Cây măng tây có tên khoa học là Asparagus officinalis thuộc họ Lily và có quan hệ với hành, tỏi tây. Đây là loại cây lâu năm được trồng làm cây trang trí và để lấy măng làm rau ăn. Cây măng tây chứa nhiều vitamin C và folate. 1 bát măng tây nấu chín đáp ứng được 1/3 lượng vitamin C và 2/3 lượng folate cho nhu cầu cơ thể con người hằng ngày. Măng tây cũng chứa vitamin A, E, amino axit asparagine, kali, phốt pho, và 7-10% lượng sắt cần thiết cho người. Măng tây chứa ít năng lượng, một bát măng nấu chín chỉ có 43 ca-lo, phù hợp với người ăn kiêng.
1. Điều kiện nhiệt độ thích hợp trồng măng tây
Măng tây được xem như là một cây trồng nhiệt đới với khả năng phát triển quanh năm, tuy nhiên nhiệt độ phát triển tốt nhất đối với măng tây là vào ban ngày: 24-26,5 oC, ban đêm là 15.5-21 oC. Một số giống măng tây cần nhiệt độ thấp để có thể trải qua thời kỳ tàn cây, ngủ đông trên đồng ruộng.
2. Kỹ thuật chọn giống cây măng tây
Một số giống măng tây cho năng suất cao và toàn cây măng đực của Mỹ như Centennial, Jersey Giant, Jersey King. Những giống này thường được ưa thích vì không tạo ra hoa, quả và hạt nên làm tăng năng suất. Một vài giống toàn cây măng đực như là: California như là Apollo, Atlas, và UC157 đã cho năng suất cao và phù hợp với khí hậu nhiệt đới ẩm hơn.
Giống măng tây Atlas
2. Kỹ thuật trồng cây măng tây
Cây con có thể được trồng hoàn toàn bằng rễ của cây mẹ khoảng 1 năm tuổi. Tuy vậy, hầu hết nông dân sử dụng hạt để ra giống. Cây con vườn ươm rất quan trọng quyết định tới sinh trưởng phát triển và năng suất cây măng sau này, vì vậy phải hết sức chú ý chăm sóc thật tốt măng từ giai đoạn cây con trong vườn ươm trước khi trồng. Hạt giống được gieo trong giá thể trộn với đất tơi xốp. Loại bỏ những cây yếu chỉ để lại những cây khỏe để ra cây. Cây con được ươm trong bầu được đưa ra trồng ngoài đồng ruộng trong khoảng 3 tháng sau khi gieo.
3. Chuẩn bị đất trồng và kỹ thuật chăm sóc cây măng tây
3.1. Chuẩn bị đất trồng cho cây măng tây
– Cây măng thích hợp với điều kiện nắng và đất tơi xốp, thoát nước tốt. Cây cũng có thể sống được ở đất có thành phần cơ giới nặng miễn là đất đó thoát nước tốt và mực nước ngầm không vượt khoảng cách 1,2 mét so với bề mặt để tranh úng rễ cây măng. Cây măng tây thích hợp với pH đất từ 6,0-7,5. Cây không chịu được ở đất có tính axit và phát triển không tốt khi pH đất thấp hơn 6,0. Việc giữ cho pH đất ổn định trên ngưỡng 7,0 cũng sẽ làm hạn chế các bệnh nấm gây thối rễ thối thân có nguồn gốc trong đất.
– Lên luống rộng 60 cm, trồng cây cách cây là 40-45 cm. phủ một lớp đất nhẹ, chú ý tránh phủ lên lá măng và đầu mầm măng, vun đất cao dần khi cây măng phát triển.
Lên luống rộng 60cm cho cây măng tây
3.2. Kỹ thuật chăm sóc cây măng tây
– Cây măng tây không phải là cây cần nhiều nước, cây có thể chịu được với nước lợ và đất nhiễm mặn khá tốt.
– Cây măng tây có thể sống khoảng 15-20 năm và sẽ cho năng suất ngày một tăng nếu được chăm sóc tốt. Do vậy việc chọn đất phù hợp, ổn định lâu dài và làm đất kỹ tạo môi trường tốt cho rễ măng phát triển khỏe mạnh là yếu tố quan trọng trong việc giữ cho cây măng khỏe, đem lại năng suất ổn định trên đồng ruộng.
Chăm sóc cây măng tây
– Măng tây không phải là cây cạnh tranh tốt với cỏ. Cỏ phải được làm sạch thường xuyên, nhất là khi làm đất xuống giống.
– Sử dụng vôi để điều chỉnh lại pH đất đạt 7,0 tới 7,5. Sử dụng nhiều phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ (nhiều hơn 3kg/m2), kết hợp với phân hóa học NPK (15-15-15) 200 g/m2. Tất cả được trộn đều với đất trồng khi chuẩn bị đất ra cây con. Cây măng tây là cây lâu năm nên bón lót lân trong quá trình chuẩn bị đất trồng là rất quan trọng. Vì lân không di chuyển trong đất tới vùng rễ cây như các nguyên tố khác nên nếu sử dụng lân chỉ để bón thúc cây (bón sau khi trồng) sẽ rất khó để cây có thể nhận được lân.
– Chú ý: phân chuồng sử dụng phải ở dạng hoai mục, nếu không cây có thể không lấy được dinh dưỡng từ phân.
– Nhìn chung, không nên thu hoạch ngọn măng trong năm đầu trồng mà để cho cây phát triển tán lá khỏe mạnh từ đó phát triển bộ rễ, tích lũy đầy đủ dinh dưỡng, cây khỏe mạnh sẽ ra măng nhiều trong những năm tiếp theo. Nếu giai đoạn cây trước 1 năm tuổi không đủ khỏe mạnh sẽ ảnh hưởng lớn tới năng suất chất lượng của măng tây trong những năm tiếp theo.
– Ở những khu vực có mùa đông lạnh sâu, bộ lá măng biến vàng và tàn dần. Lúc này nên cắt toàn bộ phần phía trên của cây rồi đắp lên phần gốc cây lớp mùn, xác thực vật như lá, thân các cây trồng khác dày từ 5-7 cm. Mùa xuân năm tới, các mầm măng sẽ mọc nhanh chóng và có thể thu hoạch hết các mầm măng này khoảng vài tháng trước khi để cây cây mẹ phát triển.
3.3. Chế độ nước tưới cho cây măng tây
– Cây măng tây là cây có bộ rễ ăn sâu (25-30cm) nên có thể chịu được điều kiện khô hạn rất tốt. Tuy vậy giai đoạn cây con trong năm đầu tiên nên được tưới nhiều nước. Lượng nước tưới phải đảm bảo được độ ẩm của đất ở chiều sâu 20 đến 25 cm. Sau năm thứ nhất, bộ rễ của măng tây sẽ phát triển sâu xuống đất nên không cần nhiều nước tưới. Lượng nước tưới chỉ cần làm ướt lớp đất sâu 6-8 cm là đủ.
4. Kỹ thuật bón phân và canh tác cây măng tây
– Một trong những yếu tố quyết định đến sinh trưởng, phát triển và năng suất cây măng tây các năm tiếp theo đó chính là việc làm đất kỹ, bón lót đầy đủ phân chuồng hoai mục và phân lân. Trong giai đoạn sinh trưởng của cây, phải bón thúc với lượng phân hóa học khoảng 50 g/ m2 sẽ đảm bảo cho cây sinh trưởng khỏe mạnh. Luôn chú ý pH của đất thường sẽ bị thay đổi sau nhiều lần bón phân hóa học, vì vậy nên điều chỉnh lại pH phù hợp bằng cách sử dụng vôi. Tuy nhiên cần đảm bảo pH của đất ban đầu trước khi trồng phải được điều chỉnh trên 7,0.
– Nên sử dụng các lớp phủ bằng xác thực vật khác để hạn chế cỏ mọc và cũng làm tăng năng suất măng tây.
5. Thu hoạch cây măng tây
– Bắt đầu thu hoạch khi măng tây được ít nhất 1 năm tuổi. Năng suất thu hoạch sẽ tăng dần và ổn định kể từ năm thứ 3 trở đi. Việc thu hoạch cây măng dưới 1 tuổi sẽ làm mất lực của cây sau này, cây suy yếu và không kéo dài được tuổi thọ. Măng non được thu hoạch khi đạt chiều dài từ 20 – 25 cm. Măng được cắt sau đó nên được bảo quản trong điều kiện lạnh (1-3 oC) ẩm độ cao (90-95%) để duy trì chất lượng.
Thu hoạch măng tây
– Khu vực có khí hậu nóng số lần thu hoạch trên mùa vụ sẽ nhiều hơn khu vực có khí hậu lạnh do cây măng ở vùng có khí hậu nóng không trải qua thời kỳ nghỉ đông (tàn ruộng vào mùa thu để nghỉ trong mùa đông lạnh). Phương pháp thu hoạch măng tây cũng khác nhau bao gồm hai cách cụ thể là:
+ Cách 1: Cắt ruộng đồng loạt: thường được thực hiện ở những nơi có khí hậu lạnh. Trước khi mùa đông tới phải dừng tưới nước 1 tháng để kịch thích quá trình nghỉ đông. Trong thời gian đó, các tán cây sẽ biến vàng và chết dần.
Sau gần một tháng để khô hạn, cắt toàn bộ phần thân lá phía trên ruộng măng tây (cắt sát mặt đất) sau đó sử dụng phân NPK giàu lân bón quanh gốc. Sử dụng phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ đắp toàn bộ phần gốc bị cắt của từng bụi măng tây, đắp dầy khoảng 5-7 cm. Sau đó trở lại tưới nước như bình thường.
Việc xử lý ruộng theo cách đó sẽ kích thích sự nảy mầm của măng mới và có thể thu hoạch măng bằng cách cắt sát hơi thấp hơn mặt đất. Măng con mọc rất nhanh và có thể đạt được độ dài 20-22 cm trong một ngày ở nhiệt độ 26-31 oC. Trong điều kiện này, mầm măng nên được thu hoạch hằng ngày trước khi bị già không thể ăn được.
Thời gian thu hoạch theo phương pháp này kéo dài khoảng 5-6 tuần, sau đó ngừng thu để cho măng phát triển thân lá và tiếp tục tích lũy dinh dưỡng xuống bộ rễ trong vòng 5-6 tháng. Lần thu thứ hai cũng kéo dài khoảng 5-6 tuần. Phương pháp này sẽ cho hai lần thu hoạch trong một mùa vụ (1 năm) với thời gian thu hoạch mỗi lần kéo dài 6-8 tuần. Nếu có đủ cây trên ruộng, chúng ta có thể điểu chỉnh thời điểm thu hoạch lệch nhau để việc thu hoạch măng tây được diễn ra quanh năm.
+ Cách 2: Phương pháp để cây mẹ: thường được sử dụng ở khu vực có khí hậu nóng (nhiệt đới).
Sau một tháng dừng tưới nước, toàn bộ phần thân lá trên đồng ruộng đã biến màu và chết dần bị cắt bỏ.
Phân hóa học NPK và phân chuồng được bón giống như cách 1 và tưới nước trở lại như bình thường. Ba mầm măng đầu tiên được để cho phát triển hình thành cành và lá để có thể làm nhiệm vụ quang hợp, tổng hợp dinh dưỡng nuôi rễ, phục vụ cho những đợt thu hoạch măng liên tiếp sau đó.
Trong thời gian để cây mẹ cần bón thúc phân NPK 15-15-15 để cây mẹ phát triển bộ lá và cành một cách khỏe mạnh. Chu kỳ này lại lập lại sau 4-5 tháng.
Thời điểm thu hoạch của phương pháp này cũng có thể thay đổi lệch nhau nếu có đủ cây trên đồng ruộng để việc thu hoạch măng diễn ra trong suốt một năm.