Giờ mờ cửa từ 7:00 đến 22:00 hàng ngày
My Cart
0
Blog

Kỹ thuật trồng cúc hoàng anh khoe sắc ngày tết

Cây hoa cúc hoàng anh

Hoa cúc hoàng anh với đặc tính dễ trồng, ít sâu bệnh, không tốn kém công chăm sóc… Nhưng hoa lại mang lại giá trị kinh tế cao cho người làm vườn. Cứ mỗi đợt xuân về, các nhà vườn thường lựa chọn là trồng cúc hoàng anh trên các cánh đồng hoa. Bởi lẻ vừa có thể bán hoa vào dịp tết, vừa có thể sử dụng để phục vụ trào lưu chụp hoa ngày tết như hiện nay. Rất nhiều người tìm đọc và thắc mắc về kỹ thuật trồng cúc hoàng anh như thế nào để nở vào dịp tết? Xuất phát từ điều trên, qua bài vết dưới đây xin chia sẻ cùng bạn đọc kỹ thật trồng hoa cúc hoàng anh cụ thể như sau:

1. Trồng hoa cúc hoàng anh vào mùa nào trong năm?

– Hoa cúc hoàng anh là cây ưa ấm áp, không chịu lạnh. Vì vậy tùy vào điều kiện thời tiết từng vùng trồng để quyết định thời điểm trồng hoa cúc hoàng anh cho thích hợp.

– Đối với các vùng không có mùa đông lạnh như vùng Miềm Trung, Miềm Nam có thể trồng quanh năm nhưng tránh mùa mưa do trồng tỷ lệ cây chết úng cao vì gặp mưa hoặc để đảm bảo cây sinh trưởng phát triển tốt cần có biện pháp che chắn thích hợp. Đối với miền Bắc trồng vào mùa thu, cuối đông sang xuân là tốt nhất.

– Hoa cúc hoàng anh sau trồng từ 65 – 70 ngày sẽ cho hoa. Vì vậy để hoa nở vào dịp tết Nguyên Đán, nên trồng vào tháng 10 – 11 dương lịch hàng năm. Với Miền Bắc để đảm bảo cây sinh trưởng tốt, ra hoa vào tết cần lưu ý kỹ thuật thắp điện chiếu sáng cho cây ở giai đoạn mới trồng.

Sắc vàng hoa cúc hoàng anh

2. Chọn giống hoa cúc hoàng anh nở hoa đẹp bền cây

– Hoa cúc hoàng anh hiện nay thường được nhân giống bằng cách gieo hạt giống, bởi phương pháp này tỷ lệ thành công rất cao.

– Hạt giống nên chọn mua tại các cơ sở uy tín chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ từ Nga sẽ đảm bảo tỷ lệ nảy mầm, và chất lượng cây con sẽ tốt, không nhiễm sâu bệnh hại.

3. Kỹ thuật ươm giống hoa cúc hoàng anh từ hạt

– Hạt giống hoa cúc hoàng anh khá nhỏ nên không cần xử lý hạt trước khi gieo tránh làm ảnh hưởng đến khả năng nảy mầm của hạt.

– Vị trí ươm giống nên chọn nơi có ánh sáng tán xạ, nhiệt độ từ 25 – 28oC, nơi thoáng mát.

– Giá thể gieo có thể lựa chọn giá thể chuyên dùng để trồng rau, trồng hoa. Có thể sử dụng đất thịt nhẹ, đất cát pha… giàu dinh dưỡng, có hàm lượng mùn cao.

– Sau khi gieo hạt vào giá thể thì tiến hành tưới nước cung cấp độ ẩm hằng ngày cho cây. Sau khoảng 3 – 5 ngày, hạt giống nảy mầm và phát triển thành cây con.

– Cây giống đạt tiêu chuẩn trồng khi cây có từ 3 – 5 lá, bộ rễ phát triển mạnh, không nhiễm sâu bệnh.

Cây hoa cúc hoàng anh khoe sắc ngày xuân

4. Kỹ thuật làm đất, lên luống trước khi trồng hoa cúc hoàng anh

– Đất trồng hoa cúc hoàng anh thích hợp nhất là đất thịt, đất cát pha, đất đỏ…Cây hoa cúc hoàng anh cần nhu cầu độ ẩm cao nhưng không chịu úng. Nên chọn đất trồng cao ráo có hệ thống thoát nước tốt.

– Tiến hành làm đất kỹ, sạch cỏ dại, bón phân lót cho đất trong quá trình làm đất. Chọn các loại phân chuyên dùng bón lót, phân chuồng hoai mục, vôi bột bón (liều lượng theo nhà sản xuất khuyến cáo, thông thường từ 20 – 25 kg NPK 5:10:3). Sau khi bón lót, làm đất cần ủ đất từ 20 – 25 ngày rồi mới tiến hành trồng.

– Trước khi trồng tiến hành lên luống: Chiều cao luống từ 20 – 25 cm, mặt luống rộng rừ 1 – 1,2 m. Trong trường hợp trồng chậu, nên lựa chọn chậu có kích thước phù hợp (càng to càng tốt), kích thước chậu ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cây sau này.

Sắc vàng rực rỡ hoa cúc hoàng anh

5. Kỹ thuật trồng cúc hoàng anh khoe sắc vàng dịp Tết

– Đối với trồng luống: Mật độ trồng đảm bảo 20 – 25 cây/m2; Cây cách cây 20 – 25 cm; Hàng cách hàng 25 cm.

– Trồng chậu thì cho đất vào trước 2/3 chậu rồi trồng cây con vào. Tùy theo kích thước chậu để trồng số lượng cây giống cho phù hợp.

– Thời điểm trồng hoa nên trồng vào chiều mát. Nhẹ nhàng chuyển cây con từ vườn ươm để trồng, tránh làm dập nát cây giảm sức sống của cây con. Trồng dùng tay ấn nhẹ để cố định cây. Sau khi trồng cần tiến hành tưới ẩm cho cây. Nếu giai đoạn mới trồng thời tiết nắng gắt hoặc mưa liên tiếp thì nên có biện pháp che chắn cho cây từ 3 – 5 ngày sau khi trồng để tránh cây chết, khi cây bén rễ hồi xanh có thể tháo lưới che.

6. Kỹ thuật chăm sóc cúc hoàng anh cho cây to, nở hoa đẹp

* Kỹ thuật tưới nước

– Hoa cúc hoàng anh là cây ưa ẩm nhưng không chịu úng. Nên sau khi trồng cần thường xuyên cung cấp nước cho cây, đảm bảo độ ẩm từ 70 – 75%.

– Tưới đều đặn 2 lần/ngày cho cây hoa cúc hoàng anh trồng trong chậu. Với cây trồng trực tiếp tùy vào thời tiết độ ẩm đất có thể tưới từ 1 – 2 lần/ngày. Nên tưới vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối.

– Khi tưới nên tưới bằng vòi hoa sen nhẹ nhàng tránh tưới mạnh làm tổn hại đến cây, đặc biệt là cây con giai đoạn mới trồng.

Vườn trồng hoa cúc hoàng anh

* Kỹ thuật bón phân cho cây cúc hoàng anh

– Trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây hoa cúc hoàng anh, để cây sinh trưởng phát triển mạnh, ra hoa đẹp cần tiến hành bón phân thúc cho cây. Bón phân thúc cho cây được thực hiện vào 3 giai đoạn:

+ Giai đoạn 1: Sau trồng 10 ngày, khi cây bén rễ hồi xanh. Bón phân bón thúc cho cây bằng phân NPK 16:16:8; Hòa phân trong nước để tưới cho cây, liều lượng bón theo khuyến cao của nhà sản xuất.

+ Giai đoạn 2: Khi cây sinh trưởng phát triển thân lá mạnh, giai đoạn sau trồng từ 25 – 30 ngày. Tiến hành tưới nhữ phân ure cho cây.

+ Giai đoạn 3: Cây cao khoảng 40 – 50 cm, bón thêm phân NPK 16:16:8 và phân chuồng hoai mục (hoặc phân vi sinh) cho cây.

Cây hoa cúc hoàng anh

* Kỹ thuật bấm ngọn và làm lưới đỡ cây

– Khi cây đạt chiều cao 10 -15 cm tiến hành ngắt bỏ chồi hông của cây để tăng khả năng phát triển nhánh hoa của cây, giúp cây tăng số lượng hoa và nụ. Đồng thời căng lưới đỡ cho cây trống đổ ngã làm giảm chất lượng hoa thành phẩm.

– Lưới căng đỡ hoa nên chọn lưới có khoảng cách mắt lưới từ 10 – 15 cm. Vót ngọn 1 đầu cây tre cắm chặt xuống đất căng lưới để đảm bảo lưới không bị trùng và dỡ cây không bị đổ ngã.

* Phòng sâu bệnh hại cho cây hoa cúc hoàng anh

– Hoa cúc hoàng anh rất ít sâu bệnh hại hầu như sâu bệnh hại ít gây hại đến ngưỡng kinh tế nên không cần thiết phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ.

– Nếu trong suốt quá trình trồng, nếu trồng với diện tích lớn để đảm bảo cho cây sinh trưởng phát triển, cần thường xuyên kiểm tra để có thể phát hiện kịp thời sâu bệnh hại cây. Từ đó có thể quyết định đến phương pháp xử lý như cắt bỏ, nhổ bỏ hay phun thuốc bảo vệ thực vật cho vườn hoa.

Mùa hoa cúc hoàng anh ở Đà Lạt