Giờ mờ cửa từ 7:00 đến 22:00 hàng ngày
My Cart
0
Blog

Dinh dưỡng cây trồng – P2: Dinh dưỡng trung lượng

1.1. Vai trò của canxi (Ca)

Về mặt sinh lý dinh dưỡng, canxi kết tủa axit pectic tạo thành pectat canxi, thành phần quan trọng trong vách tế bào. Canxi do vậy giữ cho thành tế bào được vững chắc. Bón đủ canxi khả năng chịu vận chuyển của quả tăng lên.

Hàm lượng tổng số trong cây: 0,2 – 1,0. Dạng hút: Ca++.

Canxi duy trì cân bằng anion – cation trong tế bào.

Trong sinh lý dinh dưỡng, Ca++ đối kháng với nhiều cation khác (Mg++, K+, Na+, NH4+) nên canxi hạn chế sự xâm nhập quá đáng các cation này vào tế bào. Trong trường hợp thiếu canxi cây dễ bị ngộ độc các nguyên tố vi lượng. Canxi được xem là yếu tố chống độc cho cây.

Triệu chứng thiếu Canxi trên cây cà chua

Trong môi trường nhân tạo, thiếu Ca++ chức năng sinh lý của rễ không bình thường, cây không đồng hóa được nitrat (NO3-) và thấy có hiện tượng tích lũy gluxit trong tế bào. Trao đổi chất trong cây bị rối loạn khi môi trường dinh dưỡng thiếu canxi. Lúa thiếu Ca++ cây mẫn cảm hơn với ngộ độc sắt (A. Dobermann và T. Fairhurst, 2000).

Ca++ làm giảm tính thấm nước của màng tế bào, làm giảm việc hút nước của cây mà lại tăng cường việc thoát hơi nước. Đối với việc tiết kiệm nước tác dụng của Ca++ ngược lại tác dụng của K+.

Canxi thường không di chuyển trong cây nên triệu chứng thiếu canxi thường xuất hiện ở các cơ quan dự trữ và quả. Thiếu canxi chồi tận cùng và đầu chóp rễ ngừng phát triển. Rốn quả cà chua bị đen cũng là do thiếu canxi.

Về mặt dinh dưỡng, do nhu cầu cân đối Ca/Mg > 1, đứng về mặt dinh dưỡng lượng Ca++ trao đổi trong đất thấp nhất là 0,4 lđl/100 gam đất.

Về mặt cải tạo đất khi Ca++ <2 lđl/100 gam đất đã cần phải bón vôi (Mandra, 1975).

Theo Lê Văn Tiềm (2003), đất đỏ vàng và nâu đỏ của Việt Nam hàm lượng Ca++ <2 lđl/100 gam đất là nghèo.

1.2. Vai trò của Magie (Mg)

Hàm lượng tổng số trong cây: 0,1 – 0,4; Dạng hút: Mg++

Magiê kích thích hoạt động của nhiều loại men. Magiê là thành phần của diệp lục cho nên magiê liên quan đến việc đồng hóa CO2 và tổng hợp prôtêin. Magiê cũng điều chỉnh pH và cân bằng cation-anion nội bào. Magiê rất linh động, sẵn sàng di trú từ các lá già đến các lá non hơn cho nên triệu chứng thiếu magiê có khuynh hướng xuất hiện ở các lá già trước.

Các mức độ thiếu dinh dưỡng Magie trên cây ngô

Các mức độ thiếu dinh dưỡng Magie trên cây ngô (Nguồn: https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fpls.2014.00781/full)

Tùy theo tình hình năng suất, chế độ bón phân hóa học và thành phần cơ giới đất mà tính toán bù đủ lượng magiê bị lấy đi theo sản phẩm thu hoạch và việc rửa trôi magiê.

Đối với cây trồng khi lượng magiê trao đổi đạt 0,28 – 0,40 lđl/100 gam đất, tùy theo loại đất và cây, cây trồng không phản ứng với việc bón magiê nữa (Lombin và Fayemi, 1975).

1.3. Vai trò của Lưu huỳnh (S)

Hàm lượng tổng số trong cây: 0,1 – 0,4; Dạng hút: SO4

Lưu huỳnh là thành phần của các axit amin quan trọng (xystin, xystêin và mêtionin). S không có trong diệp lục song lại có vai trò tích cực trong việc tổng hợp diệp lục cho cây xanh. Trong thành phần prôtein có lưu huỳnh nên không thể thiếu lưu huỳnh khi cây tổng hợp prôtêin, lưu huỳnh cũng có trong thành phần của tiamin và biotin, hai kích thích tố thực vật (phytohocmon) cần cho việc trao đổi hydrat cacbon. Lưu huỳnh cũng tham gia một số phản ứng oxyhóa – khử trong tế bào.

Triệu chứng thiếu Lưu huỳnh trên cây trồng

Triệu chứng thiếu Lưu huỳnh trên cây trồng

Các cây bộ đậu, cây lấy dầu, cây bộ thập tự, cây gia vị là những cây có nhu cầu S cao. Đất cát, đất bạc màu nghèo chất hữu cơ thường nghèo lưu huỳnh. Đất bazan nghèo lưu huỳnh cà phê dễ bị bạc lá (Tôn Nữ Tuấn Nam, 2000).

Các vùng gần các trung tâm đô thị, khu công nghiệp sử dụng than và dầu làm nhiên liệu, môi trường không khí bị ô nhiễm SO2 cây thường không thiếu lưu huỳnh.