Giờ mờ cửa từ 7:00 đến 22:00 hàng ngày
My Cart
0
Blog

Sau khi chạm đáy 10 năm, giá cà phê quay đầu tăng giá

Tuy vậy, dự kiến thị trường cà phê toàn cầu dư thừa niên vụ 2019 – 2020 nên giá khó tăng cao.

Sau khi chạm mức giá đáy 10 năm (30.300 đồng/kg) hồi đầu tháng 5/2020, ngày 9/6/2020 giá cà phê nhân xô tại các vùng trọng điểm Tây Nguyên tiếp tục đà tăng và chạm ngưỡng 33.000 đồng/kg, cao hơn 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2019.

Giá cà phê trong nước tăng theo giá thế giới

Sáng ngày 9/6, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên và miền Nam tăng thêm 200 đồng/kg dao động từ 32.100 – 32.900 đồng/kg.

Cụ thể, giá cà phê hôm nay Bảo Lộc (Lâm Đồng) ở mức 32.100 đồng/kg, giá cà phê tại Di Linh, Lâm Hà đi ngang ở mức 32.000 đồng/kg.

Tại huyện Cư M’gar, Ea H’leo, Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê dao động quanh mức 32.900 đồng/kg. Trong khi đó, giá cà phê tại Gia Lai (Chư Prông, Pleiku và Ia Grai) bán ra ở mức 32.500 đồng/kg. Tại Đắk Nông giao dịch ở mức 32.500 đồng/kg. Tại TP.HCM giá cà phê R1 giao tại cảng ở ngưỡng 34.000 đồng/kg.

Cùng ngày, giá cà phê thị trường thế giới tăng sốc. Giá cà phê Robusta tại London giao tháng 7/2020 tăng 17 USD/tấn (mức tăng 1,38%) giao dịch ở mức 1.250 USD/tấn. Tồn kho cà phê Robusta đạt chuẩn để được đấu giá trên sàn London đến cuối tuần trước chỉ còn quanh 120.000 tấn, là mức thấp nhất tính từ một năm nay là nguyên nhân khiến sàn London tăng mạnh. Trong khi tại New York, giá cà phê Arabica tháng 5/2020 đi ngang ở mức 98,90 cent/lb.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, ước tính xuất khẩu cà phê tháng 5/2020 đạt 130 nghìn tấn, trị giá 218 triệu USD, giảm 21,6% về lượng và giảm 21,9% về trị giá so với tháng 4/2020.

Theo ước tính, xuất khẩu cà phê tháng 5/2020 đạt 130 nghìn tấn, trị giá 218 triệu USD, giảm 21,6% về lượng và giảm 21,9% về trị giá so với tháng 4/2020, giảm 10,4% về lượng và giảm 8,2% về trị giá so với tháng 5/2019. Giá xuất khẩu cà phê bình quân trong tháng 5/2020 đạt mức 1.680 USD/tấn, giảm 0,4% so với tháng 4/2020, nhưng tăng 2,4% so với tháng 5/2019.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cà phê ước đạt 813 nghìn tấn, trị giá 1,367 tỷ USD, tăng 4,7% về lượng và tăng 2,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá xuất khẩu cà phê bình quân trong 5 tháng qua đạt mức 1.682 USD/tấn, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Nới lỏng giãn cách đẩy nhu cầu cà phê tăng

Hiện các tiệm cà phê tại Pháp và một số nước châu Âu đã được phép mở cửa lại trong tuần trước dù chịu quy định khách phải ngồi cách nhau 1m. Đối với người dân Pháp, tiệm cà phê là một trong những nơi thân thiết, là chỗ thuận lợi để giữ gìn và tạo mới quan hệ.

Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Cà cao Việt Nam (Vicofa), thời gian gần đây giá cà phê trong nước và trên thế giới tăng nhờ nhiều nước nới lỏng hoặc dỡ bỏ cách ly nên các quán cà phê được mở cửa trở lại, nhưng phải mất ít nhất từ 2 đến 3 tháng mọi hoạt động mới có thể trở lại bình thường.

“Dự báo xuất khẩu cà phê trong quý II/2020 có thể sẽ vẫn tương đương hoặc tăng nhẹ so với quý I, chỉ khi mọi nào hoạt động xã hội trở lại bình thường thì nhu cầu sẽ tăng mạnh”, ông Tự cho biết.

Trên thị trường thế giới, giá Arabica kỳ hạn tháng 7 không đổi ở 98,90 US cent/lb; trong khi giá Robusta giao cùng kỳ hạn cộng thêm 17 cent, tương đương 1,38% lên ở 1.250 US cent/lb.

Theo một chuyên gia, giá cà phê Robusta tăng tốc do giá vàng chững lại, báo hiệu các thị trường hàng hóa nông sản bắt đầu khởi sắc trở lại sau đại dịch Covid-19 và mặt hàng cà phê được lựa chọn nhờ có tính thanh khoản cao. Nhưng cần lưu ý là sức tăng trên sàn London vẫn bị tác động tiêu cực từ sàn New York níu kéo, khi Brasil mạnh tay bán hàng vụ mới “được mùa” và tỷ giá đồng Reais đang ở mức có lợi.

“Tháng 4 và tháng 5 là hai tháng đỉnh điểm của dịch Covid-19, khiến việc cung ứng hàng hóa nguyên liệu trên toàn cầu gần như bị đình trệ do thực hiện giãn cách xã hội. Đó chính là nguyên nhân kéo giá cà phê trong nước chạm đáy 10 năm hồi đầu tháng 5”, chuyên gia này nói.

Theo Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia (NCIF), đến đầu tuần này, giá cà phê trong nước giao dịch trên mức 32 triệu đồng/tấn. Nếu như đà tăng trên sàn London vẫn tiếp tục trong tuần này, lực chốt giá các hợp đồng xuất khẩu có thể tăng mạnh. Điều này có thể làm chùng bước tăng cho sàn London.

Dù sao, người kinh doanh cà phê thực ngoài thị trường có thể phải mua mức 33 – 34 triệu đồng/tấn nếu như cần để giao cho hợp đồng mới.

Dựa trên phân tích kỹ thuật và các bước phát triển mới của thị trường cà phê, giá London chắc khó xuống dưới 1.200 nhưng khả năng lên tìm vùng 1.300 có thể xảy ra. Như vậy, mức dao động dự kiến cho giá cà phê robusta xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ có khả năng trong biên độ 31,5-33 triệu đồng/tấn.

Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho biết, diện tích, năng suất, sản lượng cà phê thế giới tăng cao trong những năm gần đây, trong khi nhu cầu chỉ tăng từ 2 – 2,5%/năm khiến cung vượt cầu. Gần đây sự lây lan của Covid-19 đã bổ sung một thách thức đáng kể cho ngành cà phê toàn cầu, vốn đã trải qua một thời gian dài giá thấp.

Dự kiến thị trường cà phê toàn cầu dư thừa 1,95 triệu bao (loại 60kg) trong niên vụ 2019 – 2020. Do vậy, giá cà phê trên thị trường tuy tăng nhưng khó đạt mức cao.