Giờ mờ cửa từ 7:00 đến 22:00 hàng ngày
My Cart
0
Blog

Trồng và chăm sóc cây sấu vừa lấy quả vừa có bóng mát

Trồng và chăm sóc cây sấu vừa lấy quả vừa có bóng mát

Cây sấu là cây quen thuộc đối với người dân Việt nam. Với đặc tính dễ trồng, ít công chăm sóc và có nhiều giá trị. Hiện nay cây sấu là cây bóng mát được trồng nhiều ở vỉa hè đô thị. Vậy để có được những cây sấu sai quả vừa có bóng mát, kỹ thuật trồng cần tuân thủ một số kỹ thuật như sau:

Mùa sấu chín

1. Những điều cần biết về cây sấu

– Cây sấu có tên khoa học là Dracontomelum duperreanum Pierre, thuộc họ Xoài Anacardiaceae. Cây còn có tên khác như cây long cóc, sấu trắng, …

– Là cây thân gỗ sống lâu năm (có cây sống cả 1000 năm tuổi). Cây có chiều cao trung bình từ 25 – 30 m, đường kính thân tùy thuộc vào tuổi cây, có thể từ 0,8 – 1 m. Cây sấu có rễ cọc và rễ bạnh đâm sâu nên cây ít bị đổ ngã khi trồng lấy bóng mát.

– Cây mọc thẳng đứng, lá màu xanh đậm và xanh quanh năm. Lá mọc so le, có hình lông chim, có chiều dài từ 30 – 45 cm và mỗi lá có 11 – 17 lá chét mọc xếp đều xung quanh. Phiến lá chét có hình trái xoan. Hoa sấu mọc thành từng chụm và cây ra hoa phần đầu ngọn. Quả có hình cầu hơi dẹp, đường kính quả khoảng 2 cm, khi xanh có màu xanh, chín vào vàng. Mỗi quả có một hạt cứng.

– Cây sinh trưởng phát triển mạnh, có khả năng thích nghi với nhiều điều kiện thời tiết khác nhau. Cây ưa ánh sáng trực tiếp, có khả năng chịu nắng, chịu lạnh, chịu hạn, ít chịu úng. Cây sấu cho ra hoa vào mùa Xuân và quả ra mùa hè. Quả thu hái vào khoảng từ tháng 6 đến tháng 9.

Trồng cây sấu vỉa hè lấy bóng mát

2. Giá trị sử dụng từ cây sấu

– Cây sấu được trồng chủ yếu lấy bóng mát: Với đặc tính dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, cho lá xanh quanh năm. Vì vậy cây sấu được lựa chọn hàng đầu trồng để lấy bóng mát như trồng ở vỉa hè, công viên, sân vườn, …

– Gỗ cây sấu rất có giá trị: Vân gỗ đẹp, màu nhạt, dẻo, ít mối mọt được dùng nhiều vào đóng đồ gia dụng, trong công nghệ làm ván ép, ván lạng, …

– Quả sấu được sử dụng làm thực phẩm như sấu tươi làm nước giải khát, tham gia vào chế biến món ăn hằng ngày hoặc chế biến các loại mứt, ô mai rất được người tiêu dùng ưa thích.

Quả sấu ngâm làm nước giải khát mùa hè

3. Cách trồng và chăm sóc cây sấu

3.1 Thời vụ và mật độ trồng cây sấu

– Cây sấu có thể trồng quanh năm. Nhưng thích hợp nhất vào đầu mùa xuân tháng 1 – 2 và mùa thu tháng 8 – 9. Thời điểm này thường hay có mưa, thời tiết ấm áp tạo điều kiện cho cây sấu phát triển tốt và nhanh hồi phục.

– Mật độ trồng cây sâu cần đảm bảo khoảng cách cây cách cây từ 6 – 7 m. Khi cây trên 5 năm tuổi, tán to thì nên cắt tỉa thu gọn tán.

3.2 Chuẩn bị đất và giống cây sấu

– Đất trồng cây sấu không quá khắt khe. Cây có thể thích ứng phát triển trên nhiều loại đất khác nhau như đất mùn, đất thịt, đất đỏ, … Thích hợp nhất là đất có thành phần cơ giới nhẹ, đất giàu dinh dưỡng, tơi xốp, thoát nước tốt

– Giống cây sấu hiện nay trên thị trường cung cấp nhiều loại kích cơ cây giống khác nhau và sở thích chọn lựa giống cây sấu thích hợp. Nên lựa chọn mua cây giống ở đơn vị cung ứng uy tín chất lượng đảm bảo cây giống sau trồng. Cây giống cần đạt một số tiêu chuẩn như đường kính cổ rễ 1 cm trở lên, chiều cao bình đạt từ 80 cm – 100 cm. Cây thẳng, không cong queo, cụt ngọn, nhiều thân. Cây đã hóa gỗ không nhiễm sâu bệnh hại.

Cây sấu có tuổi thọ gần 100 năm tuổi

3.3 Cách trồng cây sấu

– Vị trí trồng cây sấu cần đảm bảo ánh sáng đầy đủ. Nơi trang nắng sẽ tạo điều kiện cho cây sấu phát triển tốt, ra nhiều quả.

* Cách trồng cây sấu

– Việc đào hố và làm đất trồng cây sấu được tiến hành ít nhất 1 tháng. Hố được đào với kích thước tùy thuộc vào bầu cây giống. Sao cho kích thước hố to hơn kích thước bầu giống từ 10 – 15 cm, chiều sâu hố từ 30 – 50 cm.

– Tiến hành bón phân lót trước khi trồng. Nên sử dụng phân hữu cơ và vôi bột để khử khuẩn sau đó lấp một lớp đất dày 10 cm rồi mới tiến hành trồng cây. Khi trồng cây cần lưu ý chỉ lấp đất đến miệng bầu cây giống, không trồng sâu cây sinh trưởng chậm. Cầm đảm bảo sau trồng tưới nước hoặc gặp mưa nước không bị đọng lại gây dễ chết úng. Lượng phân bón lót tính cho 1 gốc: 2 – 3 kg phân chuồng hoai mục + 0,5 kg phân super lân.

Mùi thơm thoang thoảng từ hoa cây sấu

* Kỹ thuật chăm sóc cây Sấu

– Chế độ tưới nước: Cây ưa độ ẩm vừa phải, thời kỳ chưa cho quả thì duy trị độ ẩm từ 60 – 70%, ngày tưới 1 lần. Giai đoạn đầu mới trồng để cây nhanh bén rễ cần đảm bảo tưới ẩm cho cây. Nhất trong mùa khô hoặc khi quả đang lớn, quả chín.

– Phòng trừ cỏ dại bằng cách làm cỏ định kỳ quanh gốc cho cây sấu để tạo độ thông thoáng cho gốc cây tránh nhiễm sâu bệnh. Sau mỗi trận mưa cần xớt xáo, thoát nước tránh để cây úng chết.

– Cắt tỉa tạo tán định kỳ cho cây để tạo cành cấp 1, cấp 2, giúp cây thông thoáng. Một năm nên cắt tỉa một lần vào cuối thu. Nên cắt tỉa cành khô héo, sâu bệnh, cành kém phát triển.

– Bón phân cho cây sấu đúng cách: Nên lựa chọn phân chuồng hoai mục kết hợp với phân NPK bón cho cây. Phân chuồng thường bón vào mùa Xuân hoặc mùa hè 1 năm bón một lần từ 3 – 5 kg/gốc. Giai đoạn cây ra hoa cần bổ sung phân NPK bằng cách pha loãng tưới cho cây. Tưới định kỳ 2- 3 tháng tưới một lần, dùng 0,1 – 02 kg NPK pha với 4 lít nước tưới cho cây mỗi lần.

– Phòng trừ sâu bệnh hại cho cây sấu: Cây thường ít nhiễm sâu bệnh hại. Nhưng cần kiểm tra thường xuyên để phát hiện kịp thời sâu bệnh hại để đưa biện pháp khắc phục kịp thời. Lưu ý một số đối tượng sâu hại như thán thư, muội đen, rệp, … Khi cây nhiễm nhiều có thể sử dụng thuốc trừ sâu, trừ bệnh đặc dụng để phun.

* Thu hoạch và bảo quản quả sấu

– Cây sấu sau trồng từ 2 – 3 năm bắt đầu cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 9 dương lịch hàng năm. Sau khi thu hoạch tiến hành cắt tỉa thu gọn tán cây và tiến hành bón phân để cây nhanh phục hồi chuẩn bị phát triển cành lộc cho năm sau.

Trồng cây sấu làm cây bóng mát trong các công viên