Xuất khẩu gạo đang chậm, rất ít doanh nghiệp ký được hợp đồng mới sau một thời gian sôi động.
Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến hết tháng 6, cả nước gieo cấy được 4,7 triệu ha lúa, sản lượng ước đạt 22,4 triệu tấn. Lượng gạo xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 3,5 triệu tấn (tăng 4,4%), kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2019.
Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, xuất khẩu gạo chỉ sôi động trong giai đoạn tháng 5, nửa đầu tháng 6, sau khi Chính phủ “mở cửa”.
Tuy nhiên, hiện tình hình xuất khẩu khá xấu, khi ít doanh nghiệp ký mới được hợp đồng, chỉ giao hàng theo hợp đồng cũ. Đặc biệt, Philippines vừa hủy thầu 300.000 tấn gạo, trong đó có nguồn gạo cung cấp từ Việt Nam.
“Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên phía bạn mua trước. Tuy nhiên, khi tình hình đã được kiểm soát, họ dừng mua lúc này để tiêu thụ hết lượng gạo đã trữ trước đó, vì nếu để lâu gạo sẽ hỏng”, vị lãnh đạo VFA nhận định.
Đầu ra hạn chế, khiến giá lúa giảm khá mạnh, từ khoảng 5.500 đồng/kg, nay còn dưới 5.000 đồng/kg. Lúa hè thu đầu vụ còn bán được, chứ cuối vụ giá rất ảm đạm, do đầu ra không có.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo VFA, hiện các nước vẫn còn dịch COVID-19 nên xuất khẩu hạn chế, có thể đến tháng 9-10 có thể khởi sắc trở lại.
“Đặc biệt như Philippines, mỗi năm nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn, hiện họ mới nhập 1,3 triệu tấn. Như vậy, khoảng 1,7 triệu tấn còn lại có thể tháng 9-10 họ mới nhập vào”, lãnh đạo VFA nhận định.
Theo vị này, năm nay lúa gạo được cả mùa lẫn giá. Vì thế, vụ Thu Đông tới diện tích có thể tăng lên, như kế hoạch của Bộ NN&PTNT là trồng tới 800 nghìn ha. Năm nay, Việt Nam có xuất 7 triệu tấn gạo vẫn còn dư.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, vụ Hè Thu năm 2020 có tổng diện tích khoảng 1,7 triệu ha, hiện tại đã thu hoạch khoảng trên 400.000ha. Hơn 2 tuần nữa sẽ bước vào kỳ thu hoạch rộ vụ hè thu, tuy nhiên khu vực phía Nam hiện nay mưa rất nhiều.
Theo ông Nam, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã trao đổi với Hiệp hội Lương thực và các doanh nghiệp phía Nam về tình hình tiêu thụ lúa gạo. “Các doanh nghiệp gần như không có hợp đồng xuất khẩu lúa gạo mới với đối tác nước ngoài. Một số nước cũng đã hủy đấu giá các lô hàng mới nên khả năng vấn đề tiêu thụ lúa gạo sẽ khó khăn. Nếu không đưa ra được giải pháp hiệu quả, có thể sẽ dẫn đến tình trạng ùn ứ và rớt giá”, ông Nam nói.
Trong khi đó, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cũng nhận diện từ nay đến cuối năm, toàn ngành sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức, nhất là dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, khó lường, tiêu cực hỗn loạn.
Nhất là các quốc gia lớn như Trung Quốc đã tiếp tục siết chặt kiểm soát dịch bệnh trở lại, Ấn Độ đang ảnh hưởng nặng nề… Từ nay đến cuối năm, sẽ là khoảng thời gian của mùa thiên tai, mưa bão. Nhiều dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi.
Bộ trưởng Cường đề nghị đối với vụ Hè Thu tại các tỉnh Trung Bộ cần kiểm tra rà soát, kịp thời chuyển đổi từ lúa sang cây trồng khác nếu việc gieo cấy gặp khó khăn, đồng thời kiểm tra năng lực cung cấp nước của các hệ thống thủy lợi để sử dụng phù hợp theo các thứ tự ưu tiên.
Còn với vụ Thu Đông tại Đồng bằng sông Cửu Long, ông Cường lưu ý, chủ trương sẽ đẩy mạnh sản xuất, có thể đẩy lên mức 800 nghìn ha, tuy nhiên phải chủ động, ăn chắc và an toàn tuyệt đối nguy cơ lũ, cầm trịch được giá và thị trường tiêu thụ.