Ớt ngọt có nguồn gốc từ Châu Âu và được lan rộng nhanh chóng ra toàn thế giới bởi màu sắc và giá trị dinh dưỡng của chúng. Quả của loại cây ớt ngọt này có hình dáng to và thuôn dài giống hình chiếc chuông nên người ta đặt tên là ớt chuông.
Vậy kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ớt chuông như thế nào? Trồng ớt chuông hay ớt ngọt có dễ không? Trồng ớt ngọt bao lâu thì cây cho ra quả? Giá trị dinh dưỡng của cây ớt ngọt là gì? Cách trồng cây ớt ngọt làm cây cảnh trong nhà như thế nào? Hàng loạt các câu hỏi được đặt ra, bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu thêm về cây ớt ngọt và cách trồng cây ớt ngọt cho quả quanh năm.
1. Giá trị dinh dưỡng của cây ớt ngọt
– Theo nghiên cứu trong ớt ngọt rất giàu dinh dưỡng, giàu vitamin A, C, cùng với các loại dưỡng chất thiết yếu khác.
– Bên cạnh đó chúng còn có các chất chống lại oxy hóa cao. Hàm lượng Vitamin C theo nghiên cứu gấp 3 lần một quả cam trung bình. Ăn thường xuyên ớt ngọt sẽ giúp cải thiện làn da, chống lại oxy hóa và giảm cholesterol rất nhiều. Bên cạnh đó loại ớt ngọt đỏ và vàng còn có khả năng phòng chống ung thư do có hàm lượng lycopene cao.
2. Điều kiện ngoại cảnh phù hợp trồng cây ớt ngọt (chuông)
2.1. Yêu cầu điều kiện nhiệt độ thích hợp cây ớt ngọt
– Nhiệt độ thích hợp cho cây ớt ngọt sinh trưởng phát triển khỏe mạnh 25-28oC nhiệt độ ban ngày, 18-20oC nhiệt độ ban đêm. Nhiệt độ thích hợp nhất là 18-28oC.
2.2. Yêu cầu điều kiện ánh sáng cây ớt ngọt
– Cây ớt ngọt cần ánh sáng nhiều, nhất là thời điểm cây ra hoa. Trong giai đoạn này nếu cây thiếu ánh sáng sẽ giảm tỷ lệ đậu quả và năng suất. Cây ớt ngọt cần ánh sáng trung bình 4-6 giờ/ngày.
2.3. Yêu cầu điều kiện đất trồng cây ớt ngọt
– Ớt chuông ưa phát triển ở đất màu mỡ, cát pha hoặc thịt nhẹ và có độ pH từ 5,5 – 7. Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 7 – 10 ngày trước khi gieo trồng hạt giống để xử lý các mầm bệnh có trong đất. Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ…
2.4. Yêu cầu dinh dưỡng cây ớt ngọt
– Ớt là cây trồng cần nhiều phân bón Kali để hình quả, nếu thiếu Kali, quả ớt sẽ không rắn chắc, không có đủ độ ngọt và độ bóng của quả.
3. Kỹ thuật trồng cây ớt ngọt (chuông)
3.1. Thời vụ thích hợp trồng cây ớt ngọt
– Ớt ngọt ở nước ta được trồng theo 2 vụ đó là vụ đông xuan và vụ xuân hè. Với vụ đông xuân đúng vụ cây cho năng suất cao nhất còn vụ xuân hè trái vụ thường sẽ cho giá bán cao hơn chinh vụ.
3.2. Tiêu chuẩn chọn giống cây ớt ngọt
– Khi chọn cây ớt ngọt xuất vườn để trồng cần chú ý chọn những cây khỏe mạnh, cây có độ tuổi 40-45 ngày tuổi, có chiều cao 12-15cm, cây cân đối, không dị hình, rễ chớm đáy bầu, đường kính cổ rễ có kích thước 2,5-3,5mm, chọn cây ngọn phát triển tốt có 4-6 lá thật, không bị nhiễm sâu bệnh.
Giống cây ớt ngọt
3.3. Chọn giống bằng hạt và cách ngâm ủ hạt giống ớt ngọt
– Chọn giống: Ớt chuông thường có giống màu vàng, xanh, đỏ, cam, tím… Bạn có thể tìm mua hạt giống cao sản ở các cửa hàng bán đồ nông sản uy tín.
Chọn hạt giống cây ớt ngọt
– Ngâm ủ, gieo hạt và cấy cây:
+ Ngâm hạt giống bằng nước ấm (khoảng 50 độ C) trong vòng 6 – 10 tiếng thì đem gieo hạt xuống đất đã chuẩn bị sẵn. Tưới nước bằng vòi phun nhẹ.
+ Khi cây con được khoảng 30 – 35 ngày thì đem ra cấy với khoảng cách 60cm x 30cm x 35cm. Khi cấy xong chuyển vào nơi ít ánh nắng hoặc che chắn khoảng 4 – 5 ngày để cây mới cây nhanh chóng bén rễ và không bị cháy nắng. Tưới nước ngày 2 lần vào lúc sáng sớm vào chiều tối.
+ Bạn cũng có thể gieo hạt trực tiếp mà không cần ngâm ủ. Khi cây con được 4 – 5 lá thật thì đem ra cấy.
3.4. Chuẩn bị đất trồng cây ớt ngọt
– Vệ sinh vườn, dọn sạch tàn dư thực vật, cày xới và bón vôi bổ sung để nâng pH lên 5.5-6.6, phơi ải đất từ 1-2 tuần để tiêu diệt một số sâu bệnh hại, sau đó lên luống để bón lót và trồng. Phân bón lót được rải đều trên bề mặt luống, dùng cuốc xăm đều sau đó phủ 1 lớp đất lên bề mặt luống và tưới ẩm đều và tiến hành phủ bạt. Đục lỗ bón phân và lỗ trồng cây.
3.5. Kỹ thuật trồng cây ớt ngọt
– Mỗi luống trồng 2 hàng, khoảng cách hàng x hàng 50cm, cây x cây 45-50cm. Mật độ trồng 30.000-35.000 cây/ha, trồng theo kiểu nanh sấu, sau khi trồng tưới nước giữ ẩm để cây nhanh phục hồi.
4. Chăm sóc cây ớt ngọt cho năng suất cao
– Chế độ nước: Ớt ngọt là loại cây đòi hỏi một lượng nước tưới khá dồi dào. Chính vì thế sau khi trồng bạn tiến hành tưới nước và duy trì độ ẩm cho đất thường xuyên. Nên duy trì độ ẩm thường xuyên ở mức 75-80%. Nên chú ý không để cho phần rễ của cây bị ngập úng vì có thể phát sinh mầm bệnh ở đó.
– Cắt tỉa cỏ dại và cành cây: Với những cây cho nhiều cành và lá thì nên cắt tỉa bớt lá già lá khô héo chỉ để lại lá ngon và xanh để nuôi. Thường xuyên nhổ sạch cỏ dại để giúp cho đất được thông thoáng và sạch sẽ.
– Chế độ bón phân cho cây:
+ Tùy vào độ dinh dưỡng của đất và thời gian sinh trưởng của cây mà bạn tiến hành bón thêm phân bón cho phát triển tốt. Sau khi cấy cây được khoảng nửa tháng bạn tiến hành bón lót cho cây đợt đầu tiên bằng phân NPK hoặc phân chuồng ủ hoai mục.
+ Đợt thứ 2 tiến hành bón sau đó khoảng nửa tháng và đợt thứ 3 vào lúc sau đợt 2 khoảng 1 tháng. Khi cây ớt cho thu hoạch lần đầu tiên mỗi lần bón thêm phân và vun xới cho đất thật tơi xốp.
5. Thu hoạch cây ớt ngọt
– Sau trồng khoảng 3 tháng cho thu hoạch quả lần đầu tiên, khi trái đạt kích thước tối đa, màu sắc chuyển từ màu xanh sang vàng hay đỏ được hơn hai phần trái thì có thể thu hoạch. Ớt cho thu hoạch liên tục 5-6 tháng. Khi thu tránh để trầy xước sẽ làm hỏng và mất phẩm chất của trái.
Ớt ngọt thu hái và bảo quản
– Thu hoạch tiến hành sau khi ớt đã được cách ly thuốc bảo vệ thực vật, tùy từng loại thuốc có thể từ 7-10 ngày hoặc theo khuyến cáo của nhà sản xuất.