Việc xuất khẩu tôm hùm gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 khiến giá loại hải sản cao cấp này đang chạm đáy, không còn là món ăn xa xỉ chỉ dành cho giới nhà giàu như trước.
Ghi nhận của phóng viên, tại chợ Xóm Mới (TP Nha Trang, Khánh Hòa), giá tôm hùm xanh tươi sống loại 3 con/kg là 520.000 đồng; loại 4-5 con/kg 450.000 đồng; tôm hùm bông loại 2 con/1,5kg là 750.000 đồng, loại 1 con/kg giá 1,1 triệu đồng. Đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay.
Theo bà Bảy (chuyên bán tôm hùm), trước đây tôm hùm tươi sống chỉ nhập cho các nhà hàng, khách sạn, ít khi bán ở chợ bởi giá cao từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/kg đối với tôm hùm xanh và 1,5 – 1,8 triệu đồng/kg đối với tôm hùm bông. Nhưng nay, sau 2 lần dịch Covid-19 bùng phát, lượng tôm xuất khẩu ngày càng giảm nên phải đẩy mạnh thị trường nội địa với giá vừa phải. “Giá tôm hùm hiện nay phù hợp với thu nhập của nhiều người. Chỉ riêng tôm hùm bông, khách vẫn phải đặt trước tôi mới lấy về bán vì loại tôm này giá thành còn cao, khó bán”- bà Bảy cho hay.
Ông Lê Minh Hải, Trưởng phòng Kinh tế TP Cam Ranh – địa phương có sản lượng tôm hùm lớn nhất tỉnh Khánh Hòa, cho biết hiện nay giá tôm hùm tại địa phương đang giảm mạnh do xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch đang rất khó khăn. Bên cạnh đó, lượng khách du lịch ở Khánh Hòa đặc biệt là khách Trung Quốc sụt giảm cũng khiến giá tôm xuống thấp. Đây vừa là thách thức và là cơ hội để thị trường nội địa phát triển. Hiện tôm hùm được các thương lái thu mua bán cho thị trường Nha Trang, TP HCM, Hà Nội…
Tại TP HCM, tôm hùm Việt Nam cũng đang có giá bán thấp chưa từng có, nguồn hàng được nhập từ nhiều tỉnh thành. Các hệ thống chuyên hải sản cao cấp cũng đang chạy chương trình bán hàng không lợi nhuận, giảm lượng nhập khẩu để tập trung “giải cứu” tôm hùm trong nước.
Tại một vựa hải sản chuyên bán online trên đường Đỗ Bí (quận Tân Phú), tôm hùm cốm (còn gọi tôm 2 da tức tôm đang thay vỏ) không còn sống (tôm ngộp) có giá chỉ 380.000 đồng/kg (mỗi kg từ 4-5 con). Với loại lớn hơn thì giá 420.000 đồng/kg (loại mỗi kg 3 con) và 500.000 đồng/kg (loại mỗi kg có 2 con). Nhân viên cửa hàng cho biết loại tôm hùm này số lượng không nhiều nên người mua nên tranh thủ.
Còn tôm hùm xanh còn sống có giá từ 550.000 – 650.000 đồng/kg tùy kích cỡ, thấp hơn cả đợt “giải cứu” hồi đầu năm.
Trong khi đó, hệ thống siêu thị MM Mega Market đang bán “tôm hùm bông khổng lồ” (0,7-1 kg/con) giá 990.000 đồng/kg trong khi trước đây tới 1.575.000 đồng/kg nên thu hút rất đông người tiêu dùng hỏi mua.
Theo ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quốc tế hải sản Hoàng Gia (TP HCM), một trong những đầu mối lớn chuyên nhập khẩu tôm hùm, hiện nay công ty ông bán hàng nhập rất hạn chế do tôm hùm trong nước quá rẻ. “Chúng tôi đang tập trung bán tôm hùm trong nước không lợi nhuận để hỗ trợ người nuôi. Trước đây, tôm hùm bông trong nước giá bán lẻ thường ở mức từ 2 – 2,5 triệu đồng/kg (loại còn sống, cỡ 800gr/con trở lên) thì này giá chỉ còn hơn 1 triệu đồng/kg, tức giảm hơn một nửa” – ông Trường thông tin.
Tại hệ thống cửa hàng Hải sản Hoàng Gia, phóng viên ghi nhận khách mua trực tiếp tôm hùm bông trong chương trình bán hàng không lợi nhuận chỉ còn 990.000 đồng/kg. Còn tôm hùm xanh (loại còn sống, mỗi kg từ 2 đến 5 con) giá bán tại cửa hàng chỉ 650.000 đồng/kg, rẻ chỉ bằng một nửa so với trước đây. “Do tôm hùm nội địa đang có giá rẻ nhất từ trước đến nay nên tiêu thụ khá tốt, luôn là mặt hàng bán chạy nhất tại các cửa hàng chúng tôi” – ông Trường tiết lộ.
Cũng theo ông Trường, giá tôm hùm trong nước khó có thể giảm thêm vì người nuôi đã lỗ nhiều, nếu giá tiếp tục giảm, các nhà lồng, thương lái sẽ chuyển sang cấp đông tôm hùm để chờ thị trường hồi phục.
Trao đổi với Báo Người Lao Động ngày 6-9, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho hay tôm hùm là một trong những mặt hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19.
“Đây là mặt hàng cao cấp, chuyên phục vụ nhà hàng, khách sạn nên nhu cầu thị trường sụt giảm nghiêm trọng khi kênh này phải đóng cửa hoặc mở bán hạn chế để chống dịch. Thị trường chính của tôm hùm Việt Nam là Trung Quốc nên bị ảnh hưởng từ sớm. Ngoài ra, còn có lý do Trung Quốc siết chặt nhập khẩu qua đường tiểu ngạch nên tôm hùm chỉ có con đường xuất khẩu chính ngạch nhưng lý do này chỉ là phụ, chính yếu vẫn là do nhu cầu thị trường không có. Việc hồi phục của thị trường tôm hùm phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch” – ông Hòe nhận định.
Theo Người lao động