Giờ mờ cửa từ 7:00 đến 22:00 hàng ngày
My Cart
0
Blog

Những tác dụng chữa bệnh bất ngờ từ củ ấu

– Củ ấu thường có hai giống: ấu gai cho trái có hai sừng nhọn như gai, năng suất thấp. Ấu trụi cho trái có hai sừng tù, năng suất cao. Nếu trái ấu chưa quá già, màu nâu, chưa rụng xuống bùn, luộc ăn ngon, gọi là ấu nâng gương. Củ ấu phải thu hoạch lúc già, vỏ trái phơi khô để làm thuốc.

– Nếu trái đã già, chuyển qua màu đen sẫm, vỏ cứng như sừng, có nhiều bột, gọi là ấu sừng trâu, cần thu hoạch liền. Mùa hoa tháng Năm-Sáu, mùa trái tháng Bảy-Chín. Trái ấu mà ta thường gọi là củ ấu (Fructus Trapae) phải thu hoạch lúc già, đem luộc chín, lấy nhân ra, phơi hoặc sấy khô để dùng dần. Vỏ trái phơi khô để làm thuốc. Toàn cây tươi hoặc phơi khô cũng được dùng làm thuốc.

– Trong 100g thịt củ ấu có chứa: protein 3,6g; lipid 0,5g; glucid 24g; Ca 9mg; P 49mg; Fe 0,7mg; caroten 0,01mg; vitamin B1 0,23mg; B2 0,05mg; PP 1,9mg; C 5mg; cung cấp 115 calo.

Củ ấu vừa là thực phẩm vừa là vị thuốc trong đông y

Củ ấu vừa là thực phẩm vừa là vị thuốc trong đông y

– Theo Đông y, thịt trái ấu có vị ngọt, tính mát, tác dụng bổ mát, giải thử nhiệt, giải độc, giải rượu, trừ phiền. Ăn vào giúp ích khí, kiện tỳ, bổ ngũ tạng.

– Sách Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân (1518-1593) cho rằng, củ ấu có công năng cầm tiêu chảy, chữa kiết lỵ, đại tiện ra máu, loét dạ dày… Ngày dùng 30-60g, sắc uống.

– Vỏ trái ấu dùng chữa loét dạ dày và loét cổ tử cung. Toàn thân cây dùng chữa trẻ em sài đầu, giải độc rượu và làm cho sáng mắt. Liều dùng 10-16g, dạng thuốc sắc. Củ ấu là vị thuốc tốt và thực phẩm ngon, nhưng ăn nhiều sẽ gây trệ khí.

– Sau đây là một số bài thuốc có dùng ấu:

+ Giải trúng nắng, giải say rượu, dã độc thuốc: dùng thịt ấu tươi 150-250g, nhai nát nuốt dần hoặc giã nát, chế thêm nước nguội để uống.

+ Chữa tỳ vị hư nhược, ăn uống không tiêu, đi cầu lỏng, hay đau bụng lạnh: thịt ấu 50g, bạch truật 16g, sơn tra 10g, hoài sơn 16g, màng mề gà (kê nội kim) 6g, cam thảo bắc 3g. Sắc với 750ml nước, còn lại 300ml chia hai-ba lần uống lúc đói bụng.

 + Chữa viêm loét dạ dày: thịt ấu 30g, hoài sơn 16g, táo đỏ 16g, bạch cập (Rhizoma Bletiliae) 10g, gạo nếp 100g. Cho tất cả vào nồi, thêm lượng nước vừa đủ để nấu cháo nhừ. Khi ăn cho 20g mật ong trộn đều. Chia hai-ba lần ăn trong ngày. Món này còn là món ăn bổ trợ tốt cho những người bị ung thư dạ dày.

+ Chữa đại tiện ra máu: vỏ ấu 60g, cỏ mực 8g, trắc bá diệp (sao đen) 8g, hoa hòe (sao) 8g, gương sen (sao) 8g, sắc với 750ml nước, còn 300ml chia hai lần uống trước bữa ăn.

+ Chữa trĩ ra máu: vỏ ấu sấy khô, đốt tồn tính, tán bột mịn, trộn đều với dầu mè để bôi hoặc đắp, ngày ba-bốn lần.

+ Hư nhiệt, phiền khát: thịt củ ấu tươi 50g, mía lau 50g, câu kỷ tử 10g, đậu đen 16g, sắc uống.

+ Loét dạ dày, loét cổ tử cung: lấy vỏ củ ấu sao vàng cho có mùi thơm rồi sắc với nước uống. Người ta còn lấy thịt ấu sấy khô, tán bột, hòa với đường hoặc mật để làm bánh ăn rất ngon và bổ dưỡng, phòng chống thử nhiệt mùa nắng nóng.

+ Củ ấu đốt thành than tồn tính, tán thành bột, trộn đều với dầu vừng, dùng bôi ngoài trĩ, mụn nước, nhiễm trùng sưng ngoài da. Dùng đun nước rửa hậu môn để chữa sa trực tràng (lòi dom).

 Lưu ý: Tuy củ ấu là vị thuốc tốt và thực phẩm ngon, nhưng ăn nhiều sẽ gây trệ khí, do đó những người có u cục ở ngực, bụng, không được dùng.