Hiện nay, tình trạng dùng hóa chất, phụ gia cấm để sản xuất thức ăn tràn lan, đe dọa an toàn sức khỏe. Gần đây, cơ quan kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm phát hiện nhiều cơ sở bất lương đã dùng chất kích thích “siêu tốc” giúp sản xuất nhanh nhiều giá đỗ tung ra thị trường. Bài viết cung cấp một số thông tin khoa học về chất độc “thần kỳ” này…
Định danh hóa chất “thần kỳ” Benzylaminopurine
Có ba kích thích tố tự nhiên kiểm soát sự tăng trưởng và các chức năng khác của thực vật là: auxin, cytokinin và giberelin.
Chất 6-Benzylaminopurine (BAP) là chất kích thích tăng trưởng tế bào (cytokinin) thế hệ tổng hợp đầu tiên.
Benzylaminopurine kết tinh thành tinh thể hình kim, không màu, không tan trong các dung môi hữu cơ thông thường, tan trong dimethylfornamide, dimethyl sulfoxide, tan trong dung dịch nước vôi (Na2CO3).
Trên cây cỏ, benzylaminopurine có ba tác dụng (1) kích thích cây phát triển, ra nhánh, đâm chồi, (2) tăng cường ra hoa và làm trái cây to hơn nhờ kích thích phân chia tế bào, (3) Tăng đề kháng với bệnh, hạn hán, lạnh, hoặc nồng độ muối cao và (4) Do benzylaminopurine có khả năng ức chế enzyme kinase hô hấp ở thực vật nên sau thu hoạch cho phun nồng độ từ 10 đến 15 ppm, sản phẩm vẫn giữ được màu sắc và tươi xanh lâu hơn.
Điều cần lưu ý là không một kích thích tố thực vật nào được cho phép dùng cho người kể cả bôi lên da.
Chắc chắn độc cho người
Khảo sát trên động vật tại Mỹ cho thấy, 6-benzylaminopurine gây độc tính cấp: ăn vào lượng lớn 6-benzylaminopurine có thể gây tử vong; nếu tiếp xúc hít, qua da lâu dài có thể làm thai nhẹ ký, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh.
Trên cơ thể con người, nếu 6-benzylaminopurine văng vào mắt sẽ gây viêm kết mạc; dính vào da gây viêm da, làm nặng thêm bệnh lý da; nếu hít gây tổn thương phổi, viêm phổi, làm nặng thêm các bệnh phổi mãn tính như viêm phế quản mãn tính, COPD, xơ phổi….
Cấm và phạt tiền nặng, phạt hình sự
Benzylaminopurine là hóa chất tăng trưởng thực vật cấm dùng cho người. Do đó, việc sử dụng để làm phụ gia sản xuất thực phẩm là trọng tội.
Hiện nay, tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ở nước ta đang mức báo động đỏ. Theo bộ luật hình sự (BLHS) 2015 có hiệu lực từ 1.7.2016 thì tổ chức, cá nhân sử dụng chất cấm có thể bị truy tố hình sự vì hành vi cấu thành tội sử dụng chất cấm. Theo điều 190, 191, 195 và 317 của BLHS 2015 này cá nhân vi phạm các quy định về VSATTP sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng và phạt tù từ 01 đến 05 năm. Nếu vi phạm cao hơn hay tái phạm thì mức phạt sẽ còn tăng thêm nữa.
Cũng cần lưu ý, khi ngâm trực tiếp với giá đỗ, dung dịch chất tăng trưởng 6-benzylaminopurine sẽ thẩm thấu sâu vào trong thân của cọng giá. Vì chất 6-benzylaminopurine chỉ tan tốt trong dung dịch kiềm, kém tan trong nước có pH trung tính hay axit, nên giá đỗ thành phẩm dù có rửa nhiều lần với nước thông thường cũng không thể tẩy sạch được benzylaminopurine này nên dư lượng hóa chất tồn dư rất cao và ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.
TS.BS Trần Bá Thoại
Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM