Hoa én là loài hoa cảnh đẹp, cây thuộc loại cây bụi, thân gỗ, có hoa màu trắng giống cánh bướm nên còn được gọi với tên Hoa Bướm bạc trắng. Cây rất được ưa chuộng trồng làm cảnh trong sân vườn, trồng viền lối đi, trong khuôn viên đô thị. Cây hoa én bạc cũng có thể trồng trong chậu đặt trong nhà giúp cho không gian nhà bạn thêm tươi mới và luôn tràn đầy sức sống. Vậy cách trồng và chăm sóc cây én bạc như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn đọc cách trồng và chăm sóc cây én bạc nở hoa quanh năm.
Cây én bạc trồng trong chậu làm tiểu cảnh
1. Kỹ thuật trồng cây hoa én
1.1. Chuẩn bị giống trồng
– Hiện nay, cây hoa én bạc được nhân giống bằng phương pháp gieo hạt. Sau khoảng 2 tuần sau khi gieo hạt cây sẽ bắt đầu nảy mầm. Nên tưới nước thường xuyên để cung cấp độ ẩm cho cây nhanh chóng phát triển, nên đặt nơi có nhiều ánh sáng cây mới có thể phát triển nhanh chóng được.
– Cây hoa én có 2 màu là màu trắng và hồng tùy thuộc vào sự yêu thích của người trồng mà có thể chọn màu sắc khắc nhau.
Hoa én hồng được trồng trang trí trước nhà
1.2. Thời vụ trồng cây hoa én
– Cây hoa én là cây dễ trồng, nó có thể thích nghi với nhiều điều kiện thích hợp. Cây có thể trồng quanh năm, tuy nhiên để cây có thể phát triển khỏe mạnh, cây nhanh tươi tốt thì bạn nên trồng cây vào mùa xuân, khi thời tiết còn mát mẻ và ấm áp.
1.3. Cách ươm hạt giống hoa én
– Chuẩn bị đất ươm hạt hoặc giá thể, khay ươm. Đất ươm và giá thể cần đảm bảo tơi xốp, thoát nước tốt và đảm bảo sạch đã xử lý sạch nấm bệnh trước khi gieo hạt.
– Hạt giống khi bạn mua về không cần qua xử lý, có thể gieo trực tiếp vào đất trồng, giá thể. Cho đất, giá thể vào bầu hoặc khay ươm khoảng 2/3 sau đó gieo hạt và phủ một lớp đất mỏng lên trên, tưới ẩm đất và duy trì độ ẩm 70-80%. Sau 2 tuần cây bắt đầu nảy mầm và khi cây cao khoảng 10-15cm thì tiến hành bấng bầu trồng ra chậu to hoặc ra đất trồng.
1.4. Chuẩn bị đất trồng và cách trồng hoa én
– Hoa én không kén đất, có khả năng chịu hạn nhưng không chịu úng. Đất thích hợp nhất để cây sinh trưởng phát triển tốt là đất thịt nhẹ, đất cát pha, đất đỏ,… Nên chọn đất trồng cao ráo có hệ thống thoát nước tốt.
– Tiến hành làm đất kỹ, sạch cỏ dại, bón phân lót cho đất trong quá trình làm đất. Chọn các loại phân chuyên dùng bón lót, phân chuồng hoai mục, vôi bột. Liều lượng bón lót: 500 kg phân chuồng hoai mục + NPK chuyên bón lót (20 – 25 kg/500 m2) + 15 – 20 kg vôi bột. Sau khi bón lót, làm đất cần ủ đất từ 20 – 25 ngày rồi mới tiến hành trồng.
Cây hoa én được trồng trong chậu
– Cây hoa én là cây ưa sáng chính vì vậy nên chọn nơi có điều kiện ánh sáng cao để trồng cây, để cây có thể phát triển tốt nhất. Nếu điều kiện ánh sáng không đủ, cây sống trong bóng râm, cây sẽ kém phát triển, không tươi, khi ra hoa màu sắc hoa sẽ nhợt nhạt. Cây hoa én là cây lâu năm chính vì vậy khi trồng cây trong chậu nên chọn chậu to để bộ rễ có thể phát triển tốt nhất.
2. Kỹ thuật chăm sóc cây hoa én
2.1. Tưới nước cho cây hoa én đúng kỹ thuật
– Cây hoa én là cây có thể chịu hạn tốt, tuy nhiên để cây sinh trưởng phát triển khỏe mạnh nên tưới nước thường xuyên cho cây, nhưng tránh tình trạng ngập úng nên phải đảm bảo độ thoát nước cho cây phải ổn định.
– Khi cây đang còn nhỏ nên đảm bảo lượng nước, độ ẩm trung bình cho cây đạt 70-80% và thoát nước tốt, ngày tưới 2 lần nếu thời tiết nắng nóng. Khi cây phát triển mạnh lớn có thể tưới ngày 1 lần cho cây.
Cây hoa én được trồng làm cảnh quan
2.2. Bón phân cho cây hoa én
– Cây hoa én là cây sinh trưởng phát triển khỏe mạnh nên bạn không cần cầu kỳ bón phân quá nhiều cho cây. Khi cây trồng được 20-25 ngày nên bón phân lần 1 cho cây với 10-12kg phân chuồng ủ hoai mục. Khi cây chuẩn bị ra hoa bạn bón thêm cho cây 1 lần nữa. Những năm tiếp theo chỉ bón phân 1 lần/năm.
2.3. Phòng và điều trị bệnh hại trên cây hoa én
– Khi chăm sóc cây hoa én cần phải thường xuyên chú ý đến các hiện tượng như lá bạc, khô, héo lá, cành thối cần phải cắt tỉa ngay tránh lây lan sang những cành cây khác khiến cây dễ bị chết. Sau khi cắt tỉa xong nên phun ngay thuốc bảo vệ thực vật cho cây. Sau khi phun xong sang hôm sau bạn nên cung cấp nước ngay cho cây tránh tính trạng để lâu cây bị tổn thương.
– Sau 2-3 ngày nên bón phân cung cấp cho cây để cây có thể nhanh chóng phục hồi lại sức khỏe. Nên bón phân chuồng đã ủ hoai mục kết hợp với nấm Trichoderma để bón cho cây.