Giờ mờ cửa từ 7:00 đến 22:00 hàng ngày
My Cart
0
Blog

Lợi ích của cỏ dại mang lại cho cây trồng và biện pháp quản lý

Giữ cỏ trong vườn là một biện pháp hữu hiệu để bảo vệ và nâng cao chất lượng đất. Trước đây, những người làm nông nghiệp luôn có quan niệm rằng cỏ dại là kẻ thù, bởi nó sẽ cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng chính. Và luôn phải vất vả để diệt cỏ bằng việc cuốc xới hay phun xịt thuốc. Nhưng quan niệm này đang dần thay đổi khi người làm vườn nhận ra những lợi ích đặc biệt mà cỏ dại mang lại cho đất trồng.

1. Cỏ dại là gì?

– Cỏ dại là những thực vật mọc ở nơi mà chúng ta không mong muốn. Thực chất, “cỏ dại” là một định nghĩa chức năng và thực vật không phải lúc nào cũng là cỏ dại. Thực vật chỉ được xem là cỏ dại khi chúng gây trở ngại cho hoạt động của con người, ví dụ như trong canh tác nông nghiệp. 

– Cùng một loại, thực vật mọc trong tự nhiên sẽ không phải là cỏ dại, mà thậm chí được xem là một loài thực vật có ích khi nó không cản trở các hoạt động khác. Trong sản xuất thông thường, nông dân thường cố gắng dọn sạch tất cả cỏ dại trên ruộng và ngày càng sử dụng nhiều thuốc diệt cỏ hơn.

– Là nông dân hữu cơ, bạn phải hiểu rõ những bất lợi của cỏ dại, nhưng cũng nhận thấy chúng có những lợi thế nhất định. Cỏ dại là một phần trong hệ thiên nhiên và nó đấu tranh để duy trì sự cân bằng. Thực tế, tất cả các yếu tố tích cực của cây phân xanh cũng có thể có ở cỏ dại. Tuy nhiên, có sự khác biệt là cỏ dại rất khó loại bỏ nếu chúng ta không cần chúng nữa.

Cỏ dại trong khu vườn cây ăn cỏ

Cỏ dại trong khu vườn cây ăn cỏ

2. Cỏ dại là một trong những chỉ số đánh giá đất

– Cỏ dại là chỉ số để đánh giá độ phì nhiêu và cấu trúc của đất. Khi điều kiện đất thuận lợi thì sự phát triển của cỏ dại mạnh hơn cây trồng chính và đó là dấu hiệu không tốt cần phải xử lý. 

– Ví dụ cỏ dại có thể tận dụng độ mặn cao nhưng cây trồng chính lại rất khó và bị ảnh hưởng xấu. Cỏ dại có thể sống sót tốt trong đất có ít chất dinh dưỡng, như loại Imperata cylindrica. Loại cỏ này vì thế là những chỉ số tốt để đánh giá độ phì nhiêu của đất.

– Sự có mặt của các loại cỏ khác cho biết mức độ rắn chắc, sự úng nước, đất chua hay có thành phần vật chất hữu cơ thấp v.v..

3. Những lợi ích cỏ dại mang lại cho khu vườn

– Che phủ, bảo vệ đất trồng, hạn chế được xói mòn rửa trôi lớp đất mặt.

– Giúp đất giữ ẩm tốt hơn, đưa được nước và dinh dưỡng vào sâu hơn, hạn chế sự bốc hơi nước khi nắng nóng.

– Rễ cỏ giúp đất tơi xốp, thoáng khí, đưa được nhiều O và CO2 vào tầng đất sâu, giúp rễ cây trồng hô hấp và hấp thu dinh dưỡng dễ dàng hơn.

– Cỏ giúp điều hòa dinh dưỡng đất, khi được cắt tỉa hay chết đi tự nhiên, cỏ trả lại dinh dưỡng cho đất. Rễ cỏ, xác cỏ khi phân hủy cải thiện lượng hữu cơ trong đất, giúp đất giàu mùn và phì nhiêu hơn.

– Giữ cỏ giúp tạo môi trường thuận lợi cho hệ sinh vật đất phát triển, hoạt động cải thiện chất lượng đất hiệu quả hơn. Giúp bảo vệ cây trồng trước sự tấn công của nấm bệnh.

– Việc che phủ mặt đất giúp hạn chế quá trình rửa trôi các kim loại kiềm cũng góp phần ổn định pH đất.

– Là nguồn phân xanh cung cấp dinh dưỡng cho các cây trồng khác.

– Một số loại cỏ có khả năng cố định nitơ tự nhiên, bổ sung đạm cho cây trồng chính và cải tạo đất trồng.

– Một số loại khác có khả năng xua đuổi tuyến trùng, côn trùng gây hại hay thu hút các loài thiên địch.

– Cỏ dại còn là nguồn thức ăn cho các loại vật nuôi và còn là những vị thuốc dùng trong đông y.

4. Những loại cỏ nên giữ trong vườn

4.1. Cỏ bản địa

– Trước hết chúng ta ưu tiên các loại cỏ bản địa mọc tự nhiên trong vườn. Mỗi vùng miền, mỗi loại đất sẽ có một loại cỏ mọc. Các loại có này sẽ xuất hiện và phát triển tùy từng nền đất. Các loại có lá dài, thân, rễ cứng như cỏ tranh, cỏ chỉ, cỏ gà,… sẽ mọc ở những vùng đất khô cứng, ít tơi xốp. Các loại cỏ lá tròn chủ yếu mọc ở những nơi đất ẩm, có độ phì cao.

– Các loại cỏ này sẽ có những đặc tính sinh trưởng phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng từng vùng miền, vậy nên khi giữ cỏ hãy ưu tiên giữ các loại cỏ bản địa.

– Bên cạnh đó có một số loại cỏ khác mà chúng ta nên phát triển trong vườn như các loại cây cỏ họ đậu, cây cỏ họ cúc, xuyến chi, yến bạch, ngũ sắc, thài lài, cỏ ba lá, cỏ sả, cỏ vetiver,… Các loại cỏ này ngoài lợi ích giúp giữ ẩm, chống xói mòn, làm tơi xốp đất, phát triển hệ sinh vật đất thì còn tăng cường lượng lớn sinh khối hữu cơ, cố định đạm sinh học, thu hút thiên địch và xua đuổi côn trùng gây hại.

4.2. Cây cỏ họ đậu (đậu đen, xanh, đậu nành, lạc dại, đậu săng, đậu mèo, muồng vàng,…)

– Các loại cây cỏ họ đậu nhờ có vi khuẩn nốt sần cộng sinh ở rễ, có khả năng cố định nitơ trong tự nhiên để bổ sung đạm cho cây trồng, đồng thời lượng sinh khối cao nên cho nguồn phân xanh rất lớn.

Cây muồng vàng

4.3. Cây cỏ họ cúc (cúc vạn thọ, hướng dương, bồ công anh,hoa sao nhái,…)

– Các loại cây cỏ họ cúc được trồng trong vườn ngoài mang lại lợi ích vè xe phủ, bảo vệ đất, bổ sung nguồn sinh khối thì còn có tác dụng thu hút thiên địch nhờ có hoa và xua đuổi côn trùng và hạn chế tuyến trùng trong đất.

Cỏ họ cúc

4.4. Lạc dại (cỏ đậu)

– Lạc dại là cây cỏ họ đậu cố định đạm có khả năng chịu hạn tốt, chịu úng cao, có thể trồng được quanh năm.  Lạc dại mọc sát mặt đất nên khả năng che phủ và giữ ẩm cho đất rất tốt. Đồng thời còn là ký sinh chủ của rệp sáp, giúp chia sẻ áp lực cho cây trồng chính.

4.5. Cỏ thài lài (rau trai)

– Loài cỏ này mọc phổ biến ở miệt vườn, phát triển nhanh nên rất thích hợp để trồng trong vườn. Cỏ thài lài thường mọc lan trên mặt đất, do đó có khả năng che phủ và giữ ẩm rất lớn. Đây còn là một loại dược liệu và là nguồn thức ăn cho các loại gia súc và gia cầm.

4.6. Xuyến chi (đơn buốt)

– Là một loài cây cỏ bụi  mọc ở các vùng đồng cỏ, đất hoang. Cây xuyến chi phân bố đều khắp các vùng ấm trên thế giới. Ở nước ta, xuyến chi phân bố khắp các tỉnh thành ở những bãi đất trống, ven đường, ven mương, đồng cỏ.

Cỏ xuyến chi

– Cũng như các loại cây cỏ khác, xuyến chi giúp đất giữ ẩm, tơi xốp, khi cắt tỉa bổ sung nguồn hữu cơ cho đất, đặc biệt là thu hút các loài côn trùng như ong bướm. Và còn là một trong những vị thuốc dân gian được dùng nhiều. Do đó, xuyến chi rất thích hợp khi giữ trong vườn.

4.7. Cỏ sả

Cỏ sả là loại cỏ có nhiều đặc tính quý: sinh trưởng mạnh, năng suất cao, khả năng chịu hạn, chịu nóng và chịu bóng cây tốt, dễ trồng. Bên cạnh là nguồn thức ăn cho chăn nuôi, có sả còn có tác dụng che phủ giữ ẩm, cung cấp một lượng sinh khối lớn nên rất thích hợp trồng xen trong các vườn cây ăn trái, cây công nghiệp.

4.8. Cỏ Vetiver

– Cỏ Vetiver được xem là một loại cỏ độc đáo, đa dụng. Cỏ thích ứng tốt với nhiều điều kiện thời tiết và đất đai khác nhau, lại rất an toàn với môi trường tự nhiên.

– Cỏ Vetiver có rễ ăn sâu, gắn kết chặt với đất, chịu được ngập úng. Rễ mọc theo chiều thẳng đứng, ăn sâu không ăn ngang nên không cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng chính. Nhờ thân cỏ cứng cáp mà chống chịu được các dòng chảy mạnh, do đó ngăn xói mòn rất lớn. Cỏ Vetiver còn là ký sinh chủ của rệp sáp, nên khi xen canh trong vườn, cỏ thu hút rệp sáp để hạn chế sự xâm hại với các cây khác trong vườn. Đây còn là nguồn sinh khối rất lớn, khi được cắt tỉa phủ mặt

Cỏ Vetiver

– Ngoài ra còn một số loại cây cỏ thích hợp để trồng trong vườn khác như sài đất, sao nhái, linh lăng, cỏ hôi, sâm đất, bồ ngót nhật…

5. Cách quản lý cỏ đúng

– Giữ cỏ trong vườn mang đến nhiều lợi ích, nhưng chúng ta cũng cần biết quản lý cỏ đúng cách. Dưới đây là những lưu ý khi giữ cỏ:

– Cũng như các loại cây trồng khác trong vườn, cỏ cũng cần được chăm sóc, tưới tiêu.

– Đối với các vườn cây mới trồng, không để cỏ sát gốc, dùng các vật liệu hữu cơ che phủ.

– Không sử dụng thuốc diệt cỏ để diệt các loại cỏ dại không mong muốn, chỉ nhổ bỏ và trồng xen các loại cây cỏ khác để cạnh tranh thay thế, sau một thời gian những loại cỏ đó sẽ tự động mất đi.

Quản lý cỏ đúng cách

Quản lý cỏ đúng cách

– Cắt tỉa:

+ Chỉ cắt cỏ khi chúng mọc quá cao, không cắt khi mùa nắng hạn, chỉ cần cắt từ 2-3 lần trong mùa mưa.

+ Không đánh bật gốc hay cắt sát mặt đất, cắt cỏ cách mặt đất từ 10 -15cm để cỏ nhanh sinh khối trở lại.

+ Đối với các loại cây cỏ có hoa chỉ cắt khi hoa tàn, hạt đã đổ xuống.

+Khi cắt xong, không vứt bỏ mà phủ ngay xuống mặt đất trồng để che phủ và bổ sung sinh khối hữu cơ cho đất.

– Để hạn chế công cắt cỏ có thể trồng các loại cỏ bụi thấp, mọc sát mặt đất như lạc dại, rau trai. Nhưng vẫn ưu tiên các loại cỏ phát triển nhanh, sinh khối nhiều bởi lượng mùn hữu cơ sau khi cỏ phân hủy lớn giúp đất càng màu mỡ, giữ ẩm càng tốt.