Đa số các món ăn đã chế biến có thể để 3-4 ngày trong tủ lạnh dưới 4 độ C.
Vào mùa nghỉ lễ, các gia đình thường chuẩn bị quá nhiều thức ăn ngon dẫn đến dư thừa cần tích trữ.
Tốt nhất, bạn nên đông lạnh đồ thừa để giữ được hương vị tươi ngon trong thời gian dài.
Ảnh minh họa: Eatthis
Nhưng không phải ai cũng biết bảo quản đúng cách khiến bạn dễ ăn phải đồ không còn chất lượng. Dưới đây là thời gian thực phẩm để trong tủ lạnh còn ăn được, những điều cần lưu ý trước khi dùng, đặc biệt nếu bạn không nhớ đã để bao lâu.
Thức ăn thừa thường lưu trữ được từ 3 đến 4 ngày trong tủ lạnh trước khi xuất hiện nguy cơ ngộ độc.
Rau quả
Loại thực phẩm này phải được làm sạch dưới vòi nước chảy, để ráo và bảo quản trong tủ lạnh dưới 4 độ C, theo hướng dẫn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).
Khoai tây nấu chín có thể cất trong tủ lạnh từ 3 đến 4 ngày.
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, một số loại trái cây thải ra khí ethylene có thể khiến các sản phẩm xếp bên cạnh hư hỏng nhanh hơn. Bạn nên để táo cách xa các loại rau củ quả khác.
Trái cây trong tủ lạnh cần ăn hết trong vòng 1 đến 3 ngày để có hương vị và độ tươi tối đa.
Trứng và sản phẩm liên quan tới sữa
Trứng sống có thể giữ trong tủ lạnh từ 3 đến 5 tuần. Trứng luộc chín còn ăn được trong 1 tuần. Trứng và các sản phẩm từ sữa thích hợp trong không gian dưới 4 độ C.
Các sản phẩm từ sữa để trong tủ lạnh giữ được chất lượng trong các khoảng thời gian khác nhau: Sữa (1 tuần), sữa chua (1-2 tuần), phô mai mềm (1 tuần), phô mai cứng (3-4 tuần sau khi mở).
Ảnh minh họa: BHG
Các món ăn khác
Món nướng có chứa trứng để trong tủ lạnh từ 3 đến 5 ngày. Thịt đã chế biến để được 3-5 ngày.
Thời gian để trong tủ lạnh của cá nấu chín là 3-4 ngày, cá hun khói là 14 ngày. Các loại hải sản có vỏ cứng đã chế biến để 2 ngày.
Bánh mì nướng cất tủ lạnh vẫn ăn được trong vòng 1-2 tuần. Cơm để trong 3-5 ngày; súp, canh, các món hầm (3-4 ngày).
Tuổi thọ của các món tráng miệng trong tủ lạnh khác nhau. Bánh quy để được đến 2 tháng trong tủ lạnh còn các món tráng miệng có độ ẩm như bánh phô mai dùng trong một tuần.
Rủi ro tiềm ẩn khi ăn đồ thừa bị hỏng
Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, từ 3 đến 4 ngày là quy tắc chung về thời gian đồ thừa vẫn ăn được. Đồ thừa quá thời hạn hoặc chưa được đun nóng kỹ khiến bạn có nguy cơ ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng như buồn nôn, nôn, bụng đau quặn, tiêu chảy, sốt.
Tất nhiên, bạn không nên ăn đồ có các biểu hiện hư hỏng. Nhưng nếu đồ để quá lâu nhưng trông vẫn ổn và có mùi thơm, điều đó không đồng nghĩa chúng an toàn. Nhiều loại vi khuẩn gây bệnh không ảnh hưởng đến mùi vị, bề ngoài của thực phẩm.
Không phải tất cả mọi người ăn đồ hết hạn đều bị ngộ độc. Các nhóm đối tượng có nguy cơ cao là người trên 65 tuổi, trẻ dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền hoặc đang dùng thuốc suy giảm miễn dịch…
Tuổi thọ của đồ ăn thừa trong tủ đông sẽ cao hơn. Ví dụ, thịt hầm (2-3 tháng), lòng trắng trứng (12 tháng), nước thịt, thịt (2-3 tháng), súp, đồ hầm (2-3 tháng), pizza (1-2 tháng), cá nạc (6-8 tháng), cá béo như cá hồi, cá ngừ (2-3 tháng), thịt xông khói và xúc xích (1-2 tháng), thịt nấu chín (2-3 tháng).
An Yên (Theo Livestrong)