Giờ mờ cửa từ 7:00 đến 22:00 hàng ngày
My Cart
0
Blog

Xuất khẩu trái cây ngày càng chuyên nghiệp

Thời gian này là mùa trái cây của Việt Nam và các nước nên cần sự nỗ lực của các doanh nghiệp cùng sự vào cuộc của cơ quan chức năng để tiêu thụ hết hàng hóa cho nông dân.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm (số liệu thống kê sơ bộ đến ngày 18-6), đạt khoảng 2,063 tỉ USD, tăng 17,4 % so với cùng kỳ 2020, dự báo hết năm 2021, xuất khẩu toàn ngành sẽ vượt mức 4 tỉ USD, mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Tăng tốc xuất khẩu

“Từ nay đến cuối năm, xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục tăng mạnh nhờ nguồn nguyên liệu dồi dào và kinh tế các nước nhập khẩu hồi phục sau Covid-19, kéo theo nhu cầu tăng. Vấn đề là các tháng tới đây, không chỉ là mùa vụ thu hoạch trái cây của Việt Nam mà còn của Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc… nên cạnh tranh rất gay gắt về giá, chất lượng” – ông Nguyên cho biết.

Cũng theo ông Nguyên, do khó khăn về vận chuyển nên năm nay mảng rau quả chế biến (cấp đông, nước quả cô đặc, trái cây ép đóng lon…) tăng trưởng gần 40%, chiếm tỉ lệ khoảng 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả từ mức dưới 15% trước khi có dịch. “Việc phát triển mảng chế biến rau quả thời gian gần đây rất quan trọng, đã giúp tiêu thụ số lượng lớn hàng hóa cho nông dân. Với dòng hàng này, doanh nghiệp (DN) không gặp áp lực tiêu thụ nhanh, có thể trữ để bán dần” – ông Nguyên nhìn nhận.

Bà Quách Thị Lệ Chân, Giám đốc Công ty TNHH Bảo quản rau quả CASS (Long An), nơi cung cấp giải pháp lưu kho lạnh bằng công nghệ điều chỉnh khí cho các DN, cũng cho biết lượng hàng lưu chuyển tại kho tăng lên, khách đóng hàng xuất khẩu liên tục. “Có một số mặt hàng trước đây xuất khẩu lượng ít, phải ghép container thì nay đi container riêng. Với hàng mùa vụ như vải thiều, có DN đã thử nghiệm để theo dõi thời gian bảo quản để kéo dài thời gian bán hàng, ngay cả khi vải thu hoạch xong” – bà Lệ Chân tiết lộ.

Chế biến, bảo quản nông sản cũng là lĩnh vực đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) khuyến khích, hỗ trợ để chuẩn bị tốt nhất phương án hậu dịch Covid-19 cho thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc, châu Âu, Mỹ.

Bộ NN-PTNT thông tin nhiều loại nông sản chủ lực đang vào thời vụ thu hoạch chính vụ như: thanh long ước đạt 1,455 triệu tấn, tăng khoảng 10% so năm 2020; xoài 995.000 tấn, tăng trên 10% so năm 2020; khoai lang gần 1,4 triệu tấn, tăng khoảng 70.000 tấn so với năm ngoái. Ngoài ra, các mặt hàng khác như: vải thiều, nhãn, dưa hấu, chuối, dứa… cũng vào mùa nên cần nhiều giải pháp hỗ trợ để tiêu thụ kịp thời cho nông dân. Trong đó, giải pháp quan trọng là tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển do dịch bệnh để tránh tình trạng ùn ứ.

Cụ thể, với nông sản, Bộ NN-PTNT đã đề nghị Bộ Y tế xem xét việc cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh từ địa phương đã thực hiện đúng quy trình kiểm soát an toàn dịch Covid-19 theo hướng dẫn. Với tài xế chở nông sản, bộ đề nghị Bộ Y tế quan tâm triển khai cơ chế ưu tiên tiêm vắc-xin Covid-19 và Bộ Ngoại giao xem xét đàm phán với các quốc gia có chung đường biên giới về hình thức “hộ chiếu vắc-xin” cho tài xế chở hàng qua biên giới như là giải pháp hiệu quả giúp hỗ trợ tiêu thụ nông sản.

Bài học từ sầu riêng, vải thiều

Năm 2020, sầu riêng từng có một năm giá thấp chưa từng có khi xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc gặp khó khăn do dịch bệnh bùng phát thì năm nay sầu riêng lại trúng mùa được giá bất chấp thị trường Trung Quốc vẫn chưa “mở cửa”. Đó là nhờ có thị trường thay thế. Thời gian gần đây, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), phải thường xuyên đăng thông báo “thu mua sầu riêng không giới hạn số lượng” trên trang Facebook cá nhân và các diễn đàn để bổ sung nguyên liệu. Theo bà Vy, dù đã vào mùa nhưng giá tại vườn sầu riêng Ri6 vẫn khá cao, từ 35.000 – 40.000 đồng/kg, Monthong từ 35.000 – 65.000 đồng/kg, đủ để nông dân có lãi.

“Năm ngoái, chúng tôi chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ thì nay có nhiều đơn hàng sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và cả Thái Lan với mặt hàng chính là sầu riêng cấp đông. Nhìn chung, nhu cầu thế giới đối với mặt hàng này còn cao, cung chưa đủ cầu, cơ hội của hàng Việt Nam còn lớn dù đi sau các nước có truyền thống về sầu riêng như Malaysia, Thái Lan” – bà Vy đánh giá.

Tương tự, Tập đoàn Vina T&T (TP HCM) năm nay cũng lấy doanh số của sầu riêng và dừa tươi để bù vào mặt hàng trước đây là chủ lực là xoài nhưng gặp khó khăn về bảo quản do thời gian vận chuyển kéo dài. Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT tập đoàn cho biết chắc chắn năm nay lượng sầu riêng DN xuất khẩu sẽ vượt con số 1.000 tấn của năm 2020.

Theo ông Tùng, sầu riêng giữ được giá tốt do nhu cầu thị trường thế giới lớn, đa dạng từ bán tươi cho thị trường gần như Trung Quốc hoặc cấp đông cho các thị trường xa. “Điều này lý giải vì sao có thời gian giá mít bằng sầu riêng nhưng bây giờ rớt giá dài. Bởi lẽ mít chủ yếu bán tươi sang Trung Quốc, các thị trường khác có nhu cầu rất thấp hoặc không có nhu cầu. Như Mỹ là thị trường chủ lực của công ty nhưng họ đã có nguồn mít giá rẻ từ Mexico. Như vậy, việc phát triển diện tích một loại trái cây cần tính đến nhu cầu thị trường quốc tế cũng như công nghệ bảo quản, chế biến đi kèm thì mới bảo đảm đầu ra cho nông dân” – ông Tùng phân tích.

Hay như quả vải, cách đây 10 năm, thị trường miền Nam còn rất hiếm thì nay tràn ngập nhờ kích cầu nội địa và kết nối tiêu thụ với các đầu mối tiêu thụ chính. Thống kê từ các chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền của TP HCM cho thấy tính từ ngày 1-6 đến nay, đã có gần 5.000 tấn trái vải thiều của các tỉnh phía Bắc được tiêu thụ.

Các công ty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối cho hay sản lượng vải thiều nhập chợ tăng cao so với năm 2020, giá cũng rẻ hơn nên tiêu thụ nhanh. Cũng trong mùa vải năm nay, các hệ thống bán lẻ lớn như Vinmart, Co.opmart, Big C, Go!, Aeon… đồng loạt thu mua, phân phối số lượng lớn vải thiều.

Chưa có số liệu cụ thể nhưng mỗi hệ thống ước tính sẽ bán ra vài chục đến vài trăm tấn trái vải thông qua các chương trình khuyến mãi giảm giá, lễ hội trái vải hoặc lễ hội trái cây được triển khai tại các điểm bán hoặc qua kênh mua sắm online của doanh nghiệp, qua liên kết với các sàn thương mại điện tử, các ứng dụng mua sắm trực tuyến.

Ngoài ra, nhờ đầu tư bài bản từ khâu trồng, cấp mã số vùng trồng, vải thiều còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… và giá bán lẻ mặt hàng tại đây lên đến nửa triệu đồng mỗi kg.

Theo Người lao động