Lúa ở chỗ chúng tôi thỉnh thoảng lại bị một loại bọ xít nhỏ cỡ như móng tay, màu đen hoặc nâu đen, mỗi khi động đến chúng xì ra mùi hôi, chúng đeo bám ở phần gốc của cây lúa ăn hại làm cho cây lúa bị vàng, nếu nặng có thể làm cho cả cây lúa bị khô cháy. Xin cho biết rõ về con bọ xít này và có cách nào để phòng trị chúng?
Đoàn Văn Tiến (Thủ Thừa, Long An)
Bọ xít đen hại lúa Scotinophora sp.
Trả lời của kỹ sư Nguyễn Danh Vàn về bọ xít đen hại lúa và cách phòng trị
Qua mô tả của các bạn kết hợp với tình hình thực tế của sâu bệnh hại lúa trên đồng ruộng ở các tỉnh phía Nam trong vài năm gần đây, chúng tôi cho rằng con bọ xít hại lúa chỗ các bạn là con bọ xít đen (Scotinophora sp.), chúng thuộc họ bọ xít (Pentatomidae), bộ cánh nửa (Hemiptera). Trước đây ở các tỉnh phía Nam loài bọ xít này chỉ xuất hiện rải rác và gây hại không đáng kể, nhưng vài năm trở đây chúng xuất hiện và gây hại nhiều hơn ở một số tỉnh thuộc ĐBSCL, trên các giống lúa mùa cũng như các giống lúa ngắn ngày. Theo ghi nhận của một số cán bộ kỹ thuật ở đây thì những giống nào không kháng được rầy nâu thường là những giống bị bọ xít gây hại nhiều hơn.
Con trưởng thành của chúng dài khoảng 8-10mm, rộng khoảng 5-6mm có màu đen hoặc nâu đen (ảnh 10), nếu bị khua động chúng sẽ tiết ra mùi hôi để tự vệ. Ban ngày chui rúc ẩn náu dưới gốc lúa, nếu ruộng khô chúng chui rúc xuống các lỗ nẻ hoặc nấp trong rễ lúa. Chúng có thể lặn sâu trong nước ruộng để lẩn trốn nhờ các bọt không khí bám quanh lớp da không thấm nước. Chúng rất thích ánh sáng đèn nên thường vào đèn nhiều trong những đêm trăng sáng, ở những ruộng vừa gặt do không có chỗ trú ẩn chúng cũng bay vào đèn rất nhiều.
Mỗi con cái có thể đẻ vài trăm trứng (trung bình khoảng 200), trứng được đẻ thành từng ổ trên các bẹ lá, phiến lá (kể cả lá đã khô) gần mặt nước ruộng, mỗi ổ khoảng 15-20 quả, được xếp thành 2-4 hàng (thường là 3-4 hàng). Nếu bị ngâm trong nước khoảng 1 ngày là trứng có thể bị ung. Trứng hình trụ (giống như cái trống). Màu hồng hơi xanh. Giai đoạn trứng kéo dài 4-5 ngày.
Ấu trùng có hình bầu dục, mới nở kích thước khoảng 1-2mm, màu nâu đỏ, bò chậm chạp, chưa có cánh. Khi lớn có màu tro nâu. Thời gian ấu trùng kéo dài khoảng một tháng.
Cả con trưởng thành và con ấu trùng thường bu bám ở phần gốc của cây lúa gần sát mặt đất (hoặc mặt nước) để chích hút nhựa của cây lúa, để lại những đốm màu vàng, dần dần làm cho cây lúa bị vàng lá chân, nếu bị hại nhẹ cây lúa chỉ sinh trưởng và phát triển kém, nhưng nếu bị hại nặng cây lúa có thể bị khô héo, chết từng khóm, từng chòm giống như bị cháy rầy. Nếu hại ở thời kì trỗ thì bông lúa dễ bị lép, hoặc bạc trắng, làm thiệt hại rất nhiều cho năng suất.
Để phòng trừ loài bọ xít này, các bạn phải tiến hành kết hợp một số biện pháp sau
– Cuối mỗi vụ lúa hoặc trước khi xuống giống vụ sau cần vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, tiêu diệt hết lúa chét, cỏ dại (nhất là cỏ mồm, cỏ bắc, cỏ đuôi chồn… là những kí chủ phụ của bọ xít), đốt hết gốc rạ vụ trước… để tiêu diệt bọ xít, không cho chúng lan truyền cho vụ sau.
– Gieo sạ với mật độ vừa phải, điều khiển phân bón để hạn chế chồi vô hiệu, diệt cỏ dại sạch sẽ để ruộng lúa luôn thông thoáng, giảm bớt điều kiện thuận lợi cho bọ xít phát sinh, phát triển.
Do bọ xít thường tập trung phía dưới gốc của cây lúa, khó phát hiện. Vì thế khi thấy bọ xít đen vào đèn chiếu, hoặc chớm thấy lá bị vàng ngọn hoặc lá chân bị rủ thì các bạn phải kiểm tra bọ xít kịp thời. Khi phát hiện bọ xít, nếu ruộng chủ động nước thì các bạn có thể bơm nước cao khoảng 15-20cm, giữ khoảng 2 ngày để ổ trứng bị ngập, ung thối không nở được. Sau đó rút cạn bớt nước (chỉ để còn khoảng vài vm) rồi rải thuốc hột như Padan 4G; Basudin 10G; Regent 0,2 hoặc 0,3G, Furadan 3G; Vicarp 4H; Diaphos 10G; Patox 4G… cũng có thể phun xịt một trong những loại thuốc như: Hoppecin 50EC; Vibasa 50ND; Admire 50EC; Bi 58-40EC; Confidor 100SL… nhớ xịt trực tiếp xuống gốc lúa, nơi bọ xít đang bu bám và gây hại.