Giờ mờ cửa từ 7:00 đến 22:00 hàng ngày
My Cart
0
Blog

Xuất khẩu thủy sản đã thực sự kết thúc được chuỗi sụt giảm?

Xuất khẩu thủy sản quý I đã tăng 6,6% so với cùng kỳ 2020, tuy nhiên, tình trạng bấp bênh vẫn còn do phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là tình hình Covid-19 và logistic.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 3/2021 đạt 735,522 triệu USD, cộng dồn 3 tháng đạt 1,736 triệu USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ 2020.

Bất chấp Covid-19, Mỹ luôn là thị trường lớn của thủy sản Việt Nam

Kể từ đầu năm đến nay, xét trên thị trường đơn lẻ thì Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, kế đến là thị trường Nhật Bản, EU và Trung Quốc. Đây là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam chiếm 57,60% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước.

XUẤT KHẨU THỦY SẢN VIỆT NAM TỪ 1/1 ĐẾN 15/3/2021

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, từ ngày 1/1 – 15/3/2021, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt trên 255,012 triệu USD, chiếm 19,25% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2020; Nhật bản đạt trên 230,620 triệu USD, chiếm 17,41%, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2020; EU đạt 145,023 triệu USD, chiếm 10,95%, giảm 3,5%; Trung Quốc đạt 132,241 triệu USD, chiếm gần 10%, tăng 12,5%

Trong các tháng đầu năm, hoạt động xuất khẩu thủy sản bị ảnh hưởng đáng kể bởi các chi phí sản xuất tăng và tình trạng thiếu tàu, thiếu container, cước phí vận tải lên cao vọt, đặc biệt là cước tàu đi Mỹ và EU. Vấn đề logistic cũng làm tắc nghẽn tại các cảng nhập khẩu chính của Trung Quốc, cùng với việc thị trường này siết chặt kiểm tra, kiểm soát virut corona đối với hàng thủy sản nhập khẩu càng khiến cho xuất khẩu thủy sản thêm khó khăn. Tình hình tại thị trường Trung Quốc có xu hướng cải thiện hơn từ giữa tháng 3, do vậy, xuất khẩu thủy sản trong tháng 3 có kết quả khả quan hơn.

Từ tháng 3/2021, sự phục hồi từ thị trường Mỹ và Trung Quốc đã khiến cho bức tranh xuất khẩu cá tra trong những tháng tới vượt khỏi mức tăng trưởng âm và có nhiều màu sắc hi vọng hơn. Với sự cải thiện logistic tại Trung Quốc, tình hình xuất khẩu cá tra cũng như tôm sang Trung Quốc từ tháng 3 có xu hướng tích cực. Do vậy, sau khi giảm 5,5% trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra trong tháng 3 tăng trở lại với mức tăng 11%, đạt 137 triệu USD. Tính đến hết quý I/2021, xuất khẩu cá tra đạt 336 triệu USD, tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu tôm, cá tra sẽ tăng mạnh trong quý II/2021?

Theo VASEP, tính đến nửa đầu tháng 3/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 266,7 triệu USD, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Mỹ đạt 56,88 triệu USD, tăng 13,2%; Trung Quốc – Hồng Kông đạt 43,6 triệu USD, tăng 5,4%. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Nga tăng 104,5%. Xuất khẩu cá tra sang Brazil cũng tăng 13,2%; Colombia tăng 33,4%, Mexico tăng 22,7%, UAE cũng tăng 35%.

“So với cùng kỳ năm 2020, các doanh nghiệp cá tra hoàn toàn bị động do hoạt động giao thương bị ngưng trệ ngay từ đầu năm do Covid thì năm nay, các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu sang nhiều thị trường tiềm năng hơn. Nếu xu hướng tăng trưởng này tiếp tục giữ vững, lượng hàng tồn tại Mỹ và Trung Quốc hầu như đã hết, nhiều khả năng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam trong các tháng tới có nhiều lạc quan”, đại diện VASEP nhấn mạnh.

Đối với mặt tôm có thể thấy rằng, xuất khẩu tôm sau khi tăng 16% trong tháng 1, đã giảm 19% trong tháng 2, sang tháng 3 hồi phục với mức tăng khoảng 10% đạt khoảng 270 triệu USD và tính đến hết quý I/2021, xuất khẩu tôm ước đạt 646 triệu USD, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 2 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu tôm sang nhiều thị trường lớn giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên khi phân tích nhu cầu và tình hình kinh tế của các thị trường lớn đang phục hồi, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm hoàn toàn có thể tin rằng, xuất khẩu tôm trong thời gian tới sẽ tăng trưởng dương trở lại…

Theo số liệu mới nhất của Cục Nghề cá biển Hoa Kỳ (NMFS), trong tháng 1/2021, Mỹ đã nhập khẩu 10.127 tấn phile cá tra đông lạnh trị giá 24,8 triệu USD, tăng 46,7% về lượng và tăng 27,5% so với tháng 1/2020. Giá trung bình nhập khẩu của cá tra phile đông lạnh ở mức 2,45 USD/kg, giảm 0,8% so với tháng 12/2020 và thấp hơn 13,1% so với tháng 1/2020.

Trong tháng 1/2021, Mỹ đã nhập khẩu 69.653 tấn tôm trị giá 601,6 triệu USD, tăng 7% về lượng và 6% về giá trị so với tháng 1/2020. Giá bình quân nhập khẩu tôm đạt 8,63 USD/kg, giảm 2,9% so với tháng 12/2020 và giảm 0,69% so với tháng 1/2020. Đầu năm mới dường như có sự tiếp nối của xu hướng tăng trong hầu hết năm 2020.

Trong tháng 2/2021, Việt Nam và Argentina là 2 quốc gia có doanh số bán hàng vào Mỹ tăng đột biến. Việt Nam đã xuất khẩu sang Mỹ 4.365 tấn tôm trị giá 43,5 triệu USD trong tháng 2, tăng 41% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá trung bình là 9,98 USD/kg, thấp hơn 4% so với tháng 2/2020.

Dự báo, sự phục hồi dần từ hai thị trường xuất khẩu lớn là Mỹ và Trung Quốc sẽ kéo giá trị xuất khẩu cá tra trong những tháng tới vượt khỏi mức tăng trưởng âm. Hiện lượng hàng tồn tại Mỹ và Trung Quốc hầu như đã hết, và nếu xu hướng tăng trưởng này tiếp tục giữ vững có nhiều khả năng xuất khẩu cá tra trong các tháng tới có nhiều lạc quan. Trước mắt, giá tôm nhiều khả năng ở mức cao đến giữa quý II/2021, nhưng về lâu dài sẽ rất khó đoán, bởi còn phụ thuộc vào cung – cầu thị trường, diễn biến của dịch Covid-19 và tình hình logistics.