Giờ mờ cửa từ 7:00 đến 22:00 hàng ngày
My Cart
0
Blog

Khai thác thủy sản nội địa toàn cầu đạt sản lượng kỷ lục hơn 12 triệu tấn

Khai thác thủy sản nội địa có điều kiện để phát triển ở khắp nơi trên thế giới. Tại một số khu vực, nghề cá nội địa là nguồn cung cấp thực phẩm thủy sản chính cho nhu cầu tiêu thụ của các quốc gia hoặc khu vực đó.

Theo Tổng Cục Thủy sản, tại những khu vực khác, mặc dù sản lượng khai thác thủy sản nội địa không lớn nhưng lại rất quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm thủy sản hàng ngày cho người dân ở đó, ví dụ như vùng nước nội địa của Sri Lanka hay Sumatra và Kalimantan ở Indonesia.

Theo số liệu do FAO tổng hợp năm 2020, sản lượng khai thác nội địa toàn cầu tăng ổn định qua các năm và đạt mức hơn 12 triệu tấn năm 2018, mức cao nhất từ trước đến nay.

Khai thác nội địa đã đóng góp ngày càng nhiều hơn vào tổng sản lượng khai thác thủy sản toàn cầu từ mức 8% vào cuối những năm 1990 lên 12,5% năm 2018 do có sự giảm sút sản lượng khai thác hải sản vào cuối thế kỷ trước.

Trung Quốc là nước đứng đầu về sản lượng khai thác nội địa, duy trì ổn định tương đối sản lượng vào khoảng 2,1 triệu tấn mỗi năm trong hơn 20 năm qua.

Tổng sản lượng khai thác nội địa trên thế giới tăng chủ yếu do sản lượng tăng của một số nước trong tốp đầu về khai thác nội địa ngoài Trung Quốc như Ấn Độ, Băng la đét, Mianma và Campuchia.

Cùng với Trung Quốc, đây là nhóm 5 nước tốp đầu về sản lượng thủy sản khai thác nội địa, chiếm tới 51% tổng sản lượng toàn cầu.

Theo nhận định của FAO, khai thác nội địa tuy phát triển rộng khắp, nhưng lại tập trung hơn so với khai thác hải sản. Tốp 16 nước có sản lượng cao nhất đã chiếm hơn 80% tổng sản lượng thủy sản khai thác nội địa toàn thế giới.

Châu Á, nơi thủy sản khai thác nội địa chiếm phần quan trọng trong cuộc sống của cộng đồng dân cư, đóng góp ổn định tới 2/3 tổng sản lượng toàn cầu từ giữa những năm 2000. Tốp 6 nước đứng đầu về sản lượng thủy sản khai thác nội địa đều thuộc về châu Á.

Châu Phi là khu vực mà nghề cá nội địa là ngành cung cấp nguồn thực phẩm quan trọng nhằm đảm bảo an ninh lương thực, nhất là đối với những nước không có biển và thu nhập thấp.

Do vậy, Đây là khu vực lớn thứ hai sau châu Á về sản lượng thủy sản khai thác nội địa, đóng góp tới 25% tổng sản lượng toàn cầu. Khu vực châu Mỹ và châu Âu chỉ đóng góp 9% vào sản lượng thủy sản khai thác nội địa toàn cầu.

Hiện nay, một số khu vực có sản lượng khai thác nội địa lớn nhất thế giới đều đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa nghiêm trọng do yếu tố môi trường cũng như sự tác động của con người.

Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động khai thác thủy sản nội địa tại hầu hết các khu vực vẫn còn nhiều hạn chế.

Nghề cá nội địa chịu tác động lớn của môi trường, điều kiện khí hậu và của chính hoạt động khai thác.

Áp lực đối với nghề cá nội địa còn phải chịu ảnh hưởng của các yếu tố khác như mật độ dân số, năng suất tự nhiên của các vùng nước cũng như các hoạt động sản xuất phụ liên quan.

Sự phụ thuộc kinh tế xã hội vào nghề cá nội địa, thiếu nguồn thực phẩm và sinh kế thay thế đối với cộng đồng dân cư cũng là yếu tố dẫn đến gia tăng áp lực lên nghề cá nội địa.

Ngoài ra, các hoạt động trong nông nghiệp (bao gồm cả thủy lợi), đô thị hóa, công nghiệp hóa đang tác động mạnh đến nguồn nước và hệ sinh thái. Do chịu ảnh hưởng từ sự tương tác của tất cả những yếu tố trên, khai thác nội địa.

Xu hướng của khai thác nội địa

Theo đánh giá của FAO, xu thế tăng liên tục sản lượng khai thác nội địa trong hơn thập kỷ qua có thể chưa chính xác vì mức tăng này chủ yếu do báo cáo đánh giá của nhiều quốc gia đang được điều chỉnh nhằm cải thiện các số liệu báo cáo, chứ không hoàn toàn do sản lượng khai thác tăng.

Các chuyên gia FAO đã nghiên cứu số liệu báo cáo của từng quốc gia trong 10 năm (2007 – 2016) theo phương pháp kiểm định Mann-Kendall với độ tin cậy lên đến 90% để xác định thực tế hơn xu hướng khai thác thủy sản nội địa toàn cầu.

Trong số 153 quốc gia có hoạt động khai thác thủy sản nội địa, có 43 quốc gia không có đầy đủ báo cáo số liệu thường niên trong 10 năm qua, nên kết quả phân tích không tính đến các quốc gia này.

43 quốc gia này chiếm 15,1% tổng sản lượng khai thác nội địa toàn cầu năm 2016 (tương đương 1.756.309 tấn).

Kết quả nghiên cứu số liệu của 110 nước còn lại cho thấy, có 37 quốc gia có xu hướng tăng sản lượng khai thác thủy sản nội địa trong thập kỷ qua.

Nhóm quốc gia này, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Indonesia, Nigeria, Liên bang Nga và Mexico có mức tăng trưởng tốt, chiếm đến 58,7% sản lượng khai thác nội địa của toàn thế giới và là nhóm có ảnh hưởng lớn đến xu hướng phát triển của nghề cá nội địa thế giới

Theo Kinh tế & Tiêu dùng