Giờ mờ cửa từ 7:00 đến 22:00 hàng ngày
My Cart
0
Blog

Sâu phao đục bẹ trên cây lúa và cách phòng trừ hiệu quả

Loài sâu này mới xuất hiện ở các tỉnh Nam bộ vào khoảng năm 2000, chúng xuất hiện ở cả hai vụ đông-xuân, hè-thu và ở cả những nơi có trồng vụ thu-đông, nhất là những vùng trũng thấp, thường vụ ngập nước ở giai đoạn đầu vụ giống như loài sâu phao cũ (Nymphula depunctalis) mà chúng ta vẫn thường gặp trên cây lúa của nước ta.

Theo nghiên cứu của các nhà chuyên môn thì loài sâu này thuộc họ ngài sáng (Pyralidae) bộ cánh vẩy (Lepidoptera) (chưa xác định được tên khoa học).

Vòng đời phát triên của sâu phao

Vòng đời phát triên của sâu phao

Con trưởng thành (bướm) có kích thước và màu sắc tương đối với con trưởng thành của sâu cuốn lá lúa loại nhỏ, khi đậu luôn trúc đầu xuống dưới đất, ở mặt dưới lá, cánh xếp hình tam giác. Mỗi con trưởng thành cái có thể đẻ 30-50 trứng trên phiến lá hay bẹ lá lúa ở gần mặt nước.

Sau khi đẻ khoảng 5-6 ngày thì trứng nở thành sâu non (ấu trùng), sâu non có 5 tuổi, thời gian sâu non khoảng 18-25 ngày. Sâu non có màu trắng sữa, mập mạp giống con dòi, trên mình có lông tơ, đẫy sức sâu có thể dài khoảng 20mm, sống rất khỏe dù ruộng đã bị cạn nước vài ngày. Sâu gây hại bằng cách cắn phá phần mép của lá lúa làm cho phiến lá bị khuyết lam nham, rồi dùng tơ ghép hai mảnh lá lại với nhau thành một cái phao và nằm bên trong, sau đó di chuyển tới phần thân đục thủng bẹ xuyên qua thân cây lúa, phá hại xong cây này chúng tiếp tục di chuyển sang phá cây bên cạnh (một con sâu có thể gây hại cho nhiều cây lúa). Cây lúa bị hại sẽ phát triển kém, đọt bị vàng, không nẩy chồi mới để kịp đền bù cho những cây đã bị hại, nếu bị hại nặng, bẹ lúa bị thủng nhiều lỗ (ảnh 38), chỗ bị đục sẽ bị thối lan rộng dần ra làm cho gốc lúa bị chết thành từng vạt, nếu không can thiệp các biện pháp diệt trừ và ngăn chặn sâu kịp thời sẽ gây thất thu năng suất và sản lượng lúa.

Hình ảnh sâu phao gây hại trên lúa

Hình ảnh sâu phao gây hại trên lúa

Đẫy sức sâu hóa nhộng ngay bên trong phao và được ghim chặt một đầu vào thân cây lúa.

Thực tế đồng ruộng cho thấy cũng giống như sâu phao, sâu phao đục bẹ thường xuất hiện và gây hại nhiều ở giai đoạn lúa từ 15-30 ngày tuổi. Những ruộng lúa bị ngập nước, những ruộng gieo sạ dầy, những ruộng bón nhiều phân đạm làm cho cây lúa mềm yếu, những nơi đất trũng, những đường nước, nhong tát nước… trong ruộng thường bị sâu gây hại nhiều hơn. Vụ lúa hè-thu thường bị sâu gây hại nhiều hơn các vụ khác trong năm.

Ngoài cây lúa sâu phao đục bẹ còn sinh sống trên cả một số cây ký chủ khác như cỏ lồng vực, cỏ đuôi phụng, cỏ cú, cỏ túc hình, lúa cỏ… vì thế nếu không vệ sinh đồng ruộng triệt để và thời vụ cứ liên tục xen kẽ nhau trên đồng ruộng thì rất khó khăn cho việc phòng trừ.

Để hạn chế tác hại của sâu các bạn có thể áp dụng kết hợp một số biện pháp sau đây:

  • Nếu có điều kiện trong mỗi vùng hoặc mỗi cánh đồng bà con nên vận động nhau gieo sạ đồng loạt tập trung gọn thời vụ để tránh tình trạng thức ăn của sâu liên tục có mặt trên đồng ruộng.
  • Không nên gieo sạ quá dầy, tốt nhất là dùng biện pháp sạ hàng. Không nên bón quá nhiều phân đạm làm cho cây lúa mềm yếu. Nên áp dụng biện pháp “ba giảm ba tăng” như ngành bảo vệ thực vật đã khuyến cáo.
  • Không nên để mực nước quá cao trên đồng ruộng và tránh có những chỗ trũng trong ruộng ở giai đoạn đầu của cây lúa, muốn vậy phải cố gắng san bằng mặt ruộng và chủ động khống chế mực nước ruộng ở mức 4-5cm để hạn chế sâu di chuyển lây lan. Sau khi bón phân đợt 2 khoảng 5 ngày rút nước ráo mặt ruộng vài ngày cũng có tác dụng hạn chế sâu rất tốt.
  • Sau khi gieo sạ khoảng 10-15 ngày nên kiểm tra ruộng lúa thường xuyên để kịp thời phát hiện và có biện pháp diệt trừ ngay khi sâu còn ở diện hẹp, không cho chúng lây lan rộng ra cả ruộng. Khi phát hiện có sâu nên tháo cạn nước ruộng, nếu có điều kiện nên thả vịt con dưới 30 ngày tuổi vào ruộng để vịt ăn sâu (không phun xịt, rải thuốc vào những ruộng thả vịt).
  • Với những ruộng không có điều kiện thả vịt ăn sâu thì dùng thuốc để phun rải. Có thể dùng một trong cá loại thuốc dạng hạt như Basudin 10H, Diaphos 10G, Basutigi 10H, Vibasu 5H/10H, Regent 0,2G/0,3G, Rigell 3G… rải xuống ruộng khi thấy trưởng thành của sâu ra rộ. Hoặc có t hể sử dụng một trong các loại thuốc như: Vetsemex 20EC, Forsan 50EC, Regent 800WG, Vibasu 40ND, Tập kỳ 1,8EC… phun xịt sau khi thấy con trưởng thành ra rộ khoảng 6-7 ngày. Về liều lượng và cách sử dụng thuốc theo hướng dẫn có in trên vỏ bao bì.

Do đặc tính của sâu thường gây hại tập trung ở những chỗ có nhiều nước trong ruộng, vì thế để tránh lãng phí thuốc, công phun rải, đồng thời giảm bớt tác hại đối với thiên địch và bảo vệ môi trường chỉ nên tập trung phun rải thuốc vào những chỗ có sâu trong ruộng. Sau khi phun rải thuốc vài ngày bơm nước trở lại cho ruộng lúa.