Nhờ việc tập trung sản xuất nhãn chín sớm theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đã tạo ra sản phẩm nhãn có chất lượng cao, được thu mua tại vườn với giá 60.000 đồng/kg.
Khoảng 2 tháng nữa nhãn chính vụ mới cho thu hoạch, nhưng tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La những ngày này, nhiều hộ dân đã bắt đầu thu hoạch nhãn chín sớm. Đây là thành quả của người nông dân, khi ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, điều khiển nhãn ra hoa, đậu quả trước thời vụ.
Bản Huổi Bó, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã (Sơn La) những ngày này sôi động rộn ràng, khi các hộ dân tất bật thu hái những chùm nhãn chín sớm, căng mọng, sai trĩu cành. Anh Lường Văn Mười, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười cho hay, HTX có khoảng 30 ha trồng nhãn miền, mỗi năm cho sản lượng từ 230 – 270 tấn, đến chính vụ thường bán được giá từ 10.000 – 15.000 đồng/kg.
2 năm trước, anh Mười cùng các xã viên mạnh dạn mua giống về ghép thử nghiệm nhãn chín sớm, thấy hiệu quả nên từng bước mở rộng thêm. Từ sự quyết tâm của các xã viên, đến nay HTX đã có 10 ha nhãn chín sớm, trong đó hơn 1 ha đã cho thu hoạch. Nhãn chín sớm có chất lượng cao, được thu mua tại vườn với giá 60.000 đồng/kg.
“Thời điểm này có thể khẳng định HTX đã thành công với mô hình nhãn chín sớm. Đặc biệt năm nay, Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 được tổ chức tại Sơn La là cơ hội để HTX mang sản phẩm đến trưng bày, quảng bá đến các thương lái, cũng như là các công ty, doanh nghiệp và các đối tác nước ngoài để hướng sản phẩm đến xuất khẩu lâu dài”, anh Mười chia sẻ.
Anh Mười cũng cho biết, để có được sản phẩm nhãn chín sớm, người nông dân phải thực hiện kỹ thuật chăm sóc nghiêm ngặt, tốn nhiều công sức và phải đúng thời kỳ, thời điểm. Sau khi thu hoạch, phải theo dõi sát sao sự phát triển của cây nhãn và căn cứ vào thời tiết để xác định thời điểm tác động; thường từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 hàng năm người trồng đầu khoanh cành, kích thích cho cây ra hoa; đến khi vỏ cây nhãn liền phải tiến hành tưới nước đầy đủ để thường xuyên duy trì độ ẩm và bón phân, đảm bảo dinh dưỡng cho cây nhãn.
“Băn khoăn đầu tiên đồi với bản thân cũng như các xã viên đó là nhãn đang được thu hoạch ổn định, tự dưng cắt bỏ khiến nhãn mất 2 vụ không được thu hoạch. Nhưng với sự bàn bạc kỹ lưỡng và quyết tâm, đến nay HTX đã thành công, nhãn chín sớm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”, anh Mười thừa nhận thành công.
Tại gian hàng trưng bày của huyện Sông Mã ở Festival trái cây và các sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022, diễn ra ở thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cuối tháng 5 này, những chùm nhãn chín sớm căng mọng, ngọt lịm đã thu hút sự chú ý của du khách gần xa.
“Khi ăn thử nhãn trái vụ của huyện Sông Mã mình thấy rất ngon, mẫu mã nhãn nhìn đẹp mắt và chất lượng khác biệt. Nhiều người mong muốn sau này được biết kinh nghiệm trồng và chăm sóc nhãn từ HTX ở Sông Mã, áp dụng đưa vào từng địa phương đang sản xuất để có năng suất cao hơn, mang lại thu nhập tốt hơn”, anh Lường Văn Phóng ở huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ.
Huyện Sông Mã hiện có hơn 7.500 ha diện tích trồng nhãn, trong đó có khoảng 300 ha nhãn chín sớm, tập trung ở các xã Chiềng Khoong, Chiềng Khương và Nà Nghịu… Nhãn chín sớm ở Sông Mã chủ yếu do hộ nông dân, HTX tự làm.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sông Mã cho biết, sản phẩm nhãn chín sớm có giá cao gấp 2 -3 lần nhãn chính vụ. Hiện Phòng đang tích cực phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Viện Nghiên cứu rau quả khuyến khích và hướng dẫn người nông dân ghép nhãn chín sớm trên các giống nhãn T6, nhãn Ánh Vàng… để thực hiện rải vụ, nâng cao thu nhập cho người trồng nhãn. Toàn huyện phấn đấu đến năm 2030 có gần 1.000 ha nhãn chín sớm.
“Hiện nay nhãn Sông Mã đã được các thương lái, thương nhân cũng như các bạn hàng quốc tế biết đến, cũng đã có những đơn hàng ký kết với HTX Hoa Mười và một số HTX trên địa bàn Sông Mã. Đây là những triển vọng của sản phẩm nhãn Sông Mã sẽ được bạn hàng tiếp nhận, tiêu thụ, giúp người dân yên tâm trong sản xuất bền vững”, ông Hải khẳng định.
Không chỉ cho năng suất cao, nhãn chín sớm ở Sông Mã còn có chất lượng thơm ngon, mẫu mã đẹp, được nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh đặt mua. Tuy nhiên, để nâng tầm giá trị và phát triển bền vững nhãn Sông Mã, rất cần sự quan tâm vào cuộc của các ngành chức năng trong chuyển giao kỹ thuật cấy ghép, chăm sóc cây nhãn, nhất là nhãn chín sớm. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến thương mại… làm sao để thương hiệu nhãn Sông Mã ngày càng vươn xa, mang lại thu nhập cao cho những người trồng nhãn./.