Chỉ trong vài tháng qua, thị trường ớt trong nước biến động chóng mặt. Giá ớt từ chỗ tăng vọt vào cuối năm 2020 đến sau Tết Nguyên đán đã quay đầu lao dốc mạnh.
Từ cuối năm 2020, thông tin về giá ớt được nhắc đến ở khắp nơi. Giá ớt đột ngột tăng từ khoảng tháng 10/2020, lên 40.000-45.000 đồng/kg ớt cay loại 1, so với khoảng 25.000 – 30.000 đồng cách đó 2 tháng.
Xu hướng giá tăng không dừng lại ở đó, đến trước Tết Nguyên đán, giá ớt tại đa số các địa phương tăng dựng đứng, đạt mức cao nhất từ trước tới nay.
Theo đó, ở nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giá ớt tăng gấp ba lần cùng kỳ năm ngoái. Tại Cần Thơ, Tiền Giang, Hậu Giang…, giá ớt bán tại ruộng cho thương lái dao động từ 80.000-110.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại nhiều tỉnh miền Trung như Ninh Thuận, Quảng Nam, Quảng Ngãi, giá ớt cũng liên tục lập đỉnh. Giá ớt ở Gia Lai có nơi lên tới 120.000 đồng/kg. Giá ớt tăng cao như vậy nhưng cung không đủ cầu, nông dân thu hoạch đến đâu thương lái đến tận ruộng mua tới đó.
Tại các chợ lẻ, giá ớt cũng tăng chóng mặt. Giá ớt chỉ thiên, ớt hiểm tại một số chợ lẻ ở khu vực TP. Hồ Chí Minh dao động trong khoảng 150.000 – 200.000 đồng/kg; ớt sừng 120.000 – 130.000 đồng/kg; thậm chí ớt xiêm không có hàng về chợ.
Giá tăng mạnh dịp tháng 12/2020 – tháng 1/2021 có nhiều nguyên nhân, trong đó đáng kể là: (1) giá ớt thấp vào đầu năm 2020 khiến nông dân giảm diện tích trồng ớt sau đó, khiến nguồn cung giảm, (2) lũ lụt ở miền Trung làm hư hại nhiều diện tích ớt, và (3) một số thị trường như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc đẩy mạnh thu mua ớt.
Thị trường Trung Quốc đã bất ngờ nhập khẩu nhiều ớt chỉ thiên của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay để đáp ứng nhu cầu trong nước vì Trung Quốc không trồng được ớt vụ Đông, trong khi dịch Covid-19 khiến một số nguồn cung ứng ớt cho Trung Quốc bị đứt quãng. Kim ngạch xuất khẩu ớt của Việt Nam sang Trung Quốc do đó đạt tới 6,8 triệu USD trong tháng 1/2021, tăng 21,2% so với tháng 12/2020 và tăng 67,2% so với tháng 1/2020.
Giá quay đầu lao dốc mạnh
Sau giai đoạn tăng cao kỷ lục, bà con ở nhiều nơi nhanh chóng tăng diện tích trồng ớt vụ Xuân, đúng lúc xuất khẩu ớt sang Trung Quốc chậm lại khiến giá giảm mạnh.
Xu hướng giảm bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán, và vẫn đang tiếp tục giảm cho tới thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, qua Tết, giá ớt hạ nhiệt. Cuối tháng 3/2021, giá ớt chỉ thiên ở khu vực TP.Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long dao động trong khoảng 10.000 – 16.000 đồng/kg. Tại Quỳnh Lưu, giá ớt cay hiện khoảng 20.000 đồng/kg.
Ở các địa phương lớn, ớt thu hoạch thường do thương lái thu mua để xuất khẩu, chủ yếu xuất sang Trung Quốc, Hàn Quốc…. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát nên đầu năm nay nhiều đơn hàng bị tạm dừng.
Ở nhiều địa phương trên cả nước, ớt sản xuất chủ yếu dành cho xuất khẩu, đầu ra chủ yếu của ớt thực tế chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Có những địa phương tới khoảng 80% sản lượng ớt phụ thuộc các tư thương thu mua tự do.
Giá ớt không có quy luật
Thực tế, giá ớt trong khoảng 3 năm qua cho thấy rất rõ sự thất thường do chịu tác động mạnh từ yếu tố thời tiết và nhu cầu của các nước nhập khẩu lớn. Việc ớt là cây trồng ngắn ngày, nhanh cho thu hoạch cũng góp phần khiến cho biến động giá càng mạnh.
Trên thị trường thế giới, giá ớt thế giới đầu năm 2019 tăng cao vì nhu cầu mạnh từ các nước nhập khẩu lớn là Thái lan, Trung Quốc, Pakistan và Bangladesh. Ngay tại các nước sản xuất chủ chốt, nhu cầu tiêu thụ cũng tăng lên (Ví dụ: Tiêu thụ các sản phẩm gia vị hoặc món ăn có vị cay phổ biến ở Myanmar…). Trong năm qua, khách hàng Thái Lan tiếp tục mua mạnh ớt tươi, trong khi khách hàng Trung Quốc nhập khẩu các loại ớt khô.
Bước sang năm 2020, nhu cầu ớt trên thị trường thế giới cũng tăng mạnh vào những tháng đầu năm, tiếp diễn sang đến giữa năm do Covid-19 khiến nhiều nước gia tăng nhập khẩu. Chẳng hạn như khách hàng Malaysia đã Malaysia tăng cường nhập khẩu ớt Trung Quốc để phòng ngừa việc nhập khẩu sẽ gặp khó khăn.
Tuy nhiên, xu hướng này chỉ diễn ra trong ngắn hạn.
Dịch Covid-19 bùng phát, các nhà hàng, khách sạn… phải đóng cửa. Dịch ban đầu bùng phát mạnh ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc (ngay từ dầu năm 2020). Giá ớt tại đây nhanh chóng giảm từ 0,77 – 0,86 USD/kg xuống chỉ 0,3 – 0,34 USD/kg. Mức giá này càng thấp xa so với khoảng 1,08 – 1,29 USD của các năm trước.
Với vị thế là nước nhập khẩu ớt lớn, việc Trung Quốc tiêu thụ chậm lại ảnh hưởng không nhỏ đến ngành ớt của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, một số thị trường cũng thắt chặt việc nhập khẩu ớt, ra những quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn chất lượng, độ an toàn…. tác động không nhỏ đến giá ớt ở các nước xuất khẩu.
Phản ánh xu hướng đó, giá ớt tại Việt Nam cũng biến động mạnh. Nếu như năm 2019, giá ớt đầu vụ 50.000- 100.000 đồng/kg, cuối vụ khoảng 30- 50.000 đồng/kg, thì năm 2020, ngay từ đầu vụ, giá ớt loại 1 (ớt xuất khẩu) mới được 18.000 đồng đến 25.000 đồng/kg; loại 2 (tiêu thụ nội địa) từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/kg. Có thời điểm giá giảm xuống chỉ còn 8.000 đồng/kg.
Xuất khẩu ớt gặp khó
Xuất khẩu ớt của các nước như Malaysia, Thái Lan, Việt Nam… vào thị trường Trung Quốc ngày càng gặp khó.
Ngày 01/4/2021, Bộ Công Thương Việt Nam nhận được hình ảnh “văn bản” của Hải quan Thâm Quyến thông báo về việc cấm nhập khẩu ớt của Việt Nam từ ngày 01 tháng 4 năm 2021 theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Ngay sau đó, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã khẩn trương làm việc, xác minh thông tin với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu). Theo đó, Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu khẳng định hình ảnh “văn bản” trên là giả mạo, không phải do phía Hải quan Trung Quốc ban hành. Ngoài ra, nội dung trong hình ảnh “văn bản” trên có nhiều lỗi về thể thức và ngôn ngữ, nhận định sơ bộ có dấu hiệu chỉnh sửa hình ảnh.
Mặc dù vậy, hoạt động xuất khẩu ớt đi thị trường Trung Quốc từ tháng 5/2020 cũng đang gặp vướng mắc về kiểm nghiệm, kiểm dịch.
Một số nguồn tin cho biết, nhiều container ớt tươi hạ cảng Cát Lái từ cuối tháng 3 đã buộc phải rút trở về kho do phía Hải quan Trung Quốc đã yêu cầu tạm dừng cấp chứng thư kiểm dịch cho sản phẩm ớt của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc từ ngày 1/4/2021.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chủ trì làm việc với phía Trung Quốc để thống nhất phương án tháo gỡ các vướng mắc nêu trên nhằm đưa hoạt động xuất khẩu sản phẩm ớt Việt Nam đi thị trường Trung Quốc trở lại bình thường.
Dự báo giá ớt sẽ tiếp tục giảm
Với tình hình xuất khẩu ớt sang Trung Quốc đang gặp khó khăn, trong khi ớt sản xuất vụ mới đến lúc thu hoạch rộ, dự báo giá ớt sắp tới sẽ giảm.
Từ tháng 2 là lúc bắt đầu mùa vụ thu hoạch ớt chính tại nhiều khu vực, do đó nguồn cung tăng dần lên.
Những năm trở lại đây, ớt được mùa và nhiều thời điểm giá tăng cao nên dù giá có lúc xuống thấp, nông dân ở nhiều địa phương vẫn mở rộng diện tích trồng ớt. Chẳng hạn như ở Gia Lai, diện tích trồng ớt ở Gia Lai liên tục tăng trong mấy năm gần đây do nông dân nhận thấy trồng ớt lãi hơn so với đầu tư trồng sắn, mía.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị