Giờ mờ cửa từ 7:00 đến 22:00 hàng ngày
My Cart
0
Blog

Nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam – Mỹ

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, tuy thời gian thực hiện chưa nhiều và trong bối cảnh dịch COVID-19, nhưng các doanh nghiệp đã rất nỗ lực thực hiện cam kết, nâng cao kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ.

Chiều 14/9, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp thúc đẩy nhập khẩu nông sản từ Mỹ.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, tuy thời gian thực hiện chưa nhiều và trong bối cảnh dịch COVID-19, nhưng các doanh nghiệp đã rất nỗ lực thực hiện cam kết, nâng cao kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ.

Bên cạnh đó, dịch tả heo châu Phi cũng tác động đến phát triển chăn nuôi ở Việt Nam, nên nhu cầu về nguyên liệu thức ăn bị hạn chế. Tuy nhiên, chăn nuôi heo đang phục hồi nên dự báo nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm này sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Việt Nam không có lợi thế sản xuất ngô, đậu tương… và không sản xuất được lúa mỳ nên nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm này rất lớn, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho hay.

Mỹ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Giá trị thương mại hai chiều, đặc biệt là thương mại nông sản tăng trưởng liên tục trong những năm qua, đạt khoảng 30%.

Trong 7 tháng năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy  giữa hai nước đạt 7,53 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kì năm 2019.

Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ các sản phẩm chính như: gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, hạt điều, cà phê, cao su, rau quả…

Việt Nam cũng nhập khẩu từ Mỹ các mặt hàng nông sản chính như: thức ăn gia súc và nguyên liệu; đậu tương, gỗ và sản phẩm gỗ; rau quả; sữa và sản phẩm sữa; lúa mỳ, bông…

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để duy trì và phát triển quan hệ thương mại với Mỹ trong lĩnh vực nông nghiệp, các cơ quan của Bộ Nông nghiệp hai nước đã hợp tác chặt chẽ giải quyết quyết nhiều yêu cầu về tiếp cận thị trường, xử lí các vấn đề liên quan đến SPS trong khuôn khổ Kế Hoạch hành động hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững với Mỹ.

Nhằm thúc đẩy nông sản Mỹ sang Việt Nam, 9 nhóm hàng nông sản được giảm thuế như lúa mì từ 5% xuống 3%; táo, nho tươi từ 10% xuống 8%; hạnh nhân từ 15% xuống 10%; óc chó từ 10% xuống 8%; thịt heo từ 25% xuống 22%; sản phẩm sữa có mức giảm thuế tùy loại…

Đại diện Tham tán thương mại Mỹ tại Việt Nam đánh giá cao việc triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam.

Điển hình là một số hoạt động thành công như: việc mở cửa thị trường cho một số sản phẩm trái cây của Mỹ; xem xét và chấp thuận nhanh chóng các doanh nhập khẩu thịt vào Việt Nam, đặc biệt là kết nối với các nhà xuất khẩu của Mỹ; tích cực tiếp thu các góp ý của Mỹ về các quy chuẩn về an toàn của Việt Nam…

Sự thành công trên là sự nỗ lực hợp tác của các cơ quan chức năng giữa hai nước.

Với những khó khăn của doanh nghiệp phản ảnh, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết, Bộ Nông nghiệp và  Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chuyên ngành phía Mỹ để những thủ tục về kiểm dịch hai bên ngày càng thông thoáng và theo đúng thông lệ quốc tế.

Đồng thời, hai bên đang tích cực mở cửa thị trường cho các sản phẩm như: quả hạch, hạnh nhân, bưởi chùm từ phía Mỹ sang Việt Nam và tương tự Việt Nam cũng đề nghị mở cửa đối với quả bưởi của Việt Nam vào thị trường này thời gian tới.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng