Nhu cầu mua gạo từ khách hàng Philippines tăng cao cùng với nguồn cung trong nước hạn hẹp, đang đẩy giá gạo trong nước tăng khá mạnh.
Thông thường, vào tháng 9 và tháng 10 hàng năm là thời gian thu hoạch lúa của nông dân Philippines, để hỗ trợ người nông dân chính phủ nước này đã ra lệnh cấm nhập khẩu gạo
Năm nay, nhu cầu nhập khẩu gạo đến từ Philippines
Tuy nhiên, thời gian gần đây Philippines liên tục hứng chịu nhiều trận bão lớn khiến ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng không nhỏ làm cho lương thực ở Philippines bị thiếu hụt. Theo thông tin từ các doanh nghiệp Philippines từ nay đến cuối năm họ sẽ đẩy mạnh nhập khẩu gạo từ Việt Nam để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho biết giá gạo trên thị trường lên rất cao, hiện công ty Việt Hưng đang bán ra gạo DT8 loại 5% tấm với giá khoảng 590 USD/tấn, cao hơn 30 USD/ tấn so với trước đây vài tuần.
Nguyên nhân giá gạo trên thị trường tăng cao là do thời gian gần đây thời tiết diễn biến bất lợi, tiến độ thu hoạch lúa của bà con nông dân bị chậm khiến lượng lúa gạo hàng hóa trên thị trường trở nên khan hiếm, trong khi đó khách hàng Philippines đang có nhu cầu nhập khẩu gạo. Chính vì vậy mà giá gạo được đẩy lên liên tục. Với giá lúa gạo cao như hiện nay chỉ có một số doanh nghiệp do kẹt các hợp đồng đến thời hạn giao hàng nên phải mua.
Mặc dú giá lúa gạo đang tăng nhưng giao dịch khá trầm lắng vì người mua đang tỏ thái độ “dè dặt” còn người bán thì cũng “nhìn trước ngó sau”.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng
“Hiện nay khách hàng Philippines đang tiếp xúc với các doanh nghiệp Việt Nam để tìm mua gạo. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Philipines vẫn còn lượng quota cũ cũng đang đẩy mạnh mua gạo trở lại để thực hiện hết hạn ngạch của năm 2020. Và khi mua hết quota năm 2020 họ sẽ tiếp tục nhập khẩu gạo theo quota của năm 2021. Dự báo thị trường lúa gạo từ nay đến cuối năm và cả vụ Đông Xuân 2021 vẫn còn tốt. Mặc dú giá lúa gạo đang tăng nhưng giao dịch khá trầm lắng vì người mua đang tỏ thái độ “dè dặt” còn người bán thì cũng “nhìn trước ngó sau”, ông Đôn cho hay.
Vẫn theo ông Đôn, trên thị trường gạo đang xảy ra những nghịch lý mà mọi người không thể lý giải được. Đó là, trước đây ngành nông nghiệp kêu gọi bà con nông dân giảm diện tích trồng lúa IR 50404, vì chất lượng gạo thấp bạc bụng, cứng cơm nên giá bán luôn thấp nhưng bây giờ loại gạo này trên thị trường đang hút hàng nên giá bán cao hơn gạo thơm OM 5451.
Cụ thể: gạo IR 50404 loại 5% tấm đang có giá 11.000 đ/kg, giá xuất khẩu là 11.800 đ/kg, tương đương 500 USD/tấn. Giá cao nhưng trên thị trường lại rất hiếm hàng trước tình hình này khách hàng tỏ ra thận trọng chưa ai muốn chốt đơn hàng!
“Gạo IR 50504 chủ yếu là mua bán nội địa và được Cục dự trữ Quốc gia thu mua để dự trữ, đối tượng khách hàng thứ hai là bên quân đội, họ mua gạo này để dùng các đơn vị chứ trên thị trường thì gạo IR 50404 rất khó bán do chất lượng gạo không cao, cứng cơm không được người tiêu dùng lựa chọn”, ông Đôn nói.
Người mua sợ giá sẽ sụt,người bán thì sợ giá sẽ tăng
Có nhiều chỉ dấu cho thấy từ nay cuối năm 2020 thị trường sẽ rất tốt, giá lúa gạo vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao. Nhưng giá cao quá thì thị trường cũng khó mua khó bán. Đây sẽ là một bất lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, nếu giá lúa gạo ở trong trạng thái phải mua, vừa bán sẽ dễ cho doanh nghiệp hơn, chính vì giá lúa gạo đang cao nên xảy ra yếu tố tâm lý là “người mua sợ giá sẽ sụt còn người bán thì sợ giá sẽ tăng thêm nữa”.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Intimex Group cho biết thị trường lúa gạo đang rất sôi động và giá gạo của Việt Nam đang tăng cao, nguyên nhân là do doanh nghiệp đã ký bán nhiều hợp đồng đến thời điểm hàng giao, nhưng bây giờ nguồn cung trong nước đang cạn kiệt.
Bên cạnh đó, nhu cầu cũng đến từ các khách hàng Philippines, dù chưa cấp được quota năm 2021 nhưng nhiều doanh nghiệp Philippines vẫn tìm kiếm nguồn hàng chuẩn bị cho quota mới được dự kiến sẽ được thực hiện vào cuối tháng 11 hay đầu tháng 12/2020.
Lâu nay, Intimex với chủ trương mua trước bán sau nhưng bây giờ tình hình mua hàng rất khó nên cuối cùng là mua đâu bán đó, bán xong rồi mới dám đi mua chứ không dám mua trước bán sau nữa!
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Intimex Group
“Mang tâm trạng sợ thị trường Việt Nam hết hàng nên các doanh nghiệp Philippines tranh thủ mua gạo trước khi có quota năm mới nên đẩy giá gạo trên thị trường tăng cao. Giá gạo Việt Nam tăng chủ yếu đến từ khách hàng Philippines, nếu họ ngừng mua thì giá gạo sẽ đứng lại và thị trường sẽ bớt sôi động. Lâu nay, Intimex với chủ trương mua trước bán sau nhưng bây giờ tình hình mua hàng rất khó nên cuối cùng là mua đâu bán đó, bán xong rồi mới dám đi mua chứ không dám mua trước bán sau nữa!”, ông Nam chia sẻ.
Do nhu cầu nhập khẩu gạo từ các nước tăng mạnh nên cả năm 2020, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn ở mức tốt hơn các năm trước, nhưng có khả năng lượng gạo xuất khẩu năm nay sẽ giảm so với năm 2019 khoảng vài phần trăm.
Lượng gạo sụt giảm không phải do diện tích sản xuất giảm mà do nguồn lúa của nông dân Việt Nam sống cập biên giới Campuchia sang đây thuê đất trồng lúa với sản lượng ước khoảng 1 – 1,5 triệu tấn/năm, và năm nay do dịch bệnh Covid-19 xảy ra, biên giới Việt Nam – Campuchia đóng cửa bà con không thể đưa lúa về Việt Nam được!
Theo Bizlive