Giờ mờ cửa từ 7:00 đến 22:00 hàng ngày
My Cart
0
Blog

Cẩm nang phân bón – Phân xanh

phân xanh

1. Khái niệm chung về phân xanh

1.1. Khái niệm về phân xanh

– Phân xanh là biện pháp trồng cây có khả năng cố định đạm (chủ yếu là cây bộ đậu) rồi vùi chất xanh vào đất nhằm cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, đồng thời làm giàu các chất dinh dưỡng mà chủ yếu là N và chất hữu cơ cho lớp đất canh tác.

– Đây là biện pháp sản xuất phân hữu cơ tại chỗ, đặc biệt có ý nghĩa đối với các vùng đất đồi núi, đất bạc màu và vùng canh tác xa khu dân cư là những nơi có nhu cầu sử dụng phân hữu cơ cao lại gặp khó khăn về vận chuyển.

– Phân xanh còn là biện pháp sản xuất N sinh học nhờ cây bộ đậu (có các vi sinh vật cộng sinh ở rễ nên có khả năng cố định N khí quyển) với việc sử dụng 40 – 60 kg P2O5 và K2O cho 1 ha để sản xuất ra lượng N đủ để cung cấp cho chính bản thân cây bộ đậu, đồng thời còn để lại từ 60 – 200 kg N/ha cho cây trồng khác.

Lưu ý: Trong điều kiện phân lân có nhiều, giá lại rẻ còn phân đạm có ít giá thành cao, trồng cây phân xanh còn là biện pháp biến lân thành đạm.

1.2. Đặc điểm của cây phân xanh

Để cây phân xanh có thể đáp ứng được những yêu cầu nêu trên, các cây phân xanh được lựa chọn theo 1 số tiêu chuẩn sau:

– Cây có khả năng phát triển mạnh: Do cây cần có bộ rễ phát triển mạnh, tán lá phát triển nhanh, có khả năng cho năng suất chất xanh cao trong 1 thời gian ngắn.

– Có khả năng thích ứng dụng: Không mẫn cảm với pH, không đòi hỏi chất dinh dưỡng, có khả năng đồng hóa lân khó tiêu cao, phát triển cả được trên đất có tầng canh tác mỏng, chịu hạn hay thừa ẩm tốt.

– Ít bị sâu bệnh: Do sâu bệnh có khả năng lan truyền từ loại cây này sang loại cây khác, vụ trồng này sang vụ trồng khác. Để đảm bảo không lây hại sâu bệnh cho cây trồng chính thì cây phân xanh cần ít sâu bệnh.

– Có hệ số nhân giống cao: các cây phân xanh thường là các cây dễ trồng, có thể trồng dưới nhiều hình thức khác nhau (có thể trồng bằng cành, hạt, hom,…) Tuy nhiên hình thức trông bằng hạt là hình thức cơ bản và thuận tiện nên các cây phân xanh thường có nhiều hạt, hạt có kích thước nhỏ, dễ nảy mầm và phát tán.

– Có hàm lượng N, P, K cao: Nhất là N, đồng thời có tỷ lệ C/N không quá cao để chóng hoai mục.

– Có nhiều tác dụng: Có thể sử dụng làm phân bón, làm thức ăn cho chăn nuôi, là cây che phủ đất chống xói mòn rửa trôi, thân cành có thể làm củi đun,…

1.3. Phân loại cây phân xanh

Căn cứ vào đặc điểm thực vật học và tác dụng của cây phân xanh người ta chia chúng thành 2 nhóm lớn:

* Nhóm cây phân xanh vùng đồi núi

– Nhóm cây phân xanh vùng đồi núi có 2 nhiệm vụ chủ yếu là làm phân bón và che phủ đất chống xói mòn. Đồng thời chúng đảm bảo có thể chịu chua và hạn cao, mọc tốt trên đất có tầng canh tác mỏng, có tán lá che phủ đất càng nhanh càng tốt. VD: Cốt khí, keo dậu, cỏ Stylo, chàm, đậu mèo, đậu triều…

* Nhóm cây phân xanh vùng đồng bằng

– Nhóm cây phân xanh trên đất bạc màu: Là các loại cây phân xanh có khả năng chịu chua, chịu hạn, chịu nghèo chất dinh dưỡng Vd: Các loại muồng (lá dài, lá tròn, lá ổi, mũi mác, muồng sợi,…), các loại đậu, điền thanh hoa vàng.

– Cây phân xanh trên đất mặn: Là các cây có thể phát triển bình thường trong điều kiện đất có tổng số muối tan đạt tới 0,4% Vd: Điền Thanh Ai Cập, điền thanh hạt tròn, điền thanh lưu niên.

– Các cây phân xanh phù hợp cho ruộng lúa: Là các cây sống được trong điều kiện thừa ẩm. Phân xanh phổ biến ở vùng đất lúa là điền thanh hoa vàng, bèo dâu.

2. Vai trò của phân xanh

2.1. Tác dụng cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng ngay vụ từ đầu

– Hàm lượng đạm tổng số trong phân xanh thường cao hơn phân chuồng (điền thanh tươi có hàm lượng đạm 0,5%, lân 0,07%, kali (0,15%), đồng thời phân xanh có hàm lượng đạm dễ tiêu cũng như hệ số sử dụng chất dinh dưỡng cao gấp 2 lần phân chuồng.

Vì vậy khi vùi cây phân xanh đúng lúc thân lá non có tỷ lệ dinh dưỡng cao, tỉ lệ C/N thấp, nhiều nước phân sẽ nhanh chóng phân giải để cung cấp thức ăn cho cây trồng, làm tăng năng suất cây trồng rõ, có thể gấp 2 lần so với bón cùng lượng phân chuồng ngay ở vụ đầu. Tác dụng của cây phân xanh ở đất càng xấu càng rõ.

2.2. Phân xanh là biện pháp tổng hợp cải tạo đất nhanh và hiệu quả

– Sử dụng phân xanh có thể cải tạo nhanh và tổng hợp hóa tính đất do:

+ Lượng phân xanh lớn với tỉ lệ N cao khi được vùi vào đất có tác dụng làm tăng nhanh hàm lượng hữu cơ và N cho lớp đất canh tác.

+ Bộ rễ cây phân xanh phát triển mạnh lại có khả năng sử dụng dạng dinh dưỡng khó tiêu cao nên hút được nhiều thức ăn cả dễ tiêu và khó tiêu từ các tầng đất sâu tích lũy vào trong cây rồi làm lớp đất mặt ngày càng trở nên giàu dinh dưỡng.

– Sử dụng phân xanh còn có khả năng cải tạo nhanh và tổng hợp tính chất vật lý của đất do:

+ Tác dụng của lượng chất xanh sau khi cày vùi làm tăng chất hữu cơ, mùn, làm cho đất có kết cấu, chế độ nước, chế độ khí, chế độ nhiệt tốt hơn cho đất.

+ Tác dụng của rễ cây phân xanh trong việc nén ép và phân cắt đất làm cho lớp đất canh tác sâu thêm và tơi xốp có kết cấu hơn nên phì nhiêu hơn.

– Phân xanh còn tạo điều kiện tốt cho vi sinh vật hoạt động và phát triển nhanh:

Hoạt động của các vi sinh vật đất bắt đầu tăng từ khi cây bắt đầu sinh trưởng phát triển, đặc biệt vào thời điểm khi cây hình thành nốt sần. Hoạt động của VSV đất càng mạnh sau khi cầy vùi cây phân xanh vào đất.

Kết luận: Như vậy cây phân xanh là biện pháp cải tạo đất hiệu quả, đặc biệt với các vùng đất mới khai hoang, đất bạc màu, đất cát, đất mặn ven biển.

2.3. Tác dụng cải tạo đất mặn của cây phân xanh

– Trong đất mặn có tổng số muốn tan cao (0,4%) và có nhiều Na+ gây ảnh hưởng xấu đến cây và đất. Chính vì vậy việc trồng cây phân xanh chịu mặn có tác dụng sau:

+ Che phủ đất nhanh nên giảm được lượng nước bốc hơi từ mặt đất, giảm được việc tăng nồng độ mặn và bốc mặn từ mước ngầm.

+ Nhờ phân giải chất hữu cơ khi vùi cây phân xanh vào đất mà làm giảm tác hại phân tán keo đất của Na+.

2.4. Tác dụng bảo vệ đất chống xói mòn, rửa trôi chất dinh dưỡng và giữ cho đất, chống cỏ dại phát triển

– Tác dụng chóng xói mòn, rửa trôi: Khi mặt đất có cây phân xanh che phủ tránh được mưa xối trực tiếp phá vỡ kết cấu đất và chảy tràn trên mặt đất thành dòng cuốn trôi đất và các chất hòa tan, đồng thời cản được gió nên có tác dụng chống xói mòn rửa trôi do nước và gió gây nên.

– Tác dụng giữ nước cho đất: Do cây che phủ mặt đất không cho ánh nắng chiếu trực tiếp vào đất, nên giảm được sự tiêu hao chất hữu cơ và bốc hơi nước của đất, đồng thời nước lại dễ dàng theo các rễ cây phân xanh thấm được nhiều vào đất nên giữ được nước cho đất.

– Tác dụng chống cỏ dại phát triển: Cây phân xanh phát triển mạnh thành thảm thực vật có ích (nhất là khi trồng các cây phân xanh thân bò) có tác dụng lấn át không cho cỏ dại phát triển.

2.5. Tác dụng cung cấp thức ăn cho gia súc và giải quyết chất đốt

– Tác dụng làm nguồn thức ăn cho chăn nuôi: Do các cây phân xanh có chưa tỉ lệ alcaloit thấp (bèo dâu, đậu mèo, keo dậu, cỏ Stylo,…) nên không có chất gây độc, đắng khi gia súc ăn , lại có hàm lượng dinh dưỡng cao vì ngoài vai trò làm phân bón các cây phân xanh còn có tác dụng làm nguồn thức ăn cho chăn nuôi rất tốt.

– Tác dụng làm chất đốt: nhiều cây phân xanh có đặc điểm thực vật học là những cây thân bụi, thân gỗ, nên việc trồng cây này vừa có khả năng lấy lá xanh bón ruộng, vừa có thể lấy thân cành làm chất đốt rất tốt. Vd: keo dậu, cốt khí, điền thanh,…

3. Kỹ thuật sử dụng phân xanh

3.1. Vị trí cây phân xanh trong hệ thống canh tác

– Việc bố trí trồng cây phân xanh trong hệ thống luân canh dựa vào các đặc điểm chủ yếu sau: Tập quán canh tác của người dân, tình hình đất đai, nhân lực, lơi ích về mặt kinh tế và giá trị ngày công lao động ở địa phương trên cơ sở phục vụ cây trồng chính,…

– Cây phân xanh trồng xen: Là hình thức trồng cây phân xanh cùng với cây trồng chính, thường phát triển mạnh ở vùng trồng các cây dài ngày trước khi cây trồng chính khép tán.

– Cây phân xanh trồng gối: Là hình thức gieo, trồng cây phân xanh vào cuối vụ của cây trồng chính vụ trước, sau khi thu hoạch cây trồng chính vụ trước, để phân xanh phát triển tiếp thêm 1 thời gian, rồi vùi làm phân bón cho cây trồng chính ở vụ sau.

– Phân xanh trồng thuần: là hình thức trồng riêng cây phân xanh ở 1 nơi, cắt lá đi bón cho cây trồng chính ở 1 nơi khác. Thường là phương pháp trồng cây phân xanh để tận dụng đất đai.

3.2. Kỹ thuật vùi phân xanh

Thời gian vùi hoặc cắt cây phân xanh thích hợp nhất là lúc cây có năng suất chất khô cao nhất, tổng sản lượng N tích lũy trong lá cao nhất, tỉ lệ C/N thấp, dễ bị phân giải. Vd: đối với cây bộ đậu là thời kỳ cây bắt đậu ra hoa. Khi vùi cây phân xanh cần chú ý một số điểm sau.

– Bón thêm lân: khi cày vùi cây phân xanh vừa xúc tiến nhanh việc phân giải chất hữu cơ và làm cân đối hơn việc cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng.

– Đối với đất trồng màu: đất có thành phần cơ giới nhẹ cần vùi phân xanh sâu vào tầng có độ ẩm ổn định. Vùi phân xanh trên đất chua cần bón thêm vôi hay photpjorit, lân nung chảy để tạo thuận lợi cho hoạt động phân giải chất hữu cơ. Nên vùi phân xanh trong vụ hè để thuận lợi cho quá trình phân giải chất hữu cơ.

– Khi vùi phân xanh trên đất trồng lúa cần chú ý tránh để phân xanh phân giải trong điều kiện yếm khí của ruộng lúa ngập nước có thể dẫn đến viễ khử các hợp chất S chứa trong phân thành H2S gây ức chế việc hút nước và dinh dưỡng của cây lúa. Để khắc phục hiện tượng này cần vùi cây phân xanh vào đất sớm, tốt nhất trước khi đưa nước vào ruộng, sau khi đưa nước vào rồi thì lại tiến hành bừa kỹ nhiều lần, ở trên đất chua phải tiến hành bón vôi. Để an toàn nên cày vùi trước khi cấy khoảng 20 ngày.