1. Chọn dạng phân bón
Để phát huy hiệu quả của phân lân đối với cây trồng, trước khi sử dụng phân lân chúng ta cần lựa chọn những loại phân lân phù hợp dựa trên các cơ sở sau:
– Căn cứ vào pH đất:
+ Supe lân nên bón trên đất trung tính, khi bón supe lân trên đất chua, trước đó phải bón vôi để trung hòa độ chua đến pH=6,5 thì phân này mới phát huy hết hiệu quả.
+ Phân lân thiên nhiên, phân lân nung chảy bón cho đất chua, đất bạc màu, đất trũng, đất lầy thụt.
– Căn cứ các yếu tố dinh dưỡng đi kèm trong phân lân:
Cũng có vai trò quan trọng để nâng cao hiệu quả của phân bón. Nhiều trường hợp dạng phân bón này tỏ ra tốt hơn dạng phân bón kia là do yếu tố dinh dưỡng đi kèm.
+ Supe lân do có chứa S nên thể hiện tính ưu việt với các cây có nhu cầu S cao.
+ Phân lân nung chảy nhờ có Mg, SiO2, nên thể hiện tính ưu việt rất rõ trên đất thoái hóa rửa trôi mạnh hay khi bón cho các cây trồng có nhu cầu về các chất này cao.
Tuy nhiên, sự phối hợp nhiều loại phân lân trong sử dụng thường cho hiệu quả hơn. Do mỗi dạng phân lân đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định sự phối hợp chúng trong sử dụng sẽ phát huy được những ưu điểm, khắc phục được nhược điểm của từng dạng phân, tạo nên hiệu quả sử dụng phân bón chung tốt hơn.
2. Vai trò của dạm đối với hiệu quả của việc bón lân
Phân lân chỉ phát huy tác dụng khi đất có đủ đạm hay được bón cân đối với phân đạm theo yêu cầu của cây. Trong trồng trọt nếu chưa có khả năng tăng được lượng phân N bón thì chưa tăng lượng phân bón vì sẽ không đem lại hiệu quả.
3. Thời kỳ bón phân lân
– Đối với hầu hết tất cả các loại cây trồng ở thời kỳ đầu sinh trưởng (thời kỳ cây con) rất cần lân để ra rễ và nếu thiếu lân ở thời kỳ này sẽ dẫn đến tình trạng khủng hoảng lân. Hơn nữa lân được tích lũy vào trong cây ở giai đoạn sinh trưởng trước có thể chuyển hóa để tái sử dụng cho giai đoạn sau khi trong đất thiếu.
– Vì vậy, cần chú ý bón phân lân đủ cho cây trồng ngay từ đầu đối với tất cả các loại cây trồng. Bất cứ loại phân nào, cũng lấy bón lót là chính.
– Việc bón thúc phân lân có thể cần thiết khi cây trồng có biểu hiện thiếu lân, hay vì lý do nào đó nào đó chưa bón lót toàn bộ lượng phân lân cần bón. Riêng trong sản xuất hạt giống, rất cần bón thúc phân lân trước thời kỳ hình thành hạt nhằm làm tăng tỷ lệ lân trong hạt giống, làm tăng sức nảy mầm và các chất lượng khác cho hạt giống. Việc bón thúc phân lân chỉ đạt hiệu quả khi bón bằng phân supe lân.
4. Các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phân lân
Để nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân lân khi sử dụng chúng ta cần chú ý những điểm sau:
– Bón phân lân vào thời kỳ cây có nhu cầu lân cao (vườn ươm, ruộng mạ, lúc mới trồng cây trồng).
– Bón phân lân càng gần rễ cây càng tốt, bón cho cây trồng cạn thường bón theo hàng theo hốc.
– Bón phân lân kết hợp với phân chuồng, theo tỷ lệ so với phân chuồng, 2% đối với supe lân, 3 – 5% đối với photphorit.
– Phối hợp supe lân các loại lân khác trong sử dụng.
– Bón phân lân theo đất: Đất chua nghèo lân dùng phân lân thiên nhiên; đất bạc màu, đất nhẹ nghèo Mg dùng phân lân nung chảy. Đất kiềm, trung tính dùng phân supe lân.
– Bón phân lân theo cây: Ưu tiên bón phân lân cho các cây có nhu cầu lân cao, cây trồng cạn đặc biệt là các cây ngắn ngày nên bón supe lân, lúa nên bón phân lân nung chảy hay phân lân thiên nhiên, cây bộ đậu và phân xanh nên dùng phân lân thiên nhiên.
– Chỉ supe lân mới có thể được dùng để bón thúc còn các loại phân lân khác chỉ dùng bón lót.
5. Có thể bón phân lân cải tạo và bón lân duy trì
– Bón phân cải tạo: Là bón lượng lân lớn hơn nhiều so với nhu cầu của cây nhằm làm tăng hàm lượng lân có trong đất đến một mức thỏa đáng tạo khả năng để đất cung cấp lân tốt cho cây và thường làm đối với đất nghèo lân.
– Bón phân duy trì: Là bón lượng phân vừa đủ bù đắp lượng phân mà cây trồng lấy đi hằng năm, để ổn định lượng lân có trong đất.
– Trong thực tế người ta có thể bón tập trung lượng phân lân lớn của một số vụ cây trồng vào một lần bón cho cây trồng nào có nhu cầu lân cao nhất trong hệ thống luân canh để giảm chi phí vận chuyển và bón phân (tiện cho việc cơ giới hóa)(bón cải tạo).
– Tuy nhiên bón một lượng phân lân cải tạo lớn có thể dẫn đến việc cản trở hút các nguyên tố vi lượng đặc biệt là Zn ở cây (do bị cố định). Ngoài ra khi trong đất có nhiều sắt, nhôm ở dạng hòa tan và khoáng sét nếu bón lượng phân lân quá lớn vào đất chúng dễ chuyển thành dạng khó tiêu hiệu lực còn lại rất thấp gây lãng phí, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cây. Vì vậy cần bón phân đúng lúc và liên tục để tăng hàm lượng lân dễ tiêu trong đất khác.