Biến đổi khí hậu gây sạt lở, ngập úng, lũ lụt đã diễn ra ở miền Trung thời gian qua và dự kiến còn diễn biến phức tạp.
Nó để lại hậu quả rất nặng nề, lâu dài, ảnh hưởng đến cuộc sống và tính mạng người dân. Việc thiếu nước sạch, thiếu thực phẩm có thể khiến cho người dân vùng lũ mắc bệnh về tiêu hóa, suy dinh dưỡng, đặc biệt là các đối tượng yếu thế. Vậy làm thế nào để tổ chức bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cho người dân sau lũ?
Gia tăng nguy cơ thiếu lương thực vì bão lụt
Mưa nhiều gây lũ lụt làm thiếu lương thực – thực phẩm, thiếu nước sạch, môi trường ô nhiễm làm phát sinh mầm bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Theo thông tin từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), đợt bão lũ ở các tỉnh miền Trung vừa qua có ít nhất 135.000 gia đình đã bị ảnh hưởng trực tiếp, hơn nửa triệu người không có nước sạch. Lũ lụt và sạt lở đất trên diện rộng tại các tỉnh miền Trung đã khiến hơn 1,5 triệu trẻ em có nguy cơ mắc bệnh, dinh dưỡng kém và chậm phát triển. Bão lụt ở miền Trung cũng làm gia tăng nguy cơ thiếu lương thực,
Khi lũ lụt xảy ra đã cuốn đi bao nhiêu công sức lao động của người dân, nhà cửa, các công trình vệ sinh, nguồn nước, cống rãnh bị ngập. Vì vậy, các chất thải của người, gia súc, xác động thực vật chết làm ô nhiễm đến môi trường, đặc biệt là nguồn nước. Môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm, mầm bệnh dễ lan truyền và phát tán tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.
ThS.BS. Nguyễn Văn Tiến (Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng – Bộ Y tế) cho biết, do mưa bão gây ngập lụt một số vùng, thậm chí nguồn lương thực và thực phẩm bị thiếu do: lương thực – thực phẩm bị nước cuốn trôi, bị hư hỏng do ngập nước, đường giao thông chia cắt… Vì vậy, trong và sau mưa bão có thể bị thiếu đói do thiếu lương thực – thực phẩm, bữa ăn sẽ mất cân đối, không đủ thành phần các chất dinh dưỡng như thiếu rau xanh, hoa quả chín, chất đạm từ: thịt, trứng, cá, tôm, cua…
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng, phòng tránh bệnh tật sau bão lũ
Để đảm bảo chế độ dinh dưỡng của người dân trong và sau bão là việc làm cần thiết, theo ThS.BS. Nguyễn Văn Tiến, đối với vùng hay xảy ra thiên tai, cần thực hiện xây dựng nhà theo mô hình tránh lũ; Cần bảo quản lương thực, thực phẩm ở nơi an toàn; Cần mua dự trữ nguồn lương thực – thực phẩm, nước sạch, các đồ dùng thiết yếu để sử dụng trong giai đoạn bão lũ.
Bên cạnh đó, trong bão lũ, cần đặc biệt quan tâm tới tính mạng người dân, tránh không để bị đứt bữa; cần ăn đủ no, có đủ các chất dinh dưỡng, ăn nhiều loại thực phẩm, ưu tiên các thực phẩm được sản xuất tại chỗ, đặc biệt là trẻ em, người già, phụ nữ có thai và nuôi con bú.
Với trẻ đang bú mẹ, người mẹ cần thực hiện việc duy trì nuôi con bằng sữa mẹ. Bữa ăn của trẻ cần đảm bảo đủ số bữa và chất lượng bữa ăn. Với trẻ ăn dặm, cần tìm kiếm, lựa chọn các thực phẩm an toàn và phù hợp cho việc ăn bổ sung cùng với các điều kiện để có thể chuẩn bị bữa ăn an toàn. Đảm bảo trẻ ăn đủ số lượng, đủ số lần theo độ tuổi của trẻ và đa dạng thực phẩm.
Với người đang mắc các bệnh mạn tính không lây nhiễm, cần duy trì thuốc điều trị và chế độ ăn theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Ăn đủ bữa và kiểm soát các yếu tố nguy cơ…
Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh sau mưa bão, theo ThS.BS. Nguyễn Văn Tiến, ngay sau khi nước rút, cần nhanh chóng khôi phục lại sản xuất, lựa chọn các cây con giống ngắn ngày, phát triển mô hình trồng trọt và chăn nuôi (VAC) để có nguồn thực phẩm tại chỗ an toàn, giàu dinh dưỡng giúp cải thiện chất lượng bữa ăn của bà mẹ, trẻ em và gia đình như các loại rau, hoa quả có giá trị dinh dưỡng cao (rau dền, rau đậu, cà rốt, chuối, đu đủ, bầu bí, trái cây có múi…) hay trứng, cá, thịt.
Sau bão lũ, để phòng tránh bệnh dịch, người dân nên thực hiện ăn chín uống sôi. Không sử dụng các thực phẩm bị ngập nước, nảy mầm, nấm mốc, thịt gia súc gia cầm bị chết… Sử dụng tối ưu tất cả nguồn nước và các phương tiện vệ sinh được cấp và thực hành vệ sinh an toàn. Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm và 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý.
Theo Sức khỏe đời sống