Đối với người chơi lan thì lan hồ điệp quả là một loài cây không hề xa lạ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được cách trồng cũng như cách chăm sóc loài lan tuyệt đẹp này. Hôm nay, Fao sẽ bật mí cho bạn về cách trồng lan hồ điệp cũng như cách chăm sóc loài hoa tuyệt đẹp này nhé như thế nào nhé!
Lan hồ điệp là cây gì?
1, Lan hồ điệp xuất xứ ở đâu?
Lan Hồ điệp có nguồn gốc là loại phong lan từ các nước Đông Nam Á, trên dãy núi Himalaya và các vùng núi thuộc Philippines.
Sau này được phát triển và lai tạo tại các phòng nuôi cấy mô (gọi là lan công nghiệp) nên càng ngày càng có nhiều màu sắc, kích thước khác nhau.
2, Đặc điểm nhận biết lan hồ điệp
a, Thân cây
Lan hồ điệp có thân ngắn, và sinh trưởng khá chậm chạp. Trong điều kiện môi trường thuận lợi, hàng năm, thân chính của hoa hồ điệp sẽ mọc ra các lá mới theo chiều thẳng đứng, còn cành hoa sẽ mọc ở rìa thân hoặc nảy ra từ nách lá và lá mọc xếp thành hai hàng xen kẽ nhau.
b, Lá cây
Lá của lan hồ điệp khá to bản, dầy và đầy đặn, mọc theo chiều đối xứng ôm lấy thân cây. Thông thường thì một cây lan trưởng thành chỉ có từ 4 lá trở lên.
Màu sắc của lá bao gồm ba loại: Lá màu xanh, mặt trên và mặt dưới lá có màu đỏ, mặt trên của lá đốm và mặt dưới màu đỏ. Dựa vào màu sắc của lá có thể giúp phân biệt được màu sắc của hoa.
Nếu lá có màu xanh thường sẽ ra hoa màu trắng hoặc các màu nhạt, còn các lá có màu khác sẽ ra hoa màu đỏ.
c, Rễ cây
Hệ rễ của lan hồ điệp có hình dạng to, mập và có nhánh hoặc không phân nhánh chứ không chia thành rễ chính, rễ phụ, rễ nhánh một cách rõ ràng.
d, Hoa của lan hồ điệp
Cành hoa lan hồ điệp được mọc ra từ nách lá, và mọc ra từ lá thứ 3 hoặc thứ 4 nếu đếm từ trên xuống. Thông thường, lan hoa to ít phân nhánh, còn lan hoa nhỏ thì phân nhánh rõ rệt, một số giống hoa nhỏ có thể nở đến tận hơn 200 bông hoa.
Đa số các giống hoa đơn, cây chỉ ra một cành hoa, còn một số giống trong điều kiện tốt hơn có thể mọc ra 2 đến 3 cành hoa.
3, Phân loại
Ngày nay, trên thị trường có 2 loại hồ điệp là hồ điệp rừng và hồ điệp công nghiệp, mỗi loại đều có những đặc tính cũng như vẻ đẹp riêng, phù hợp với túi tiền cũng như sở thích của người chơi lan.
Cách trồng lan hồ điệp
1, Nhà vườn để trồng lan hồ điệp
Bất kể bạn muốn trồng lan hồ điệp ra hoa để chơi, để trang trí hay trồng để kinh doanh hay bất kì mục đích nào khác nhau thì cây lan Hồ điệp luôn cần một vị trí trồng được bảo vệ chắc chắn, đủ rộng rãi.
Nếu trồng lan hồ điệp trên ban công, sân thượng, mái hiên thì bạn nên bố chí và sắp xếp thêm các chậu cảnh để giảm bớt nhiệt độ và khô nóng gây ra bởi mái tôn cũng như bê tông xung quanh.
Ta nên dùng lưới màu xanh đen hay xám cho giàn che ánh sáng, và khung giàn trồng lan hồ điệp cũng cần thật chắc chắn để chống lại các tác động của môi trường như mưa, nắng, gió bão,…
2, Giá thể trồng lan hồ điệp
Sau khi đã có nhà vườn đủ điều kiện để trồng lan hồ điệp thì chúng ta cần quan tâm đến giá thể trồng Lan.
a, Giá thể trồng lan hồ điệp
Giá thể trồng lan hồ điệp phải tơi xốp và thoáng khí, đồng thời phải có khả năng giữ nước như mùn cây, than bùn khô, hạt đá nhỏ, rêu, quyết, dớn.
b, Chậu trồng lan hồ điệp
Yêu cầu của cách trồng lan hồ điệp vào chậu là chậu phải không được sâu, nhỏ, trong suốt cho rễ phát triển và quang hợp.
Khi cây còn nhỏ dùng chậu trồng lan hồ điệp có đường kính 5cm, sau 4 đến 6 tháng khi cây có khoảng cách giữa 2 lá lớn hơn 12cm thì chuyển sang chậu có đường kính 8,3cm.
Sau giai đoạn trồng từ 9 đến 12 tháng khi khoảng cách giữa 2 lá lớn hơn 18cm thì tiếp tục chuyển sang chậu có đường kính 12cm.
3, Kĩ thuật trồng lan hồ điệp
a, Ươm cây
Khi mua cây giống về trồng chú ý đến các cỡ của cây được phân cấp như sau: 2 lá cách nhau lớn hơn 5cm gọi là cỡ đặc cấp được trồng vào chậu có đường kính 7cm.
Nếu chiều dài 2 lá cách nhau từ 3 đến 5cm là cỡ cấp 1 trồng vào chậu đường kính 5cm. Nếu 2 lá cách nhau 1,2 đến 3 cm gọi là cỡ cấp 2 thì trồng vào các khay ươm cây con.
b, Chăm sóc cây non
Khi chăm sóc lan hồ điệp non, bạn nên giữ nhiệt độ thích hợp trong nhà trồng ở mức 25 đến 26 độ C, đảm bảo hệ thống thông gió hoạt động tốt, độ ẩm thích hợp.
Trong giai đoạn đầu chế độ che sáng như sau: Mùa nắng giảm bớt ánh sáng mặt trời còn 60 đến 70%, mùa mưa tăng lên còn 70 đến 80%. Sau trồng 1 tháng phun phân bón lá NPK với tỷ lệ 30-10-10 pha với nồng độ 30-40 mg/1 lít nước để phun cách 7-10 ngày/lần.
c, Thay chậu lần thứ nhất
Sau khi trồng được từ 4 đến 6 tháng, lúc này khoảng cách giữa 2 lá khoảng 12cm thì chuyển sang chậu có đường kính 8,3cm.
Tách cây ra khỏi bầu, bỏ giá thể cũ và thay bằng giá thể mới rồi trồng lại vào chậu mới nhẹ nhàng tránh làm tổn thương đến rễ, ảnh hưởng đến sự phát triển của lan.
Dưới đáy chậu nên lót 1 đến 2 miếng xốp giúp chậu thoát nước tốt, tránh làm cây bị úng. Với hướng dẫn này, phải mất tới 40 ngày trong điều kiện chăm sóc tốt mới mọc thêm 1 lá hoàn chỉnh do lan hồ điệp sinh trưởng rất chậm. Khi cây có trên 4 lá thì mầm hoa mới có khả năng phân hóa.
Để chăm sóc lan hồ điệp sau khi thay chậu lần 1 phải phun dung dịch diệt khuẩn. Trong từ 3 đến 5 ngày đầu không cần tưới nước nhưng vẫn phải giữ ẩm cho cây cũng như môi trường xung quanh. Sau khoảng 10 ngày tưới nước trở lại kết hợp bón phân.
Ta sẽ bón phân với lượng phân bón là đạm, lân, kali theo tỷ lệ 30-10-10 nồng độ 40mg/1lít nước. Ngoài ra có thể bổ sung thêm các loại phân hữu cơ khác như Komix.
d, Thay chậu lần 2
Lần thay chậu thứ 2 cũng là lần thay chậu cuối cùng được xác định khi cây có khoảng cách 2 lá đạt khoảng 18cm. Lúc này cây được từ 16 đến 20 tháng, đường kính chậu chuyển sang phải đạt 12cm.
Cách thay chậu lần này tương tự như lần đầu nhưng chú ý dùng dao, kéo sắc cắt bớt các rễ già trước khi trồng lại.
e, Nhiệt độ và ánh sáng
Chú ý trong giai đoạn này chế độ che sáng như sau: Ánh sáng mùa hè giảm từ 60 đến 70%, mùa đông giảm 40 đến 50%, nhiệt độ từ 20 đến 28 độ C, độ ẩm từ 70 đến 85%. Sau khi chuyển chậu lần thứ 2 từ 5 đến 6 tháng cây có từ 4 lá và bắt đầu phân hoá mầm hoa.
Trong thời gian này cần duy trì nhiệt độ thấp từ 18 đến 25 độ C hoặc nhiệt độ chênh lệch ngày đêm từ 8 đến 10 độ C. Xử lý nhiệt độ thấp càng dài thì hoa càng nhiều, Lan Hồ Điệp có hoa liên tục , khoảng cách giữa các hoa càng ngắn.
Nếu dưới 15 độ C thì lan không ra nụ, ra hoa còn nếu nhiệt độ trên 25 độ C thì cây cũng không thể phân hoá hoa. Thời điểm lan hồ điệp bắt đầu nhú hoa ta cần tưới phân NPK 6-30-30 pha nồng độ 2g/lít nước, thời gian phun 7 đến 10 ngày/lần, để cho hoa mập hơn, bền và sắc hoa tươi lâu hơn và đẹp hơn.
Ngoài ra, để cho hoa được bền lâu, khoảng 1 đến 2 tháng cần đặt cây ở nơi thoáng mát, nhiệt độ thích hợp 20 đến 25 độ C, ánh sáng che bớt 70%.
f, Tưới nước
Đặc biệt khi cây nở hoa không nên tưới nước hoặc dinh dưỡng lên hoa vì nước sẽ làm hoa bị úng hoặc cháy. Ta nên cắt ngay cành hoa khi chúng nở gần tàn và tưới phân NPK 30-10-10 để dưỡng cây cho trà hoa sau.
Cách chăm sóc lan hồ điệp
Lan hồ điệp tuy không phải là loài hoa quá khó trồng, tuy nhiên nếu chăm sóc không đúng cách thì cũng sẽ khiến cho giỏ lan của bạn gặp phải các vấn đề về sâu bệnh cũng như các vấn đề về sinh trưởng khác, thậm chí trường hợp xấu nhất có thể khiến lan bị chết.
Để chăm sóc lan hồ điệp và hạn chế những vấn đề trên, ta cần chú ý tới những yếu tố sau:
1, Nước
Bao lâu thì tưới nước sẽ phụ thuộc vào nơi bạn trồng chúng. Nếu bạn trồng lan hồ điệp trong chậu hoặc vỏ cây thì tưới nước mỗi tuần 1 lần là đủ. Còn bạn trồng lan hồ điệp trong bầu nhựa dẻo thì tưới nước khi cảm thấy khô.
Ánh sáng và nhiệt độ cũng ảnh hưởng đến lượng nước bạn tưới. Mùa hè thì bạn tưới nước thường xuyên hơn, mùa đông bạn cần tưới nước ít hơn. Sau một vài lần tưới nước thì bạn sẽ biết lượng nước mà mình cần tưới hoặc thời gian cần tưới một lần nữa.
Thời gian tốt nhất để tưới và chăm sóc lan hồ điệp là vào buổi sáng, bạn cần tưới bằng nước ấm. Không sử dụng nước muối hoặc nước cất để tưới.
Nếu bạn trồng lan hồ điệp trong chậu thì bạn cần khoét lỗ dưới đáy chậu để cây dễ dàng thoát nước. Tránh hư thối bộ rễ của cây. Nếu nước đọng trên lá bạn nên dùng khăn giấy để thấm nước tránh bị thối.
2, Ánh sáng
Lan hồ điệp là loài ưa bóng râm nơi ánh sáng yếu. Chúng phát triển tốt trong cửa sổ phía đông và có thể phát triển ở cửa sổ phía nam hoặc phía tây nếu được bảo vệ bởi một tấm màng mỏng. Lá của lan hồ điệp phải có màu xanh ô liu.
Nếu lá có màu tối hơn nữa là lan hồ điệp không nhận đủ ánh sáng, có màu đỏ nhuốm máu là do lan nhận quá nhiều ánh sáng. Khi lan của bạn nở hoa thì bạn có thể đặt ở bất cứ đâu trong nhà của bạn ra khỏi ánh sáng mặt trời trực tiếp.
Nếu lan của bạn không nở hoa bạn cần tăng lượng ánh sáng cho nó. Bạn có thể tăng ánh sáng cho cây bằng cách lắp cho đèn ánh sáng nhân tạo chiếu vào cây ít nhất 13 đến 16 giờ hằng ngày.
Tiếp tục tưới nước và bón phân trong khi chờ đợi cho chu kỳ nở hoa bắt đầu!
3, Nhiệt độ
Trồng lan hồ điệp ở nước ta rất khó. Nguyên nhân là do nước ta có nhiệt độ thường khá cao. Nhiệt độ vào ban đêm của lan hồ điệp là khoảng 16oC và nhiệt độ trong ngày là 21 đến 26oC .
Nhiệt độ gần với cửa sổ sẽ lạnh hoặc nóng hơn nhiệt độ trong nhà của bạn . Hãy nhớ rằng nhiệt độ dao động sẽ ảnh hưởng đến sự ra hoa của lan.
4, Độ ẩm
Để cây phát triển tốt, bạn cần chăm sóc bằng lan hồ điệp bằng cách tưới nước thường xuyên để tăng độ ẩm cho cây, độ ẩm thích hợp cho lan là khoảng 50 đến 80%. Bạn có thể đặt cây trong chậu nơi có đá cuội hoặc sỏi và nước đê tăng độ ẩm cho cây.
Nhưng đừng để rễ cây chạm vào nước trong chậu sẽ làm thối rễ của cây.
5, Phân bón và thuốc trừ sâu
Mùa hè là thời điểm mà cây đang trong giai đoạn tăng trưởng nên việc bón phân cho cây nên được tiến hành thường xuyên hơn vào thời gian này.
Người chăm sóc lan hồ điệp luôn tưới nước cho cây đầy đủ trước khi bón phân. Ta có thể sử dụng NPK 14-14-14 vì đây là loại phân bón tốt nhất cho cây.
Lan hồ điệp rất thu hút sâu hại như: Ốc ên, nhện, rệp, sâu đục nụ,… Ta cần loại bỏ những loài sâu hại bám vào lá này bằng nước xà phòng hoặc thuốc trừ sâu và sau đó nên rửa sạch lại lá bằng một miếng vải mềm.
6, Kích thích ra hoa
Bên cạnh những quy trình kể trên thì cách trồng lan hồ điệp ra hoa cũng cần rất nhiều lưu ý. Sau khi nở hoa 3 tháng, lan hồ điệp thường sẽ tàn. Khi đó, người trồng có thể điều khiển cho cây ra hoa lại bằng cách cắt bỏ toàn bộ cuống hoa, cách này cũng rất tốt nếu cuống hoa đã già và có màu nâu.
Tuy vậy, nếu cuống hoa còn màu xanh, người chơi hoa chỉ nên loại bỏ một đốt trên cuống hoa. Đoạn cành được cắt bỏ nên có độ dài khoảng 10 đến 12cm, điều này có thể giúp cây hình thành một cành mới trong vòng 2 đến 3 tuần sau.
7, Thay chậu
Thời gian sống của Lan hồ điệp rất dài, vì vậy mà người chăm cây cần thay chậu cho cây. Ta cần tiến hành thay chậu khi cây không sinh trưởng được trong chậu đang trồng hoặc giá thể trồng lan đã bị phân hủy và không đủ không khí để duy trì cho sự phát trieer của rễ lan.
Thời điểm thích hợp nhất để thay chậu cho lan hồ điệp là vào mùa xuân, việc thay chậu có thể thực hiện một lần trong một năm hoặc hai năm.
Ta nên giữ một đoạn ngắn ở dưới giá thể tại điểm bắt đầu của thân cây. Sau khi thay chậu, người chăm nên giữ cây trong bóng mát và tưới nước sau 3 ngày.
Những lưu ý khi trồng lan hồ điệp
- Đây là loài lan có biên độ biến thiên khá rộng về ánh sáng, khoảng 5.000 đến 15.000 1m/m2, ánh sáng hữu hiệu cho loài này ở 30%. Vì thế với giàn che có độ che sáng 70% là thích hợp.
- Lan hồ điệp là loài đơn thân, không có giả hành nên không dự trữ nước, hơn nữa diện tích bốc hơi của bản lá khá lớn và chúng không có mùa nghỉ vì thế phải cung cấp cho không một lượng nước đầy đủ và thường xuyên trong suốt năm.
- Lan Hồ điệp cần được bón phân liên tục trong năm. Phân phải được bón định kỳ và đều đặn, cứ 2 tuần 1 lần.
- Sự thông gió ở lan Hồ điệp là tối cần thiết so với các loài lan khác. Đây cũng là một yếu tố có liên hệ đến các bệnh thối rữa thường gặp ở loài lan này. Sự thông gió càng lớn cây càng ít bệnh vì nó giúp cây mau khô sau khi tưới.
- Một cách trồng chung nhất cho các loại đơn thân là chậu phải thật thoáng, càng thoáng càng tốt, tuy nhiên chỉ áp dụng cho nơi nào điều kiện ẩm độ ổn định, sự thông gió không đổi và nhất là khí hậu phải thật điều hòa, phù hợp với sự phát triển của cây lan.
Ý nghĩa của lan hồ điệp
Lan hồ điệp có rất nhiều màu sắc: từ trắng, vàng, hồng tím cho đến những loại hoa phối màu tự nhiên nhưng rất độc đáo và tươi mới như đốm hay sọc…
Lan hồ điệp có thể được dành tặng dưới dạng một bó hoa với những cành hồ điệp được cắt tuyển, chọn lọc. Cũng có thể là một chậu lan để có thể chăm sóc hằng ngày.
Và dù với hình thức nào đi chăng nữa, người yêu hoa, người tặng hoa và cả người nhận hoa, cũng luôn quan tâm đến ý nghĩa mà cành hoa thể hiện.
Đối với hồ điệp trắng, đó là biểu hiện của sự trong trắng, tinh khiết, thánh thiện và trinh nguyên.
Đối với hồ điệp vàng, người ta gửi gắm vào đó sự ấm áp của tình thân, sự cầu chúc sung túc, thành công, và cả vẻ đẹp thanh cao, sang trọng.
Lan hồ điệp tím lại thể hiện cho sự lãng mạn và trang trọng. Có lẽ vậy, mà những người yêu nhau, hay tặng nhau những cành hồ điệp tím, như một lời giải bày về tình yêu, một sự chờ mong, một tình yêu lãng mạn….
Trên đây là cách trồng lan hồ điệp cũng như chăm sóc một chậu lan hồ điệp hoàn chỉnh, qua bài viết này, Fao hi vọng bạn sẽ có được cho mình một chậu lan hồ điệp thật ưng ý nhé!