Gia đình tôi trồng hoa ly được 1 tháng thì vạch lá ra thấy bên trong ngọn bị đen đầu, héo lá hỏi nguyên nhân và cách khắc phục? Trồng hoa ly khi cây chuẩn bị cho ra nụ hoa thì toàn bộ lá trên cây bị héo dần và chết, cách khắc phục như thế nào? Cách chăm sóc cây hoa ly bị bệnh cháy lá như thế nào? Cách phòng và điều trị bệnh cháy ngọn trên cây hoa ly? Làm thể nào để phòng được bệnh cháy ngọn trên cây hoa ly? Tại sao cây hoa ly lại bị héo ngọn dần? Cây hoa ly bị thối ngang đọt và có hiện tượng vàng lá, rụng lá xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục?
Rất nhiều câu hỏi được các bạn đọc quan tâm đến cây hoa ly xoay quanh chủ đề “nguyên nhân và cách khắc phục bệnh cháy ngọn, cháy lá”. Để giải đáp những thắc mắc trên của bạn đọc. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cách điều trị bệnh cháy ngọn, cháy lá trên cây hoa ly.
Cây hoa ly bị cháy ngọn hàng loạt trong vườn
1. Nguyên nhân gây nên bệnh cháy lá, cháy ngọn trên cây hoa ly
– Trên cây hoa ly có hiện tượng bị lũi, vạch nõm ra thì thấy nõm bị đen đầu như vậy trên vườn cây hoa ly đã bị nhiễm bệnh được gọi là bệnh cháy ngọn, cháy lá, đây là loại bệnh sinh lý trên cây hoa ly.
– Nguyên nhân gây nên loại bệnh này là do mất cân đối đường nước hấp thụ vào và sự thoát nước của cây.
– Do cung cấp dinh dưỡng cho cây không cân đối, thiếu chất dinh dưỡng, thiếu ánh sáng, pH không thích hợp và thiếu vi lượng trên cây.
Hiện tượng cháy lá trên cây hoa ly
– Bệnh này diễn ra mạnh khi cây hoa ly bắt đầu phân hóa mầm hoa. Đây là thời kỳ cây tập chung dinh dưỡng để nhú mầm hoa, nên cũng là thời kỳ yếu của cây nên rất dễ sinh ra bệnh.
– Nguyên nhân tiếp theo là khi trồng hoa ly bằng củ to thường gây nên loại bệnh cháy lá, cháy ngọn trên cây.
2. Biện pháp khắc phục bệnh cháy lá, cháy ngọn cây hoa ly
– Chọn giống hoa ly sạch bệnh, và loại giống hoa ly ít bị nhiễm loại bệnh này để trồng.
– Khi trồng cây hoa ly không nên chọn củ to quá để trồng.
– Trong quá trình trồng, kỹ thuật chăm sóc cho cây hoa ly là rất quan trọng. Nên có hệ thống tưới tiêu cho cây hợp lý, nhất là vào mùa mưa cần thoát nước trong vườn ngay để tránh tình trạng cây bị ngậ úng. Luôn đạt độ ẩm trong vườn hoa ly 75%, để biết được trong vườn có đạt được độ ẩm ổn định không, bạn lấy một ít đất nắm chặt trong tay nếu không thấy nước chảy ra từ các kẻ tay là độ ẩm đạt và khi mở ra một lúc đất rã dần là đất trong vườn đạt độ ẩm 70-75%. Không nên để độ ẩm trong vườn cao quá sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại côn trùng và nấm bệnh sinh trưởng, phát triển gây hại cho cây hoa ly.
– Vào thời điểm bệnh phát sinh nhiều bạn cần chú ý dùng lưới đen căng phía trên để che bớt nắng chiếu trực tiếp lên cây khi cường độ chiếu sáng quá cao và giảm bớt được việc thoát hơi nước của cây sẽ giảm được tác hại của bệnh này rất nhiều. Tuy nhiên, cần tạo được độ thông thoáng gió cho cây khi che lưới đen.
– Bổ sung dinh dưỡng, cải tạo đất trồng: Bổ sung phân chuồng, phân hữu cơ hoai mục, vôi bột cho cây để làm tơi xốp và cải thiện độ pH đất (độ pH thích hợp cho cây hoa ly là 5,5-6,5).
– Bên cạnh đó cần bổ sung thêm phân đa, trung, vi lượng cho cây. Cây cần thiết lúc này là bổ sung thêm canxi. Sử dụng phân bón có hàm lượng Canxi cao để bón lót và sau trồng 10, 20, 30 ngày. Với phân bón vào gốc khuyến cáo bón 2kg phân Calcium nitrate 26,5% cho 1.000 chậu (cây) hoa Lily/lần bón.