Giờ mờ cửa từ 7:00 đến 22:00 hàng ngày
My Cart
0
Blog

Tây Ninh đầu tư hàng trăm tỉ đồng vào sản phẩm OCOP

Nhiều sản phẩm tươi và chế biến từ mãng cầu, muối, bánh tráng, mật ong, dế mèn… Tây Ninh đã đạt chứng nhận OCOP và được thị trường đón nhận tốt.

Sáng 18-12, tại Hội nghị “OCOP Tây Ninh – Nâng tầm sản vật địa phương” do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tây Ninh tổ chức, các diễn giả đã cung cấp cho gần 300 khách mời trực tiếp và trực tuyến nhiều thông tin bổ ích về các giải pháp triển khai hiệu quả chương trình OCOP (mỗi xã 1 sản phẩm) và chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Chủ tịch Hội đồng OCOP tỉnh Tây Ninh, cho biết Tây Ninh có khí hậu ôn hoà, đất đai tương đối bằng phẳng, cơ sở hạ tầng tốt, hệ thống thuỷ lợi ổn định, nguồn nguyên liệu đa dạng, phong phú, vị trí địa lý thuận lợi cho việc mở rộng thị trường và tham gia xuất khẩu… Đây là những cơ sở thuận lợi để thực hiện, phát triển chương trình OCOP. Bên cạnh đó, sự đa dạng về văn hoá tạo ra sự đa dạng về sản phẩm, làm nên sức hút riêng cho các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Tây Ninh bắt đầu triển khai chương trình OCOP từ năm 2018. Sau 3 năm thực hiện, đến nay đã có 27 sản phẩm tiêu biểu đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh (3-4). Trong đó có 5 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao gồm: dưa lưới Hoàng Xuân, quả mãng cầu NATANI, nước ép mãng cầu Vĩnh Xuân, rượu mãng cầu Vương Ngọc Vegan và bánh tráng siêu mỏng Tân Nhiên.

Các sản phẩm OCOP 3 sao gồm: bánh tráng ớt bay muối nhuyễn siêu cay, bánh tráng phô mai, bánh tráng Sa tế tỏi, bánh tráng Sa tế tôm hành (Công ty TNHH Tân Nhiên Chi nhánh 1); mắm điều chay, nước mắm trái điều (Công ty TNHH Vương Ngọc Vegan); chao Môn, muối tiêu (Cơ sở chế biến kỹ nghệ thực phẩm Phú Gia Bảo); mật ong rừng, mật ong đặc biệt hoa Sao, Dầu (Công ty TNHH MTV Ong mật Bảo An Tây Ninh); xoài Úc R2E2 (Công ty TNHH Thanh niên xung phong Tây Ninh); trái Na Hoàng Hậu (HKD Vận tải Phú Đô My); dế Mèn đông lạnh, Bột dế Oanh Vĩnh, Dế sấy sả ớt ăn liền (Trại dế Oanh Vĩnh).

“Các sản phẩm OCOP đã được tỉnh hỗ trợ quảng bá thương hiệu, xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các hội chợ triển lãm, kết nối đưa vào các hệ thống phân phối lớn và đã được người tiêu dùng đón nhận tốt” – ông Xuân cho biết.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình OCOP của tỉnh là là 238,434 tỉ đồng. Riêng giai đoạn 2020 – 2025 sẽ huy động hơn 140 tỉ đồng cho các hạng mục như xây dựng hệ thống quản lý điều hành; triển khai chu trình OCOP thường niên; các dự án ưu tiên đầu tư… Trong đó, vốn ngân sách là 68,77 tỉđồng (chiếm 49,03%); vốn ngoài ngân sách 71,485 tỉđồng (chiếm 50,97%). Giai đoạn 2026 – 2030 tỉnh sẽ huy động 98,178 tỉ đồng còn lại để thực hiện các hoạt động như xúc tiến thương mại; hỗ trợ chính sách và tổ chức tham quan học tập…

Theo Người lao động