Số liệu nhập khẩu điều thô từ Campuchia năm nay khiến dân trong ngành cảm thấy “khó hiểu” khi tăng hơn 6 lần về giá trị.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), tính đến tháng 11-2021, Campuchia là nguồn cung nông – lâm – thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam về giá trị (sau Mỹ), đạt khoảng 3,3 tỉ USD, chiếm 8,5% thị phần. Trong đó, mặt hàng điều chiếm gần 61,7%, tương đương khoảng 2 tỉ USD.
Tăng đột biến
Còn theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 11, Việt Nam đã nhập 1,103 triệu tấn điều Campuchia, giá trị hơn 1,831 tỉ USD, tăng hơn 444% về lượng và tăng 608% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020 (202.700 tấn, giá trị 258,6 triệu USD).
Một nguồn dữ liệu khác từ Thương vụ Campuchia tại Việt Nam thông tin: Trong 11 tháng đầu năm 2021, nước này đã xuất khẩu được gần 921.061,5 tấn hạt điều, tăng gần 329% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lượng điều xuất khẩu sang Việt Nam là 912.170 tấn, chiếm 99%. Do phương pháp thống kê và thời gian chốt số liệu của từng cơ quan khác nhau nên số liệu không thống nhất. Tuy nhiên, dù dựa theo số liệu nào thì lượng điều Campuchia xuất sang Việt Nam vẫn tăng đột biến trong năm 2021.
Tính chung các thị trường khác, giá trị nhập khẩu điều thô của toàn ngành trong 11 tháng đầu năm 2021 đã lần đầu vượt mức 4 tỉ USD (4,183 tỉ USD), tăng 140,5% trong khi xuất khẩu điều nhân trong giai đoạn này chỉ 3,445 tỉ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này cũng có nghĩa là ngành điều lần đầu nhập siêu với mức thâm hụt hơn 738 triệu USD trong khi các năm trước đều thặng dư hơn 1 tỉ USD/năm.
Lãnh đạo một doanh nghiệp (DN) có thâm niên trong ngành điều cũng nhìn nhận sự bất thường với lượng điều thô nhập khẩu từ Campuchia gia tăng đột biến. “Năm nay do dịch Covid-19, việc kiểm soát biên giới chặt chẽ nên có một lượng điều thô trước đây nằm ngoài sổ sách có thể vào thống kê nhưng khó mà tăng nhiều như vậy.
Tôi xem danh sách các DN nhập khẩu điều từ Campuchia thấy hầu hết là DN lạ. Là người trong ngành, tôi cảm thấy rất khó hiểu về số liệu trên. DN nhập khẩu nguyên liệu để chế biến xuất khẩu mà kết quả lại nhập siêu tức là lỗ nặng hoặc các DN tồn kho rất lớn. Cả 2 giả thiết này đều không đúng với thực tế” – lãnh đạo DN này nhận xét.
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết Campuchia là một trong những nguồn cung điều nguyên liệu cho Việt Nam nhưng sản lượng nhập khẩu trước đây chỉ khoảng 200.000 tấn/năm và chưa từng vượt mức 300.000 tấn/năm.
Cuối năm 2017, Vinacas đã công bố kế hoạch hợp tác cùng Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia xây dựng vùng nguyên liệu với mục tiêu đưa sản lượng lên 1 triệu tấn điều thô vào năm 2025. Dựa theo số liệu thống kê của năm 2021 thì kế hoạch này đã “về đích” một cách bất ngờ.
Gian lận xuất xứ?
Một nghi vấn được dư luận đặt ra là phải chăng điều châu Phi đã được “phù phép” thành điều Campuchia để trốn thuế. Bởi, hồi tháng 9-2021, Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) đã phát hiện 2 DN có hành vi gian lận về xuất xứ hạt điều thuần túy Việt Nam.
Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia trong ngành thì DN sẽ không được hưởng lợi nếu đưa điều châu Phi vòng qua Campuchia vì chi phí vận chuyển rất lớn. Trong khi đó, do phần lớn điều thô nhập khẩu đều được chế biến để xuất khẩu nên cả 2 nguồn hàng Campuchia và châu Phi đều không phải đóng thuế. Trường hợp nhập khẩu điều thô về chế biến và tiêu thụ nội địa thì nguồn nhập châu Phi chịu thuế 5% còn nguồn Campuchia thuế 0%.
Ngoài ra, theo số liệu của hải quan, trong 11 tháng đầu năm, nhập khẩu điều thô từ 2 nguồn ngoài Campuchia là Bờ Biển Ngà và thị trường khác cũng tăng lần lượt 36% và 46% so với cùng kỳ năm 2020 về sản lượng. Trong khi đó, gian lận về xuất xứ thường gia tăng lượng nhập từ nước không chịu thuế và giảm ở nguồn phải đóng thuế.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về thông tin lượng hạt điều nguyên liệu nhập khẩu tăng đột biến từ Campuchia, lãnh đạo Cục Kiểm tra sau thông quan cho biết trong năm 2021, đơn vị đã triển khai chuyên đề kiểm tra nhằm làm rõ những nghi vấn, những dấu hiệu bất thường về hoạt động xuất nhập khẩu hạt điều.
Tổng cục Hải quan cũng có văn bản hỏa tốc chỉ đạo một số cục hải quan địa phương như Đắk Lắk, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang… tăng cường các biện pháp kiểm tra xuất xứ điều thô nhập khẩu từ Campuchia; thực hiện một số biện pháp nghiệp vụ nhận dạng, kiểm soát hạt điều thô nhập khẩu từ Campuchia và châu Phi.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Kiểm tra sau thông quan cho biết hiện tại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động kiểm tra sau thông quan tại DN đang tạm dừng. Thời gian tới, tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh, cục sẽ tính toán các kế hoạch cụ thể về kiểm tra hoạt động nhập khẩu hạt điều thô.
Nhập khẩu là tất yếu
Theo ông Tạ Quang Huyên – Tổng Giám đốc Công ty CP Hoàng Sơn 1, Phó Chủ tịch Vinacas – công suất chế biến của ngành điều từ 2-3 triệu tấn/năm trong khi nguồn cung trong nước chưa tới 20% nên bắt buộc phải nhập khẩu.
“Châu Phi đất còn rộng nên họ trồng điều nhiều, giá thành thấp do không bỏ công đầu tư chăm sóc. Trước đây, cây điều là cây xóa đói giảm nghèo của Việt Nam nhưng nay đời sống khá hơn nên nông dân đã chuyển đổi sang các cây trồng có hiệu quả hơn như: cao su, cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả… Đến nay, chỉ còn những vùng đất xấu, không thể trồng cây gì khác thì mới trồng điều hoặc những người có đất nhiều nhưng không có thời gian chăm sóc thì chọn cây điều” – ông Huyên nêu thực tế.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết trung bình mỗi năm Việt Nam cần nhập khoảng 1,4 triệu tấn điều thô. Nếu Việt Nam mở rộng diện tích trồng điều để đáp ứng nhu cầu chế biến trong nước thì cần ít nhất khoảng hơn 1,1 triệu ha. Con số này là quá lớn so với quỹ đất trống của Việt Nam.
“Chúng ta đang phát triển theo kinh tế thị trường, thị trường sẽ điều chỉnh tất cả. Nếu trồng điều có hiệu quả, giá điều tốt thì tự người dân sẽ có xu hướng chuyển sang trồng điều. Các DN chế biến điều nếu nhận thấy cần có nguồn nguyên liệu trong nước thì trách nhiệm của họ là đồng hành với chính quyền địa phương, Bộ NN-PTNT đầu tư cho người dân trong những vùng điều nguyên liệu theo hướng phát triển bền vững chứ không thể khi cần thì khuyến khích, yêu cầu người dân trồng, khi khó khăn tiêu thụ thì bỏ rơi họ. Trong thời đại kinh tế thị trường, mọi thứ đều phải sòng phẳng” – ông Nguyễn Như Cường nêu quan điểm.