Chương trình kết nối cung – cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh ngày càng trở thành hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) kết nối tiêu thụ sản phẩm. Trong các ngày diễn ra sự kiện kết nối, hàng hóa sản xuất tại Long An thu hút người tiêu dùng lẫn nhà phân phối, DN.
Thu hút người tiêu dùng
Trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết chương trình Hợp tác thương mại giai đoạn 2016-2020 và Kết nối cung – cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2020 (từ ngày 24 đến 27/9), nhiều hàng hóa của Long An được tổ chức trưng bày, quảng bá, kết nối đến các kênh phân phối, người tiêu dùng.
Tham gia kết nối cung – cầu lần này, Hợp tác xã (HTX) Phước Thịnh (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) chuẩn bị rất nhiều loại rau ăn lá thế mạnh của đơn vị. Nhiều loại rau được người tiêu dùng, nhất là các cơ sở kinh doanh ăn uống khảo sát, chọn mua dùng thử, tìm kiếm thông tin kết nối. Một chủ nhà hàng ăn uống tại TP.HCM nhận xét, rau ăn lá sản xuất tại Cần Giuộc có hương vị thơm ngon hơn các vùng khác.
Đặc biệt, HTX còn khai thác các loại rau đặc trưng nấu thành loại nước uống rất thơm ngon và phù hợp làm nước uống tại hệ thống nhà hàng do ông làm chủ. Đây cũng là dịp tốt để ông tìm kiếm nguồn nguyên liệu cho hệ thống nhà hàng mà không cần phải qua khâu trung gian, có thể cắt giảm các chi phí đầu vào, tạo thế cạnh tranh về giá nhưng sản phẩm hàng hóa mua về vẫn chất lượng.
Công ty (Cty) TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư Liên Kết Xanh là đơn vị liên kết với HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước. Ông Kim Phong Chung – đại diện Cty, cho biết, đây là lần đầu tiên đơn vị tham gia kết nối cung – cầu tại TP.HCM. Tại đây, Cty giới thiệu sản phẩm gạo Nàng Thơm Chợ Đào, gạo ST25 và sản phẩm cà phê nhãn hiệu Romano dạng gói 2 trong 1, 3 trong 1 đến người tiêu dùng. Các sản phẩm mà Cty đầu tư sản xuất đều đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Với sản phẩm cà phê, Cty đã đầu tư 4 dây chuyền sản xuất hiện đại, xây dựng được 8 nhà phân phối ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đến với hội nghị kết nối lần này, Cty chuẩn bị sẵn quầy pha chế và mời khách hàng dùng thử sản phẩm cà phê. Đa số khách hàng đều phản hồi tốt, cà phê có hương vị đặc trưng, thơm ngon. Không ít khách hàng sau khi dùng thử đã mua về dùng trong gia đình.
Ngoài quảng bá, Cty còn mong muốn được hợp tác cung cấp cà phê, tư vấn thiết kế, lập kế hoạch kinh doanh cho các cá nhân, tổ chức để mở quán cà phê mang thương hiệu của Cty; tiếp cận các kênh phân phối trong nước, nhất là các siêu thị, hệ thống trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi để mở rộng thị phần, nâng cao sức cạnh tranh ở thị trường nội địa.
Tương tự, bà Tống Ngọc Mỹ Linh – chủ Cơ sở sản xuất lạp xưởng, nem nướng Mỹ Linh (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành), cho rằng, TP.HCM là thị trường lớn. Thông qua sự kiện này, có nhiều DN, đơn vị phân phối, là cơ hội lớn để cơ sở đẩy mạnh việc kết nối, bán hàng, mở rộng thị phần.
Tiếp tục xây dựng chuỗi liên kết
|
Phó Giám đốc Sở Công Thương – Châu Thị Lệ nhận định, lợi thế lớn nhất của Long An trong việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu dùng bởi tiếp giáp TP.HCM và là cửa ngõ về các tỉnh miền Tây. Nhiều năm qua, quan hệ thương mại 2 chiều giữa Long An và TP.HCM ngày càng phát triển, nhất là các sản phẩm hàng hóa của tỉnh luôn chiếm tỷ trọng lớn tại thị trường TP.HCM, thông qua mạng lưới phân phối bán buôn, bán lẻ, đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Theo đó, với việc kết nối cung – cầu trong nhiều năm qua, nhiều sản phẩm hàng hóa của Long An đã cung cấp ổn định cho người tiêu dùng TP.HCM. Đặc biệt trên lĩnh vực tiêu thụ nông sản, TP.HCM là thị trường tiêu thụ lớn đối với hàng hóa nông sản của Long An.
Theo ước tính, lượng hàng hóa nông sản của Long An về TP.HCM thông qua chợ đầu mối (Bình Điền + Hóc Môn), các kênh phân phối khác bình quân 1.300-1.500 tấn/ngày, đêm. Trong đó, rau, củ, quả khoảng 600 tấn; thịt gia súc trên 360 tấn; thịt gia cầm 270 tấn; thủy sản khoảng 50 tấn.
Cũng theo bà Châu Thị Lệ, hiện nay, TP.HCM đóng vai trò quan trọng trong định hướng, dẫn dắt thị trường sản xuất nông sản cũng như các mặt hàng khác của Long An nói riêng và các tỉnh khác nói chung. TP.HCM đã thực hiện rất tốt vai trò này thông qua các biện pháp tác động từ phía “cầu”, từng bước xây dựng “các tiêu chuẩn” hàng hóa khi đưa vào thị trường TP.HCM như: Bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, yêu cầu về bao bì, sơ chế,… đã tác động tích cực, thay đổi hành vi của người sản xuất.
Nhờ tác động từ phía TP.HCM, Long An đã xây dựng được 17 chuỗi cung ứng nông sản an toàn cho các mặt hàng rau, gạo, thịt gà, thịt heo, thịt bò, thủy sản và đang tiếp tục xây dựng 3 chuỗi cho thanh long, rau, nấm. Ngoài ra, nhiều mô hình sản xuất sạch, theo hướng hữu cơ đang được triển khai. Long An luôn ủng hộ và đánh giá cao các biện pháp hợp tác của TP.HCM và các tỉnh, thành.
Sở Công Thương Long An mong muốn TP.HCM tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng thị trường thông qua việc sớm triển khai Đề án Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa TP.HCM và các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Không chỉ liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, Long An còn chào đón DN đến hợp tác liên kết đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, mạng lưới phân phối cũng như chế biến nông sản tại Long An phục vụ cho tiêu dùng trong nước, xuất khẩu./.
Theo Báo Long An