Dưa vàng Kim Hoàng Hậu là một loại dưa lê cao cấp, giống có khả năng sinh trưởng, phát triển khỏe, thích ứng rộng với các môi trường xung quanh
1. Tưới nước cho cây dưa vàng Kim Hoàng Hậu
– Lượng nước tưới phụ thuộc vào thời tiết, đất đai và tình hình sinh trưởng của cây. Nước được tưới vào sáng sớm hoặc chiều mát.
– Sau trồng tưới nhẹ bằng tay vào gốc để cây tiếp xúc tốt với đất
– Kiểm tra độ ẩm đất thường xuyên, duy trì độ ẩm cho cây 60%-70%.
– Khi cây trưởng thành, thân lá phát triển cần duy trì độ ẩm cho bầu 65%-80%
– Khi cây ra hoa và phát triển quả cần duy trì độ ẩm ổn định đất 70%-80%
– Một tuần trước khi thu hoạch hạn chế tưới nước, duy trì độ ẩm đất trong bầu 50%-60%.
2. Cách làm dàn, bấm ngọn, tỉa nhánh
– Khi cây cao 30- 40cm, có 4-5 lá thật tiến hành bấm kẹp vào cây để quấn ngọn (quá trình này làm thường xuyên đến khi thụ phấn)
Dưa vàng Kim Hoàng Hậu trồng trong giá thể nhà màng
– Tiến hành bấm nhánh từ nách lá thứ nhất đến lá thứ 8, khi ngọn cao ngang dàn tiến hành bấm ngọn
– Từ lá thứ 9 sẽ để nhánh, quả bắt đầu sẽ để từ trên nhánh này
3. Cách thụ phấn cho cây dưa vàng Kim Hoàng Hậu
– Thụ phấn nhanh 3-4 ngày liên tục, khi thấy số quả trên cây đậu 2-3 quả đẹp thì dừng thụ phấn và chuyển sang giai đoạn định hình quả
– Khi thụ phấn cho cây nên thụ phấn vào sáng sớm 7h00 – 9h30
4. Cách định hình quả dưa vàng Kim Hoàng Hậu
– Cắt bỏ những quả không cân đối, dị dạng, để lại 1-2 quả đẹp trên cây
– Tiếp tục tỉa nhánh để dinh dưỡng tập trung nuôi cây
– Tỉa lá gốc tạo độ thông thoáng cho quả phát triển, hạn chế sâu, bệnh …,
– Tiến hành treo quả để hạn chế sự rụng quả do cơ giới
5. Các loại sâu bệnh hại thường gặp và cách phòng trừ hiệu quả
5.1. Các loại sâu hại trên cây dưa vàng Kim Hoàng Hậu
– Có nhiều loại sâu hại xong nguy hiểm nhất là rệp và bọ phấn.
– Có thể dùng các loại thuốc như: Sutin 5EC, Penalty 40WP, các dạng thuốc thảo mộc, thuốc sinh học hoặc dùng bẫy màu vàng
5.2. Các bệnh thường gặp trên cây dưa vàng Kim Hoàng Hậu
– Bệnh do nấm gây ra như: phấn trắng dùng Kocide, Ridomil để trừ; Thối nhũn dùng Kocide, cháy lá dùng Validacin…
– Bệnh do vi khuẩn loại bệnh khó trừ lan rộng nhanh hơn, nguy hiểm nhất là bệnh xì mủ, rụng quả loại bệnh này dùng Kocide, Steptomicin hoặc AT+Ketomium để trừ.
Lưu ý: Trong thời kỳ tỉa nhánh định quả, tiến hành phun phòng thường xuyên thuốc bệnh hạn chế thối nhũn, xì mủ, rụng quả, phun định kỳ thuốc trừ nấm bệnh.
-Tạo độ thông thoáng, hạn chế ẩm nóng trong nhà nuôi trồng để tránh bệnh phát sinh, hạn chế bón phân đạm ure và các loại phân giàu đạm trong giai đoạn bệnh đang phát sinh, phát triển.
– Trước thu hoạch 10-15 ngày người dân không nên bón phân, phun thuốc BVTV cho cây trồng để đảm bảo thời gian cách ly và tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.