Có thể nói bù lạch (còn gọi là bọ trĩ) là loại côn trùng xuất hiện và gây hại sớm nhất trên cây lúa ở giai đoạn đầu vụ. Nhiều khi cây lúa chỉ mới xuống giống được vài ba ngày, mở lá lúa ra đã thấy mấy “ông bù lạch” nằm chình ình trong chóp lá rồi. Bù lạch thuộc nhóm côn trùng chích hút, cơ thể của chúng rất nhỏ, chỉ như đầu mũi kim dài khoảng 1-1,5mm (ảnh 37). Khi cây lúa vừa mới xuống giống được 1-2 lá là con trưởng thành của chúng từ nơi khách đã di chuyển đến ruộng và đẻ trứng trên lá lúa, vài ngày sau trứng nở ra ấu trùng (bọ trĩ non) có màu trắng sữa, lớn lên chúng chuyển dần sang màu xám, khi trưởng thành có màu đen.
Cả con trưởng thành và con ấu trùng đều nằm bên trong những lá lúa được cuốn lại ở chóp lá chích hút nhựa của lá non, làm cho lá lúa bị lấm tấm màu trắng bạc, mất màu xanh của diệp lục, héo dần. Đúng như bạn đã quan sát thấy nếu mật số cao (khoảng năm, bẩy con trên một chóp lá) chúng sẽ gây hại nặng làm cho lá lúa bị khô cháy, ruộng lúa bị tàn lụi, nếu không chăm sóc tốt và kịp thời sau này cây lúa sẽ bị cằn cỗi, suy dinh dưỡng tạo điều kiện cho nấm bệnh đốm nâu, tiêm lửa tấn công gây hại nhiều, dẫn đến giảm năng suất. Cho đến nay chưa có một giống nào kháng hoặc chống chịu với loại côn trùng này.
Bù lạch (bọ trĩ) một vấn đề đáng lo ngại đối với nông dân
Bù lạch chỉ gây hại ở giai đoạn đầu vụ, khi cây lúa còn nhỏ, thức ăn phù hợp với chúng, khi cây lúa bước vào giai đoạn đẻ nhánh trở đi thì mật số sẽ giảm dần và mất hẳn khi lá lúa đã già.
Thực tế đồng ruộng cho thấy bù lạch thường gây hại nhiều trong điều kiện thời tiết khô hạn, nắng nóng, vì thế trong các vụ lúa ở Nam bộ bù lạch thường gây hại lúa hè – thu nhiều hơn ở vụ đông – xuân và các vụ lỡ khác (đã có những năm hầu hết diện tích lúa hè – thu ở các tỉnh Nam bộ bị nhiễm bù lạch ở mức độ khác nhau). Những ruộng lúa bị khô hạn ở giai đoạn đầu vụ, những ruộng sạ muộn hơn so với những ruộng xung quanh… thường là những ruộng bị chúng gây hại nhiều hơn.
Để hạn chế tác hại của bù lạch bạn nên áp dụng kết hợp nhiều biện pháp. Sau đây là một số biện pháp chính:
- Sau khi thu hoạch lúa nếu điều kiện cho phép nên cày vùi rơm rạ để diệt lúa chét, lúa rài trên ruộng. Trước khi xuống giống cần vệ sinh lại đồng ruộng một lần nữa cho sạch sẽ, chú ý thu gom hết những cây lúa chét, lúa rài và những loại cỏ hòa bản ký chủ phụ của bù lạch còn sót lại trên ruộng, trên bờ đem tiêu hủy để tiêu diệt bù lạch đang “cư trú” trên đó, không để chúng di chuyển sang phá lúa ở đầu vụ.
- Không nên gieo cấy lai rai xen kẽ nhiều trà lúa trên cùng một khu vực, một cánh đồng. Nếu có thể được nên vận động những chủ ruộng trên cùng một khu vực, cùng một cánh đồng xuống giống đồng loạt, tập trung gọn thời vụ để hạn chế việc thức ăn phù hợp cho bù lạch liên tục có mặt trên đồng ruộng. Nếu làm được, biện pháp này sẽ có tác dụng rất tốt.
- Không nên gieo sạ quá dầy, tốt n hất là áp dụng biện pháp sạ hàng với lượng giống khoảng 80-100kg cho một ha.
- Bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali. Tuyệt đối không để ruộng bị khô hạn ở đầu vụ, phải luôn giữ đủ nước ở giai đoạn này tạo tiểu khí hậu mát mẻ trên ruộng sẽ có tác dụng hạn chế bớt tác hại của bù lạch.
- Về việc dùng thuốc hóa học: trước đây ba con nông dân thường có tập quán là sau khi xuống giống vài ngày là tiến hành phun xịt thuốc để phòng trừ bù lạch, bất kể trên ruộng có bù lạch hay không (cho chắc ăn), chính việc làm này đã vô tình tiêu diệt cả những con thiên địch từ nơi khác vừa di chuyển đến ruộng lúa sinh sản, tích lũy số lượng tiêu diệt sâu hại trên ruộng. Do thiên địch bị tiêu diệt nên một số sâu hại đã bùng phát gây thành dịch sau đó, đặc biệt là rầy nâu.
Qua nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và thực tế trên đồng ruộng, các nhà chuyên môn cho biết ở giai đoạn đầu vụ nếu cây lúa bị sâu ăn lá (trong đó có con bù lạch) gây hại thì giai đoạn sau đó cây lúa sẽ tự điều chỉnh để bù đắp được những thiệt hại đó bằng cách ra lá mới, tăng cường công năng sinh lý của bộ lá để tăng khả năng quang hợp cung cấp thêm vật chất hữu cơ nuôi cây… Vì thế chúng ta kh ông nên phun thuốc trừ sâu sớm ngay từ khi mới xuống giống như một số nơi bà con vẫn còn làm.
Để hạn chế tác hại của bù lạch bạn chỉ cần áp dụng thật tốt những biện pháp đã nêu trên đây. Tuy nhiên vì một lý do nào đó chúng ta không thể áp dụng được đầy đủ những biện pháp này nhất là không thể khống chế được điều kiện thời tiết, thì bù lạch vẫn còn xuất hiện và gây hại. Gặp trường hợp này nên nhanh chóng bơm nước ruộng đầy đủ tạo tiểu khí hậu trong ruộng lúa mát mẻ, ít thuận lợi cho bù lạch, đồng thời bón bổ sung thêm phân (nhất là phân bón qua lá) để cây lúa nhanh hồi phục.