Sau khi Trung Quốc ra quyết định cấm vận ba nhà máy đóng gói lớn cùng hàng loạt các cuộc kiểm tra nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan qua đường thực phẩm, ngành công nghiệp tôm của Ecuador đã xuất khẩu sản phẩm sang thị trường lớn thứ hai là Mỹ.
“Tháng trước giá tôm loại 21-25 con/kg là 3,6 USD/pound, tuy nhiên tháng này chỉ còn 3,15 USD/pound. Thậm chí giá tôm sẽ còn thấp hơn nữa nếu Trung Quốc tiếp tục tạo áp lực” một công ty nhập khẩu lớn tại bờ biển phía Đông trả lời phỏng vấn tờ Undercurrent News.
Nhiều nhà nhập khẩu lớn được cho là đang đàm phán lại giá ngay cả khi tôm đang trong quá trình vận chuyển và các nhà hàng đang cố gắng trả lại sản phẩm đã mua vì lo ngại rằng giá trị hàng hoá giảm so với những gì giao dịch trước đó.
Đại diện một nhà nhập khẩu lớn có hoạt động tại cả bờ biển phía Đông và phía Tây cho hay những nỗ lực xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ của Ecuador cũng đặt áp lực lên giá tôm từ các nước xuất khẩu khác.
“Tôm bỏ đầu, nguyên vỏ loại 21-25 con/kg được Ấn Độ chào hàng với mức giá 3,4 USD đến 3,5 USD/pound”.
“Chúng tôi trả 3,1 USD/pound cho tôm Ecuador, giảm 20 đến 30 cent so với giá trước đó. Cùng một loại nhưng tôm Ấn Độ mất 45 đến 60 ngày để vận chuyển trong khi tôm Ecuador chỉ mất khoảng 20 ngày”, nhà nhập khẩu này cho biết.
Ông này cũng cho hay, một số công ty xuất khẩu của Ecuador đang đề nghị mức giá cao hơn, nhưng vẫn bán với giá thấp với ở các thị trường khác.
Trong khi đó, các công ty xuất khẩu ở Ấn Độ bắt đầu giảm giá tôm, tuy nhiên một vài loại tôm vẫn ở mức cao.
Tuy nhiên nguồn tin khác cho hay: “Ấn Độ hiện vẫn còn rất nhiều tôm tồn kho trong khi vài tuần tới là đến mùa thu hoạch mới”.
Thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của Ecuador
Tình hình ngành tôm của Ecuador trở nên trầm trọng hơn kể từ ngày 10/7 khi mà chính quyền Trung Quốc thông báo sẽ kiểm duyệt nghiêm ngặt giấy phép xuất khẩu của ba công ty lớn tại Ecuador là Santa Priscila, Empacadora Del Pacifico Sociedad Anonima Edpacif và Empacreci sau khi có báo cho rằng tìm thấy dấu hiệu của virus COVID-19 trên bao bì sản phẩm của 5 thùng tôm nhập khẩu vào Trung Quốc một tuần trước đó.
Ba công ty này được cho biết chiếm 1/4 tổng sản lượng tôm xuất khẩu của Ecuador.
Chính quyền Trung Quốc cũng cho biết ba mẫu virus được tìm thấy trên bao bì từ công ty Empacreci và hai mẫu từ công ty Edpacif.
Một mẫu virus được phát hiện bên trong thành của container vận chuyển tôm của công ty Santa Priscila.
Theo Undercurrent, vào ngày 15/7 biệt đội phòng chống COVID-19 ở tỉnh Trùng Khánh báo cáo đã phát hiện một mẫu virus được tìm thấy bên ngoài bao bì đóng gói tôm Ecuador được chứa trong một kho đông lạnh tại tỉnh này.
Sau đó một loạt các báo cáo chỉ ra điều tương tự tại các tỉnh An Huy, Vân Nam của Trung Quốc.
Mặc dù những công ty này của Ecuador không nằm trong danh sách cấm vận xuất khẩu tôm sang Trung Quốc, hàng hoá của họ vẫn bị giữ lại một đến hai tuần để tiến hành thêm các kiểm nghiệm.
Không thể chắc chắn chính xác số lượng tôm Ecuador đang được lưu trữ trên các cảng hoặc trên biển.
Số lượng có thể rất lớn bởi việc vận chuyển bị chậm trễ từ hai tuần cho đến một tháng.
Nếu sản lượng tôm đang lưu trữ tương đương với sản lượng tôm xuất khẩu sang Trung Quốc vào tháng 5 thì con số này lên tới 52.670 tấn tương đương với 281 triệu USD.
Số lượng tôm này chiếm 73% tổng sản lượng 72.187 tấn và chiếm 72% trong 392 triệu USD giá trị xuất khẩu bởi Ecuador trong tháng.
Trong khi đó số tôm xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 5 chỉ là 8.559 tấn tương đương 47 triệu USD.
Theo CNA thị trường xuất khẩu lớn thứ ba và thứ tư của Ecuador là Pháp và Tây Ban Nha.
Tháng 5, sản lượng tôm xuất sang Pháp là 2.910 tấn tương đương 16 triệu USD trong khi xuất sang Tây Ban Nha là 2.062 tấn tương đương 11 triệu USD.
Ấn Độ luôn là nguồn cung tôm lớn nhất của Mỹ, chiếm 40% tổng sản lượng tôm nhập khẩu của nước này, trong khi Indonesia và Ecuador lần lượt là nguồn cung lớn thứ hai và thứ ba.
Tuy nhiên trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát hồi tháng 5, Indonesia trở thành nước xuất khẩu tôm lớn nhất của Mỹ, với sản lượng tôm xuất khẩu là 13.006 tấn tương đương 111,4 triệu USD.
Thời gian này không thích hợp để nắm bắt cơ hội
Các nhà hàng trên khắp nước Mỹ vẫn đóng cửa do sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 khiến các công ty không sẵn sàng nhập khẩu tôm.
Thậm chí chính quyền bang California, nền kinh tế lớn thứ năm toàn cầu, đã ra lệnh đóng cửa gần 90 nghìn nhà hàng trên toàn bang.
Lệnh đóng cửa này ngay lập tức có hiệu lực và chỉ ảnh hưởng đến một số hạt nhất định.
Lệnh đóng cửa được dự kiến kéo dài ít nhất ba tuần và chỉ cho phép các nhà hàng ở hầu hết các hạt (trừ Alameda) cung cấp bữa ăn ngoài trời cũng như là mang đi và giao hàng tận nhà.
Do sự tụt giảm doanh thu từ các nhà hàng, nhiều nhà xuất khẩu tôm, trong đó có Ecuador đã dần chuyển sang chế biến tôm không đầu, đóng gói để chuyển tới các đại lí bán lẻ.
Đây là một công việc khó khăn và gần như không thể để chế biến 5 pound tôm đông lạnh đã được chuẩn bị cho dịch vụ thực phẩm thành túi 1-2 pound tôm đã bóc vỏ phục vụ bán lẻ.
Một khó khăn nữa mà Ấn Độ và Ecuador đang phải đối mặt là vấn đề lao động, mặc dù lực lượng lao động tại Ecuador đã gần như phục hồi.
Việc ngành tôm Ecuador tiếp cận thị trường Mỹ đem lại kết quả không mấy khả quan bởi nhiều nhà hàng ở Mỹ vẫn tiếp tục đóng cửa.
Ngay khi có báo cáo đầu tiên phát hiện mẫu virus dương tính với COVID-19 trên bao bì đóng gói tôm xuất sang Trung Quốc, Ecuador đã có những hành động tích cực nhằm xoa dịu tình hình.
Theo CNA, ba công ty xuất khẩu của Ecuador ngay lập tức đóng cửa các nhà máy chế biến để khử trùng và tiến hành xét nghiệm đối với toàn bộ công nhân.
Tổng thống Ecuador Lenin Moreno đầu tuần này đã gửi một bức thư tới chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ mong muốn Trung Quốc xem xét lại lệnh cấm vận các nhà máy chế biến tôm của nước này.
Ông Moreno đảm bảo ngành tôm nước này sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ các nhà máy đóng gói có trụ sở tại Guayaquil.
CNA cũng đứng lên phản đối những cáo buộc từ phía chính quyền Trung Quốc, cho rằng virus trên bao bì có nguồn gốc từ bên ngoài khi mà sản phẩm phải trải qua nhiều quy trình vận chuyển.
Cơ quan này cũng nhấn mạnh rằng những gì tìm thấy được chỉ là phần tế bào chết không có khả năng lây nhiễm từ virus.
CNA cũng trích lời của Bo Kexing, giám đốc phòng an ninh lương thực của tổng cục hải quan Trung Quốc trong một cuộc họp báo vào ngày 10/7 “kết quả có virus trên bao bì không có nghĩa là virus sẽ dễ dàng lây lan”.
Li Ning, phó giám đốc trung tâm phân tích rủi ro thực phẩm Trung Quốc cho biết thêm “khả năng lây nhiễm dịch qua bao bì thực phẩm là rất nhỏ”.
“Cho tới nay chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy virus có thể lây lan qua thực phẩm. Trong số 10 triệu ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu có hơn 80 nghìn ca được báo cáo ở Trung Quốc và không có ca nào nhiễm bệnh có liên quan đến bao bì thực phẩm”, theo ông Ning.
Đại diện một công ty nhập khẩu tin rằng tôm có nguồn gốc từ Ecuador an toàn đối với khách hàng, và anh ta sẵn sàng buôn bán nếu tìm kiếm đủ người mua.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng