góp phần đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng đường do các nhà máy Việt Nam sản xuất. Góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của MTTQ Việt Nam phát động nhiều năm nay.

Trong kinh doanh mía đường, hạ tầng thương mại cũng cần được đề cập đến. Vì hệ thống các chợ đầu mối và các sàn giao dịch nông sản thực phẩm chưa được hình thành một cách cơ bản ở thị trường Việt Nam, cho nên mặt hàng đường cũng có thể đang bị ép cấp, ép giá, mua bán phải thông qua thương lái và qua nhiều khâu trung gian, không phản ánh đúng giá trị của sức lao động bỏ ra của người nông dân và chi phí sản xuất đường của nhà máy.

Nếu khắc phục được những vấn đề ở trên, hạt đường Việt Nam sẽ được cạnh tranh một cách bình đẳng với đường nhập khẩu của các nước.

Cần phải làm gì?

Trước hết, phải làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu mía, đi đôi với việc xây dựng các cụm công nghiệp sản xuất mía liền kề, tạo sự gắn kết giữa vùng nguyên liệu và nhà máy một cách chặt chẽ có kế hoạch, lợi nhuận được phân phối một cách hợp lý giữa người trồng mía và nhà máy chế biến đường, không ép nhau và không phá vỡ hợp đồng từ hai phía như trước đây.

Kinh nghiệm của Thái Lan có luật mía đường khi 1kg đường bán ra thì lợi nhuận của người trồng mía sẽ được phân chia 60-70%, còn lại 30-40% là dành cho hệ thống phân phối.

Chúng ta cần phải nghiên cứu để học tập, và áp dụng vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam, điều đó chỉ có lợi cho sản xuất kinh doanh đường phát triển một cách lành mạnh, hài hòa các lợi ích trong chuỗi giá trị mía đường từ sản xuất đến bán lẻ.

Nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai, nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, đầu tư đổi mới công nghệ của các vùng mía và các nhà máy chế biến đường để tạo ra những vùng sản xuất lớn và những tổ hợp sản xuất đường ngày càng hiện đại.

Kiểm soát chống buôn lậu gian lận thương mại, trốn thuế, bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính, có chính sách khuyến khích thỏa đáng các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực mía đường để phát triển một cách bền vững.

Tạo lập các chuỗi sản xuất phân phối mặt hàng đường một cách hiệu quả, công khai, minh bạch trong phân phối lợi nhuận của chuỗi sản xuất phân phối này. Làm được những vấn đề trên chúng ta có thể tin tưởng từ 5-10 năm tới mặt hàng đường của Việt Nam có đủ sức cạnh tranh ngay ở sân nhà và từng bước vươn ra xuất khẩu một cách vững chắc.

Kinh nghiệm của một số nhà máy đã thành công trong việc đổi mới ngành đường như Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi, Công ty Đường Sơn La, Công ty Đường Thành Công đã vươn lên từng bước góp phần làm chủ thị trường đường ở nội địa và vươn ra xuất khẩu.

Giữ vững hệ thống phân phối và mặt hàng Việt trên thị trường Việt Nam, trong đó có mặt hàng đường, đó là mệnh lệnh của quốc gia trong thời kỳ Việt Nam hội nhập khu vực và quốc tế.

Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn và nhiều thử thách, nhưng chắc chắn phải vượt qua để góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp của Việt Nam.