Để thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát chất lượng, nguồn gốc nông sản khi đưa ra thị trường, các cơ quan chức năng ở Đắk Lắk đang triển khai hướng dẫn, cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu cho các tổ chức, cá nhân.
Đến nay, đã có 6 loại cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng với tổng diện tích gần 600 ha gồm: cây vải (trên 110 ha ở huyện Krông Năng); sầu riêng (230 ha, ở Krông Pắc và TP. Buôn Ma Thuột); chuối (150 ha, ở huyện Krông Pắc và Ea H’leo), bưởi (15 ha, ở huyện Buôn Đôn), xoài (40 ha, ở huyện Ea H’leo), thanh long (50 ha, ở huyện Ea H’leo); có 17 tổ chức, cá nhân được cấp mã số cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu đối với thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đang xúc tiến cấp mã vùng trồng cho cây cà phê, với gần 2.900 ha cà phê trồng xen cây ăn quả ở huyện Krông Năng.
Ông Lê Văn Thành, Chi Cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho biết, với diện tích được cấp mã số vùng trồng như hiện nay thì đây chỉ là diện tích rất nhỏ, chưa đến 10%, so với tiềm năng cây ăn quả của tỉnh. Nguyên nhân phần lớn là do các nông hộ sản xuất nhỏ lẻ, phân tán. Vì vậy, ngành Nông nghiệp đang tập trung tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cấp mã vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu để nâng cao hiệu quả kinh tế và đáp ứng các quy định của thị trường.
“Hiện nay chúng tôi khuyến cáo các địa phương thành lập các nhóm hợp tác, tổ hợp tác, hợp tác xã để có người chịu trách nhiệm cho nhóm nông hộ này về quy trình sản xuất về cơ sở pháp lý; đồng thời, cũng tăng cường phối hợp tổ chức kiểm tra, đánh giá, rà soát cấp mã số vùng trồng để tiến tới xúc tiến xuất khẩu”, ông Lê Văn Thành cho biết thêm.