1. Rễ sả:
– Rễ của cây sả là bộ rễ chùm, mọc tập trung ở đốt thân đầu tiên và có khả năng phát sinh trên tất cả các đốt của thân, nhánh.
– Trong điều kiện đất tơi xốp giàu chất hữu cơ, bộ rễ có thể phân bố rộng tới hơn 20cm, ăn sâu xuống mặt đất 15 – 20cm, rễ ăn sâu nhất không quá 40cm.
– Sả là loài cây hoà thảo nhưng bộ rễ có khả năng hút nước tốt hơn một số loài hoà thảo khác. Vì vậy, cây sả có khả năng chịu hạn khá tốt.
– Điều kiện tốt nhất cho sự phát sinh, phát triển của bộ rễ là đất tơi xốp và đủ ẩm.
– Nếu đất bí chặt kết hợp với ẩm độ đất quá thấp (dưới 55 %) hoặc quá cao (trên 80 %) đều gây bất lợi cho sự phát sinh, phát triển của bộ rễ.
– Mặc dù rễ cây sả không phải là bộ phận dùng để chưng cất tinh dầu nhưng nếu bộ rễ sinh trưởng kém sẽ làm ảnh hưởng tới sinh trưởng chung của toàn cây. Do vậy, trong quá trình trồng và chăm sóc, cần sử dụng các biện pháp kỹ thuật để tạo điều kiện tốt nhất cho bộ rễ phát triển. Ví dụ như làm đất, bón phân, xới xáo, tưới nước,….
2. Thân, nhánh sả.
– Thân cây sả còn được gọi là tép sả, nhánh sả. Thân thật của cây sả do nhiều đốt hợp thành. Khi cây còn nhỏ, các đốt này còn xếp sít nhau, vì vậy trên thực tế chỉ nhìn thấy thân giả của cây (thân giả do các bẹ lá ôm lấy nhau tạo thành).
Thân, lá cây sả
– Khi cây đã trưởng thành và già, các đốt trên thân đã phát triển dài hơn, do đó có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Chiều dài các đốt khác nhau: Các gốc có đốt rất ngắn chỉ từ 0,2 – 0,3cm, các đốt ở phía trên dài dần nhưng không quá 2cm. Vì vậy chiều cao thân thật biến động từ 10 – 20cm. Do bẹ lá ôm gần vòng thân và xếp sít nhau nên thân sả phía trên có màu trắng ngà, đoạn gốc thân có màu nâu vàng.
– Ngoài ra, chiều cao thân cây còn phụ thuộc vào dinh dưỡng trong đất, kỹ thuật chăm sóc, điều kiện thời tiết khí hậu…
– Trên mỗi đốt mang một mầm lá, một mầm ngủ mọc so le và đai rễ có thể phát sinh nhiều rễ, nên các đốt của đoạn thân trên cũng phát sinh rễ bất định. Sả sinh sản bằng cách đẻ nhánh giống như sả. Các mầm ngủ phát sinh trên thân khoẻ tạo thành nhánh cấp một, các nhánh cấp một cũng phát sinh ra nhiều nhánh cấp hai. Cứ như vậy, từ một nhánh sả ban đầu đem trồng, sau một thời gian sẽ phát triển thành bụi sả.
– Tùy điều kiện môi trường như ẩm độ, độ phì của đất, các biện pháp kỹ thuật chăm sóc (như bón phân, tưới nước, làm cỏ, xới xáo, phòng trừ sâu bệnh…) mà số lượng nhánh sả biến động rất lớn, từ 80 đến 150 nhánh.
– Tinh dầu sả được chiết xuất chủ yếu từ thân và lá sả, do đó, số lượng nhánh sả trên mỗi khóm sả (hay cụm sả) có quyết định rất lớn đến sản lượng tinh dầu thu được.
– Vì vậy, trong sản xuất phải có biện pháp kỹ thuật để tăng số nhánh sả, tạo số nhánh sả tối ưu nhất cho sự tạo thành sản lượng tinh dầu.
– Do thân cây sả có chứa nhiều tinh dầu, vì vậy khi cắt sả để chưng cất tinh dầu, cần chú ý kỹ thuật cắt để không làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây ở các vụ tiếp theo, đồng thời hàm lượng tinh dầu đạt cao nhất.
3. Lá sả:
– Lá là bộ phận chủ yếu và quan trọng nhất để chưng cất tinh dầu.
– Lá gồm có bẹ lá ôm sát thân, có gốc lá và phiến lá dài, mềm hơn bẹ. Chiều dài phiến lá gấp 1, 5 – 2 lần bẹ lá. Lá hẹp dài như lá sả, hai mặt và mép lá hơi ráp.
Lá cây sả là bộ phận quan trọng để lấy tinh dầu
– Diện tích lá thay đổi tùy thuộc loài, điều kiện ngoại cảnh, các biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc. Chiều dài lá biến động rất lớn từ 0,5 – 0, 7m hoặc có thể tới 1,3 – 1, 6m.
– Bộ phận thu hoạch để chưng cất tinh dầu chủ yếu là phiến lá. Vì vậy, cần có biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc thích hợp để phiến lá rộng, dài, năng suất và tỷ lệ tinh dầu cao. Đặc biệt là việc điều chỉnh tỷ lệ bón phân giữa đạm và các loại phân khác.
– Ngoài các biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc thì các biện pháp kỹ thuật thu hoạch và bảo quản lá sả sau khi cắt cũng có ảnh hưởng rất lớn đến hàm lượng tinh dầu. Vì vậy, cần thu hoạch và bảo quản bộ phận đã thu hoạch đúng yêu cầu kỹ thuật.