Giờ mờ cửa từ 7:00 đến 22:00 hàng ngày
My Cart
0
Blog

Xuất khẩu tôm sang Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng khả quan

Mặc dù dịch COVID-19 vẫn còn tiếp diễn ở các thị trường chính, song xuất khẩu (XK) tôm những tháng đầu năm vẫn khả quan. Trong đó, hai thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng tích cực.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 5/2020, XK tôm Việt Nam đạt 330,2 triệu USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tính hết 5 tháng đầu năm nay, XK tôm đạt 1,2 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng tháng 5, trong nhóm thị trường chính của XK tôm Việt Nam thì Nhật Bản, EU và Hàn Quốc giảm, trong khi XK sang Mỹ, Trung Quốc và Anh tăng. Trong đó, thị trường Mỹ tăng trưởng tốt với kim ngạch đạt 65,8 triệu USD (tăng 29,5% so với tháng 5/2019).

Tổng 5 tháng đầu năm 2020, XK tôm sang Mỹ đạt 224,5 triệu USD (tăng 20,4% so cùng kỳ 2019). Đáng chú ý, mặc dù ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng XK tôm Việt Nam sang Mỹ vẫn tăng trưởng dương liên tục trong cả 5 tháng đầu năm nay.

Tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nguồn cung đối thủ nhờ ổn định và phục hồi nhanh hơn trong khi các nguồn cung như Ấn Độ và Ecuador vẫn còn đang phải chịu tác động nặng nề. Nhập khẩu tôm của Mỹ ổn định do phân khúc bán lẻ, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng Mỹ trong mùa dịch bệnh.

Còn thị trường Trung Quốc, sau khi giảm trong 3 tháng đầu năm, XK tôm Việt Nam sang đây đã phục hồi trở lại trong tháng 4 và tháng 5, riêng tháng 5 đạt 60,3 triệu USD (tăng 3,9% so với tháng 5/2019).

Nhật Bản vẫn là thị trường số 1 của XK tôm Việt Nam khi chiếm 19,2% thị phần. Tháng 5/2020, XK tôm sang Nhật Bản giảm 19,5%, tuy nhiên nhờ tăng trưởng trong những tháng trước đó nên XK tôm sang thị trường này trong 5 tháng đầu năm vẫn tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, với kim ngạch đạt 225,6 triệu USD.

Với thị trường EU, trong tháng 5 XK tôm sang EU giảm 5%, tuy nhiên với 2 thị trường đơn lẻ trong khối là Hà Lan và Đức lại tăng trưởng tốt (lần lượt là 18,5% và 14,5%). Lũy kế 5 tháng đầu năm, XK sang EU đạt 162,2 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo VASEP, giá tôm Việt Nam được dự đoán sẽ tốt trong đầu quý III năm nay do tồn kho tại các thị trường chính như Nhật Bản, Mỹ và EU không cao như những tháng trước đó. Nguồn cung nguyên liệu tại Trung Quốc dự báo giảm do ảnh hưởng của virus DIV1.

Tại Ấn Độ, lệnh phong tỏa kéo dài khiến người nuôi ngần ngại thả nuôi, chuỗi nguồn cung bị xáo trộn. Dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng tới nguồn cung tôm nguyên liệu tại Ecuador, Indonesia và Thái Lan.

Còn ở Việt Nam, người nuôi tôm vẫn chủ động thả nuôi nên doanh nghiệp sẽ không phải lo ngại về vấn đề thiếu nguyên liệu. XK tôm của Việt Nam dự kiến vẫn tăng trong các tháng tới.

Theo Tiền phong