Giờ mờ cửa từ 7:00 đến 22:00 hàng ngày
My Cart
0
Blog

Trái cây vào mùa, sức mua yếu

Nhiều loại trái cây nhiệt đới đang vào mùa thu hoạch, sản lượng nhiều, ngon và rẻ nhất năm, dù tiêu thụ chậm nhưng không đến mức kêu gọi “giải cứu”.

Thị trường TP HCM đang tràn ngập các loại trái cây mùa hè như: vải, dứa, măng cụt, bòn bon, chôm chôm, sầu riêng, mít, xoài… với giá rẻ hơn đầu vụ khá nhiều. Trên các tuyến đường, nhiều xe đẩy bán dứa chín vàng với giá chỉ 15.000 – 25.000 đồng/kg, rộ mùa nhất trong năm, vị ngọt đậm đà nên rất được chị em ưa chuộng.

Hàng ngon, giá rẻ

Anh Trần Văn Thái, bán rong dứa ở khu vực quận 1, cho biết tuy ghi dứa Thái nhưng là hàng trồng ở Việt Nam và vận chuyển vào TP HCM bằng xe khách. “Dứa mùa này quả nào cũng ngọt, không bị chua hay nhớt như các mùa khác, giá lại rẻ nên bán khá dễ. Khoảng 3 ngày, tôi ra bến xe nhận hàng 1 lần để bán dần” – anh Thái nói.

Các chợ, siêu thị hiện bán nhiều loại trái cây đang rộ mùa, giá giảm nhiều so với đầu vụ. Chẳng hạn, giá sầu riêng Ri6 vài tuần trước phổ biến từ 90.000 – 100.000 đồng/kg thì nay giá bán tại chợ chỉ còn 60.000 – 70.000 đồng/kg, trong khi ở các xe tải dọc đường chỉ còn 40.000 – 60.000 đồng/kg tùy loại. Măng cụt đầu vụ có giá hơn 100.000 đồng/kg thì nay cũng giảm còn 50.000 – 70.000 đồng/kg. Một số loại khác như chôm chôm 30.000 đồng/kg, trái vải 35.000 – 45.000 đồng/kg; trong khi ổi, dưa hấu, đu đủ, quýt, xoài Đài Loan, có giá rất thấp, chưa tới 20.000 đồng/kg.

Dù giá các loại trái cây đều đang rất rẻ nhưng sức mua khá thấp. Ông Nguyễn Bình Phương, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cho biết sức mua trái cây ngay tại chợ đầu mối cũng thấp hơn những năm trước khi có dịch. “Đợt cao điểm Tết Đoan ngọ vừa qua, sản lượng trái cây về chợ chỉ đạt 2.000 tấn/ngày, trong khi những năm trước dịch phải ở mức 3.500 – 4.000 tấn/ngày. Sau Tết Đoan ngọ, trái cây về chợ giảm lại, còn 800 – 1.300 tấn/ngày, không bằng mức bình quân các năm. Riêng với trái vải Bắc, hàng mới về chợ được khoảng 1 tuần, là vải chín sớm, chưa phải vải thiều, giá sỉ từ 25.000 – 35.000 đồng/kg” – ông Phương cho hay.

Cũng theo ông Phương, do ảnh hưởng tình hình ách tắc biên giới với Trung Quốc nên giá các loại trái cây chuyên xuất khẩu sang Trung Quốc như: thanh long, xoài xanh giống Đài Loan, mít Thái đều ở mức thấp. Những mặt hàng chủ yếu tiêu thụ nội địa như: xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu cũng bị ảnh hưởng vì sức mua thấp. Đối với trái cây nhập khẩu, hàng Trung Quốc sản lượng về chợ giảm mạnh cũng vì lý do giao thương qua biên giới bị ách tắc. Đây là điểm khác biệt so với trước dịch.

Theo đại diện Phòng Kinh doanh Công ty Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn, chợ này đã có vải đầu mùa từ phía Bắc, giá tương đương các năm. “Chúng tôi vừa tham gia chương trình xúc tiến thương mại ở tỉnh Bình Phước. Tỉnh này có nhiều nông sản tiêu thụ tại TP HCM nhưng là vùng trồng mới, thương lái mang hàng về chợ chỉ giới thiệu chung là trái cây Đông Nam Bộ nên ít ai biết đó là trái cây Bình Phước. Do đó, để trái cây tiêu thụ mạnh, cần làm tốt từ gốc về chất lượng, mẫu mã bao bì có ghi tên nơi sản xuất cho người tiêu dùng nhận biết. Từ đó mới dần tạo được thương hiệu trên thị trường và bán được giá hơn” – vị này lưu ý.

Tiêu thụ “trong dự tính”

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, dù nhiều loại trái cây đang vào mùa thu hoạch rộ, sức mua thấp, giá giảm mạnh nhưng không có cảnh “giải cứu” như các năm.

Ông Nguyễn Văn Lưu, quản lý cửa hàng “Nông sản sẻ chia” (đường Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức), cho biết: “Năm nay nhiều loại trái cây tiêu thụ chậm nhưng đều trong dự tính của nhà vườn, thương lái và cả người bán lẻ, không có yếu tố bất ngờ khiến nông sản không bán được nên chưa thấy nông dân liên hệ nhờ hỗ trợ tiêu thụ như trước. Nông dân cũng rút kinh nghiệm nên không để rơi vào tình cảnh phải kêu gọi “giải cứu”. Tuy một số mặt hàng có giá thấp nhưng vẫn bán được”.

Ông Mai Quốc Thái, chủ trang trại bưởi da xanh 60 ha đang thu hoạch ở Bình Dương, cho biết bưởi loại 1 tại vườn đang có giá 24.000 đồng/kg, không cao như kỳ vọng nhưng vẫn có lời vì giá thành của trang trại dưới mức 20.000 đồng/kg. “Hàng ra vẫn bán được nhưng giá không cao như trước đây, thường hơn 30.000 đồng/kg. Đây là tình hình chung nên mọi người đều phải chia sẻ. Hiện tại, bưởi chỉ bán nội địa. Hy vọng cuối năm, Mỹ mở cửa cho qua bưởi thì đầu ra sẽ rộng mở hơn” – ông Thái bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Cơ quan Đại diện phía Nam – Hội Làm vườn Việt Nam, từ đầu năm đến nay, hội liên tục tổ chức các chương trình kết nối giữa doanh nghiệp (DN) và vùng nguyên liệu nên cũng phần nào giải quyết được đầu ra cho nông dân. Nhìn chung, xuất khẩu rau quả sang Mỹ, Nhật Bản, châu Âu vẫn tăng nhưng không bù được sản lượng sụt giảm ở thị trường lớn nhất là Trung Quốc nên tiêu thụ vẫn khó và mặt bằng giá thấp.

“Chúng tôi vừa đi khảo sát 1 vùng trồng sầu riêng ở Đồng Nai, giá tại vườn chỉ còn trên dưới 30.000 đồng/kg, nhiều nông dân phải neo quả trên cây, làm ảnh hưởng đến vụ sau. Chúng tôi đã kết nối các vùng nguyên liệu với các DN chế biến, bảo quản rau quả để phần nào giải quyết áp lực tiêu thụ hàng tươi” – ông Mười cho biết.

Theo ông Mười, các chuyên gia của Hội Làm vườn phía Nam cũng tư vấn người trồng chuyển đổi canh tác sang hướng hữu cơ sinh học để giảm giá thành trong bối cảnh phân bón hóa học tăng cao. Trong đó, nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên thực hiện chuyển đổi rất tốt, giúp chất lượng nông sản tăng lên. Đây là điểm sáng của trái cây năm nay, giúp các DN tìm đầu ra cho nông sản thuận lợi hơn.

Mít Thái bí đường ra chợ

Tại ĐBSCL, giá nhiều loại trái cây cũng đang giảm mạnh. Giảm sâu nhất là mít Thái, hiện thương lái thu mua tại vườn từ 2.000-4.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Hồng Quốc (ngụ xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cho biết giá mít Thái giảm gần 1 tháng nay và đang chạm đáy. “Mấy năm trước, thấy mít Thái có thời điểm lên 40.000-50.000 đồng/kg nên tôi chuyển 2 công đất trồng bưởi Năm Roi sang trồng mít Thái. Sau mấy vụ bán có lời, đến nay tôi gọi năn nỉ thương lái thì họ nói các vựa giờ không lấy mít Thái nữa nên không dám thu mua, dù giá bán chỉ 2.000 đồng/kg. Mít chín tôi chỉ đành đem ra chợ bán với giá 3.000 đồng/kg, vậy mà cũng ế lắm” – ông Quốc than. Tương tự, sầu riêng đang vào mùa thu hoạch rộ nên giá bán cũng đang giảm khá sâu so với đầu vụ.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền (TP Cần Thơ), địa phương trồng khoảng 2.000 ha sầu riêng các loại, trong đó khoảng 1.500 ha cho trái. Nông dân đã thu hoạch gần hết diện tích với giá bán tại vườn khoảng 40.000 đồng/kg (sầu riêng Ri 6 loại 1), trong khi đầu vụ từ 65.000-70.000 đồng/kg.

Một số loại trái cây khác cũng có giá giảm như: măng cụt còn 50.000-70.000 đồng/kg (khoảng 3 tuần trước lên đến 80.000-90.000 đồng/kg), chôm chôm Java từ 15.000-20.000 đồng/kg (giảm 10.000 đồng/kg).

Theo Người lao động