Nhờ có những điều kiện thuận lợi từ hệ sinh thái thực vật phong phú cũng như tiềm năng và lợi thế về rừng nên những năm gần đây nghề nuôi ong lấy mật ở Yên Thế đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Nuôi ong lấy mật theo hướng VietGAP đã giúp cho nhiều hộ dân nơi đây ổn định về kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, từ đó hình thành nên một số hợp tác xã chăn nuôi ong giúp nhau cùng phát triển.
Anh Cao Hải Sơn, thôn Dinh Tiến, xã Bố Hạ, huyện Yên Thế có 15 năm kinh nghiệm nuôi ong và thường xuyên duy trì từ 120 đến 150 thùng ong nội, mỗi năm khai thác được khoảng 500 lít mật. Với giá bán 170.000 đồng/lít, cộng với tiền bán ong giống và các thiết bị phụ kiện nuôi ong đi kèm anh thu về trên 250 triệu/năm.
Tuổi trẻ nhiệt huyết anh Sơn không ngại chia sẻ và giúp nhiều hộ trong vùng cùng phát triển kinh tế từ nghề nuôi ong mật. Ngoài việc tư vấn về kỹ thuật chăn nuôi ong, anh kiêm luôn cả việc cung ứng con giống và vật tư nuôi ong cho các hộ có nhu cầu.
Theo anh Sơn, yếu tố quyết định để nuôi ong mật cho hiệu quả kinh tế cao là nguồn ong giống. Chỉ những đàn ong thật sự khỏe mạnh mới cho năng suất và chất lượng mật cao nhất. Bên cạnh đó, vị trí đặt thùng ong cũng hết sức quan trọng bởi đây là một trong những tiêu chuẩn và điều kiện để tạo ra nguồn mật ong sạch. Vị trí đặt thùng ong cũng là yếu tố đầu tiên người nuôi ong theo hướng VietGAP phải quan tâm. Theo đó nơi đặt ong phải xa các trang trại chăn nuôi, xa các nhà máy chế biến hoa quả, nhà máy mía đường. Địa điểm nuôi ong cần đặt tại các khu vực có nhiều nguồn cung cấp mật, phấn hoa, tránh các khu vực mà nguồn cung cấp phấn hoa có nguy cơ ô nhiễm hóa chất…
Đặc biệt, nếu ong bị bệnh, anh dừng ngay việc khai thác mật, không dùng kháng sinh điều trị. Thay vào đó anh áp dụng biện pháp thủ công (dựa trên nguyên tắc đàn ong khỏe sẽ tự khỏi bệnh) để chữa. Ban đầu anh nhốt ong chúa lại trong khoảng 7-8 ngày mục đích không để ong chúa đẻ trong giai đoạn bị bệnh vì nếu đẻ trong giai đoạn này sẽ tạo ra lớp ấu trùng mang mầm bệnh. Với ong thợ, anh rút bớt cầu rồi bổ sung thêm đường làm thức ăn nhằm nâng cao sức đề kháng của đàn ong. Việc nhốt ong chúa trong khoảng 1 tuần sẽ giúp ong chúa sạch bệnh khi đó lại thả chúa và đưa cầu vào thùng.
Nuôi ong theo hướng VietGAP thì việc ghi chép sổ sách là việc không thể thiếu. Việc ghi chép sổ sách giúp quản lý đàn ong thuận tiện hơn, cũng từ đó phát hiện đàn nào bị bệnh để kịp thời xử lý tránh thiệt hại kinh tế cho gia đình.
Ngoài đặt ong nuôi đúng vị trí, anh Sơn còn lựa chọn nguồn thức ăn nuôi ong từ nguồn hoa tự nhiên. Nuôi ong cho hiệu quả kinh tế tương đối cao, song nghề nuôi ong phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nhất là phụ thuộc vào nguồn hoa. Để nâng cao hiệu quả kinh tế trong nuôi ong hàng năm vào những tháng ít hoa anh thường chuyển ong vào rừng để tận dụng hoa rừng. Việc di chuyển đàn ong tuy vất vả nhưng bù lại anh không phải nuôi ong bằng đường nên sẽ cho chất lượng mật ngon hơn.
Bên cạnh đó để chất lượng mật đạt ngon thì cần quay mật đúng thời điểm. Nếu như vào vụ, mỗi tuần quay mật một lần, còn nếu đầu hoặc cuối vụ thường để 10 -15 ngày khi đàn vít nắp khoảng 90% anh mới quay. Chính vì biết áp dụng kỹ thuật trong nuôi ong cộng thêm kinh nghiệm nhiều năm nên đàn ong của gia đình anh luôn tạo ra những giọt mật thơm ngon, chất lượng. Mật của gia đình anh Sơn sản xuất ra đến đâu đều bán hết đến đó.
Theo ông Nguyễn Văn Di – thôn Trại Nấm, xã Đồng Tiến huyện Yên Thế, thành viên Hợp tác xã Chăn nuôi ong cho biết, trên địa bàn huyện Yên Thế có rất nhiều hộ nuôi ong. Đặc biệt với các hộ nuôi nhiều thường giúp nhau về mặt kỹ thuật bằng cách thành lập hợp tác xã chăn nuôi ong. Khi thành lập hợp tác xã các thành viên dễ dàng trao đổi kinh nghiệm cũng như hỗ trợ nhau cùng phát triển. Gia đình anh Cao Hải Sơn là một trong những điển hình tiên tiến trong phong trào giúp nhau lập nghiệp.